Điều chỉnh bằng pháp luật

- Thứ Tư, 14/04/2021, 06:34 - Chia sẻ
Một trong những nội dung đáng chú ý tại Báo cáo của Ủy ban Kinh tế về tình hình thực hiện Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thực hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) là Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị cấp có thẩm quyền bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước mua lại các dự án bất cập về vị trí đặt trạm...

Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải vẫn có 8 trạm còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do bất cập về vị trí đặt trạm, không nhận được sự đồng thuận của người dân dẫn đến khó xử lý dứt điểm. Do vậy, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để hỗ trợ hoặc thanh toán một số dự án BOT này.

Tuy nhiên, theo Ủy ban Kinh tế, việc Bộ Giao thông Vận tải đề nghị dùng ngân sách nhà nước để hỗ trợ hoặc mua lại dự án BOT là không hợp lý - nếu chỉ bởi do người dân tại khu vực trạm thu phí các dự án phản đối quyết liệt nên không thể thu phí hoàn vốn trong khi không có tiêu chí rõ ràng để có cơ sở pháp lý cũng như thực tiễn cho việc xem xét, quyết định mua lại các dự án này.

Lý do nữa là cũng có một số dự án bất cập về vị trí đặt trạm thu phí nhưng người dân địa phương lại không còn phản đối sau khi có chính sách miễn, giảm phí. Bởi vậy, nếu Nhà nước mua lại các dự án sẽ tiềm ẩn nguy cơ thiếu minh bạch, dẫn đến "hiệu ứng" lan rộng ra các dự án khác, kéo theo khiếu kiện, làm mất an ninh, trật tự, đồng thời gây áp lực cho ngân sách nhà nước trong điều kiện khó khăn hiện nay và đi ngược với chủ trương của Đảng, Nhà nước trong huy động nguồn vốn xã hội hóa cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.

Thực tế, các công trình giao thông đầu tư theo hình thức BOT còn quá nhiều vấn đề như đặt trạm thu phí không đúng khoảng cách theo quy định, đường làm một đằng, trạm thu phí đặt một nẻo, tính thừa thời gian thu phí, không đầu tư làm mới nhưng vẫn tính phí như đầu tư làm mới... dẫn đến dư luận phản ứng gay gắt. Cơ quan chức năng thì không thể đưa ra giải pháp có thể "vẹn cả đôi đường".

Hay như thời điểm giữa năm 2019, sức ép tăng phí BOT rất lớn, số dự án đến hạn tăng phí ngày càng tăng, các cơ quan chức năng không thể không có "động thái" vì trong hợp đồng BOT đã có cam kết về lợi nhuận với nhà đầu tư. Vậy nên giải pháp là tăng phí. Thế những điều này không thể thực hiện bởi nhiều lý do.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là bởi các cơ quan quản lý còn ít kinh nghiệm, chưa bao quát đầy đủ các tình huống phát sinh trong quá trình thực hiện. Là do các cơ quan chức năng chưa chủ động tổng kết, đánh giá và kịp thời sửa đổi hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định pháp luật về đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT nhưng đã cho phép triển khai đầu tư nhiều dự án...

Những "địa chỉ" phải chịu trách nhiệm cũng đã rõ. Với Bộ Giao thông Vận tải là về những hạn chế, vi phạm của các dự án do Bộ quyết định đầu tư. Bộ Tài chính liên quan đến việc ban hành thông tư hướng dẫn thu phí chưa hợp lý. Cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương chịu trách nhiệm về những hạn chế, vi phạm của dự án do địa phương quyết định đầu tư và việc chưa thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của người dân trong việc lựa chọn dự án, thỏa thuận vị trí đặt trạm thu phí, bảo đảm an ninh trật tự, giải phóng mặt bằng chậm. Các nhà đầu tư chịu trách nhiệm về những vi phạm trong quá trình thực hiện dự án không đúng quy định của pháp luật.

Như vậy có thể thấy, những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này chủ yếu là khách quan. Bởi vậy, cần có chính sách pháp luật cụ thể để điều chỉnh chứ không thể theo kiểu "giật gấu vá vai". Càng không thể "đẩy" phần thua thiệt cho Nhà nước bằng những lý do không thuyết phục.

Trong kinh doanh cần phải xác định rõ không thể chắc chắn 100% lãi. Các dự án BOT trong lĩnh vực giao thông cũng không ngoại lệ. Không thể do bất cập về vị trí đặt trạm, không nhận được sự đồng thuận của người dân mà Nhà nước phải bỏ tiền mua lại các dự án đó.

Ninh Hà