COVID-19 và những thách thức đối với hoạt động bầu cử

Điều chỉnh cách thức bầu cử: Cần cẩn trọng và sáng suốt

- Chủ Nhật, 07/03/2021, 08:55 - Chia sẻ
Ngoài quyết định hoãn bầu cử, nhiều quốc gia đang xem xét sửa đổi cách thức tiến hành bầu cử, bao gồm áp dụng một phần hoặc toàn bộ phương pháp bỏ phiếu qua bưu điện. Bên cạnh đó, cũng có nhiều cuộc thảo luận xung quanh việc bỏ phiếu qua internet, các ứng dụng điện thoại di động.

Dù là lựa chọn nào, như Tổ chức quốc tế vì hệ thống bầu cử (IFES) đã lưu ý trong Hướng dẫn và Khuyến nghị cho hoạt động Bầu cử trong đại dịch Covid-19: “Điều quan trọng là các cơ quan quản lý bầu cử và các cơ quan công quyền trên toàn thế giới phải đưa ra các quyết định hợp lý và sáng suốt… trên cơ sở khuyến nghị của các cơ quan y tế. Các quyết định này có thể được điều chỉnh tùy thuộc vào năng lực y tế công cộng của mỗi quốc gia, mức độ lây lan của dịch bệnh và các yếu tố khác”.

Bất kỳ quyết định nào liên quan đến việc sửa đổi cách thức bỏ phiếu cũng phải cân nhắc kỹ lưỡng về khuôn khổ pháp lý về bầu cử, vốn là cơ sở cho việc tổ chức các cuộc bầu cử. Trong nhiều trường hợp, luật bầu cử quy định quy trình bầu cử cụ thể, đôi khi còn ấn định thời gian, thậm chí ngày giờ cụ thể. Muốn sửa đổi cách thức bầu cử cần phải những quy định liên quan làm cơ sở để tiến hành bầu cử trong “giao thức mới”. Việc làm này là vô cùng cần thiết, bởi nó không chỉ liên quan đến cách thức bỏ phiếu mà còn có thể ảnh hưởng đến các khâu khác của quá trình bầu cử như đăng ký cử tri, vận động bầu cử và kiểm phiếu.

Khi các chi tiết này được đưa ra trong khuôn khổ quy định hành chính, cơ quan quản lý bầu cử có thể thực hiện những thay đổi một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn. Ngay cả khi có thể đưa ra các sửa đổi cách thức bằng một mệnh lệnh hành chính, vẫn cần phải cân nhắc, xem xét và tham vấn cẩn thận, bao gồm những đánh giá xem liệu những thay đổi đó có cần kèm theo các điều kiện cho trường hợp ngừng áp dụng hay thực sự có lợi để duy trì lâu dài. Ví dụ, các biện pháp để tránh tình trạng đông đúc, ùn tắc tại các điểm bỏ phiếu như cho phép bỏ phiếu trước, đặt các trạm bỏ phiếu bên lề đường hoặc bỏ phiếu qua đường bưu điện… Các biện pháp này ngoài có tác dụng giúp tránh đông đúc ở điểm bỏ phiếu, giúp hạn chế lây nhiễm virus, mà trong các hoàn cảnh bình thường sẽ tạo điều kiện cho người khuyết tật và người cao tuổi bỏ phiếu thuận tiện hơn.

Nguồn: ITN

Trong một số bối cảnh, các quyết định hoãn hoặc sửa đổi cách thức bầu cử có thể bị chính trị hóa và gây tranh cãi gay gắt. Các đảng phái, đặc biệt là phe đối lập có xu hướng phản đối các quyết định này tại tòa án với nhiều động cơ khác nhau. Chẳng hạn hồi tháng 4 năm ngoái, Tòa án Tối cao Mỹ đã phải xem xét một vụ tranh chấp như vậy liên quan đến câu hỏi liệu việc bỏ phiếu vắng mặt gửi qua bưu điện và đóng dấu bưu điện sau Ngày bầu cử có được tính là hợp lệ hay không?

Thật không may, chúng ta chưa có cơ quan pháp luật rõ ràng để hướng dẫn việc ra quyết định cũng như hỗ trợ các biện pháp xử lý hợp lý và công bằng để vừa bảo đảm nền dân chủ vừa bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Ví dụ, có nên có các hình thức giám sát khác nhau đối với các loại hình bầu cử khác nhau không? Những yếu tố nào cần thiết cho quá trình quyết định: ví dụ, sự an toàn của nhân viên thăm dò ý kiến, thời hạn hiến pháp hoặc sự sẵn có của các quy trình bỏ phiếu thay thế? Và, những loại biện pháp xử lý nào mà tòa án có thể áp dụng trong trường hợp hoãn hoặc sửa đổi cách thức tiến hành một cuộc bầu cử? Đây là những câu hỏi chưa có câu trả lời rõ ràng và cần các cơ quan nghiên cứu bầu cử tiếp tục tìm hiểu, đưa ra hướng đi thỏa đáng cho các quốc gia.

Quỳnh Vũ