Điều chỉnh thước đo kinh tế

- Chủ Nhật, 04/10/2020, 06:33 - Chia sẻ
Trong dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất bổ sung một số chỉ tiêu chưa từng xuất hiện trong các chỉ tiêu pháp lệnh trước đó. Cụ thể, ở lĩnh vực kinh tế có thêm 3 chỉ tiêu: Quy mô GDP bình quân đầu người; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng; và năng suất lao động xã hội.

Việc đề xuất một số chỉ tiêu mới cho thấy Chính phủ cũng như Bộ Kế hoạch và Đầu tư muốn có thêm những thước đo để đánh giá nền kinh tế một cách toàn diện và thực chất hơn. Tuy vậy, câu hỏi đặt ra là những chỉ tiêu này có thực sự giúp Chính phủ đạt được mục đích của mình?

GDP hiện được tính theo phương pháp sản xuất. Trong nhiều trường hợp, tăng trưởng GDP hoặc quy mô GDP cao nhưng không ai, từ người dân đến Chính phủ, được hưởng gì đáng kể. Đó là trường hợp tăng trưởng dựa vào khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài do tăng trưởng về lượng tiền chi trả sở hữu luôn cao hơn tăng trưởng GDP nhiều. Việc đầu tư không hiệu quả như thất thoát, lãng phí, tham nhũng, hoặc đổ vốn vào xây những công trình như tượng đài, cổng chào... có thể làm GDP tăng ngay trong kỳ báo cáo nhưng không lan tỏa gì đến chu kỳ sản xuất sau, khiến tiết kiệm của nền kinh tế nhỏ đi. Vì thế, chỉ tiêu GDP bình quân đầu người không mang nhiều ý nghĩa.

Theo số liệu thống kê, năng suất lao động Việt Nam có được nhờ vào ngành khai thác (gấp 13 lần so với năng suất bình quân), ngành điện (gấp gần 18 lần so với năng suất bình quân), ngành kinh doanh bất động sản (gấp 10 lần năng suất bình quân). Nghĩa là giá điện càng tăng thì năng suất lao động của Việt Nam càng tăng! Sách trắng về doanh nghiệp Việt Nam năm 2020 cũng cho thấy, tỷ lệ giá trị tăng thêm so với doanh thu thuần của khối doanh nghiệp cực thấp, khoảng 11%, trong đó doanh nghiệp ngoài nhà nước chỉ là 8,9% - chứng tỏ nền kinh tế Việt Nam phần nhiều là gia công. Trong trường hợp xuất khẩu sản phẩm gia công thì quốc gia được hưởng lợi không phải là Việt Nam. Như vậy, nếu GDP bình quân đầu người hay năng suất lao động cao thì chưa đáng tự hào. Và những chỉ tiêu này cũng không phản ánh bản chất của nền kinh tế, chẳng qua cũng là GDP!

Chỉ tiêu năng suất nhân tố tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng thực chất đã được Tổng cục Thống kê đưa vào trong các báo cáo kinh tế - xã hội những năm gần đây nhưng không biết Tổng cục Thống kê tính toán chỉ tiêu này bằng cách nào? Tổng quát nhất, năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) phụ thuộc vào mấy yếu tố như tăng trưởng GDP, tăng trưởng về vốn, tăng trưởng về lao động và các hệ số co giãn của vốn và lao động. Nhưng dường như chỉ tiêu vốn và tỷ lệ khấu hao tài sản cố định không hề tồn tại trong bất cứ tài liệu nào của Tổng cục Thống kê. Lưu ý rằng vốn để tính toán TFP không phải chỉ tiêu “vốn đầu tư” mà Tổng cục Thống kê công bố hàng năm. Các nhóm nghiên cứu và cả Tổng cục Thống kê thường phải ước lượng chỉ tiêu này. Phương pháp và nguồn số liệu khác nhau cho ra các kết quả khác nhau. Ngoài ra, ngay việc ước lượng các hệ số co giãn về vốn và lao động bằng phương pháp hồi quy và từ mô hình cân bằng tổng thể cũng cho kết quả khác nhau. Chính vì vậy, TFP có thể được điều chỉnh tùy theo ý chí.

Để đánh giá toàn diện nền kinh tế có các chỉ tiêu quan trọng khác như tổng thu nhập quốc gia (GNI), thu nhập quốc gia khả dụng (NDI), tiết kiệm (saving)... Một số chỉ tiêu đã được Tổng cục Thống kê công bố từ nhiều năm nay song song với GDP. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nên bổ sung và các nhà hoạch định chính sách nên sử dụng các chỉ tiêu này để điều hành đất nước cũng như đo lường sức khỏe thực sự của nền kinh tế.

TS. Bùi Trinh