Điện toán đám mây trong khu vực công

- Thứ Tư, 15/12/2021, 06:10 - Chia sẻ
Trong đại dịch Covid-19, giá trị của công nghệ và dữ liệu số một lần nữa thể hiện rất rõ. Dữ liệu khai báo y tế, tiêm chủng… có ý nghĩa quan trọng phục vụ việc đưa ra quyết định về các biện pháp phòng chống dịch, di chuyển “luồng xanh, “hộ chiếu” vaccine... Khi dữ liệu trở thành tài nguyên quý giá, vấn đề sử dụng các giải pháp thông minh, phù hợp để lưu trữ và xử lý dữ liệu vô cùng cần thiết. Một phần quan trọng cho lời giải của bài toán này là khai thác các thế mạnh của hạ tầng “điện toán đám mây”.

Xu hướng “dịch chuyển lên đám mây” đã định hình và phát triển rộng rãi ở nhiều quốc gia, khi khu vực công dần đưa công việc vận hành hệ thống công nghệ thông tin “lên đám mây”. Không giống như các mô hình triển khai hệ thống phần mềm và lưu trữ dữ liệu thông thường, điện toán đám mây có thể cung cấp cho các cơ quan nhà nước sự linh hoạt để tăng hoặc giảm dung lượng sử dụng tuỳ thuộc vào nhu cầu. Bằng cách này, các cơ quan có thể điều chỉnh “hạ tầng” sử dụng linh hoạt, tránh lãng phí thời gian và tiền bạc vào việc mua phần cứng hoặc cập nhật phần mềm mới.

Hơn nữa, với điện toán đám mây, quá trình quản lý, chia sẻ dữ liệu dễ dàng và đơn giản hơn rất nhiều vì thông tin có thể được truy cập từ xa mọi lúc mọi nơi và dữ liệu được truyền đi với tốc độ cao. Đặc biệt, điện toán đám mây có khả năng bảo mật nâng cao hơn nhiều so với các nền tảng truyền thống, bởi các công ty cung cấp dịch vụ này phải duy trì cấp độ bảo mật theo tiêu chuẩn ngành, giúp ngăn chặn sự xâm nhập trái phép như đánh cắp dữ liệu.

Về mặt chi phí, thay vì sở hữu và duy trì các trung tâm dữ liệu, máy chủ vật lý của riêng mình, các cơ quan nhà nước có thể tiếp cận và thuê các dịch vụ công nghệ như cơ sở lưu trữ dữ liệu và các dịch vụ khác khi cần thiết; nhờ đó sẽ tiết kiệm chi phí đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng, nhân viên quản lý, bảo trì cũng như không gian lắp đặt và điện năng. Ví dụ, ở Mỹ, bằng cách sử dụng đám mây, Bộ tư lệnh hoạt động đặc biệt của lực lượng Không quân Hoa Kỳ có thể tiết kiệm 3,5 triệu USD và phục vụ hơn 16.000 quân nhân và nhân viên dân sự. Sử dụng điện toán đám mây để thay thế hệ thống sao lưu của 17 cơ quan cũng giúp quận King (tiểu bang Washington) tiết kiệm 1 triệu USD trong năm đầu tiên do không phải thay thế các máy chủ lỗi thời và dự kiến tiết kiệm 200.000 USD hàng năm chi phí lưu trữ dữ liệu.

Với cam kết mạnh mẽ về chuyển đổi số quốc gia, trong đó bao gồm xây dựng Chính phủ số, Chương trình chuyển đổi số quốc gia và chiến lược Chính phủ số của Việt Nam đều nhấn mạnh đến hạ tầng “đám mây” cho khu vực công. Tuy nhiên, mức độ ứng dụng “đám mây” ở các địa phương hiện nay mới ở mức cơ ban bản đầu và vẫn dựa chủ yếu vào các trung tâm dữ liệu vật lý theo mô hình truyền thống. Điều này xuất phát từ hai nguyên nhân: nhận thức, hiểu biết về công nghệ đám mây còn chưa cao; và thiếu các hướng dẫn cả về chính sách, kỹ thuật triển khai, cơ chế tài chính cho thuê đám mây.

Để khắc phục những hạn chế này, các ưu tiên sắp tới nên tập trung vào hai vấn đề. Về mặt kỹ thuật, đó là chính sách và thực hành phân loại dữ liệu nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho việc sử dụng đám mây; thứ hai là cơ chế tài chính thuê hạ tầng đám mây.

Phân loại dữ liệu nhằm xác định quyền truy cập, đồng thời giúp giải quyết được hiện trạng dữ liệu đang “cát cứ”, “khu trú” tại từng bộ, ngành, địa phương nhưng vẫn có thể phân quyền bộ, ngành nào được tiếp cận dữ liệu nào. Thêm vào đó, việc phân loại dữ liệu theo mức độ nhạy cảm kết hợp với yêu cầu bảo mật tương ứng giúp lựa chọn những mô hình đám mây phù hợp với nhu cầu và khả năng ngân sách của từng đơn vị.

Về cơ chế tài chính, hợp tác công - tư là ưu tiên cần được cân nhắc. Thay vì tự “làm” đám mây riêng, việc thuê dịch vụ từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước là cần thiết, cả ở góc độ kỹ thuật lẫn hiệu quả kinh tế. Cần có hướng dẫn cụ thể đối với cơ quan nhà nước khi vận dụng điện toán đám mây trên cơ sở cân đối, phân bổ ngân sách, tránh đầu tư tràn lan dẫn đến không những không cắt giảm chi phí mà còn chồng chéo giữa công nghệ mới và cũ.

Trần Đăng Quang,
Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông