GÓP Ý VỚI QUY HOẠCH TỔNG THỂ QUỐC GIA

VỊ TRÍ CAO NHẤT VÀ YÊU CẦU ĐỂ QUY HOẠCH ĐẠT MỤC TIÊU

- Thứ Năm, 25/08/2022, 23:54 - Chia sẻ

NGUYỄN NGỌC TRÂN - Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước, đại biểu Quốc hội các khóa IX, X, XI, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội.

Theo quy định của Luật Quy hoạch hiện hành, Quy hoạch tổng thể quốc gia (QHTTQG) nằm ở vị trí cao nhất, là cơ sở và chi phối các quy hoạch khác trong hệ thống quy hoạch quốc gia bởi yêu cầu phải phù hợp với nó. Vị trí và tầm quan trọng cao đặt ra những yêu cầu để QHTTQG đạt được mục tiêu.

1. Quy định của Luật Quy hoạch và vị trí của QHTTQG

Theo khoản 1, Điều 3, Giải thích từ ngữ, quy hoạch là nhằm phục vụ mục tiêu phát triển bền vững cho thời kỳ xác định.

Tại Điều 3, khoản 2: “Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch cấp quốc gia, mang tính chiến lược theo hướng phân vùng và liên kết vùng của lãnh thổ bao gồm đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển và vùng trời; hệ thống đô thị và nông thôn; kết cấu hạ tầng; sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.

Điều 4, Nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch, khoản 3 quy định: “Bảo đảm sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định, thứ bậc trong hệ thống quy hoạch quốc gia”. Khoản 4 của Điều này quy định hoạt động quy hoạch phải bảo đảm tính nhân dân.

Theo Điều 5, thứ bậc của QHTTQG nằm ở vị trí cao nhất của hệ thống quy hoạch quốc gia và theo Điều 6, khoản 1, QHTTQG là cơ sở để lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trên cả nước. Điều 6, khoản 3 “quy định quy hoạch vùng phải phù hợp với QHTTQG và các quy hoạch khác cấp cao hơn”.

Những quy định trên đây của Luật Quy hoạch đặt QHTTQG ở vị trí thứ bậc cao nhất trong hệ thống  quy hoạch quốc gia, các quy hoạch khác trong hệ thống phải phù hợp với nó.

Vì tầm quan trọng như vậy của QHTTQG, cụm từ “mang tính chiến lược theo hướng phân vùng và liên kết vùng của lãnh thổ” cần được hiểu thống nhất trong quá trình từ xây dựng, góp ý phản biện, thẩm định đến phê duyệt, đúng với Luật Quy hoạch.

Theo tác giả, cụm từ hàm ý: (1) phát triển quốc gia được triển khai trên nhiều vùng hợp thành lãnh thổ quốc gia, tùy theo đặc điểm tự nhiên và SWOT (1) của mỗi vùng; (2) sự phát triển của các vùng phải liên kết với nhau vì lợi ích của các vùng và vì lợi ích của cả nước; (3) QHTTQG không phải là một quy hoạch vùng mà vùng là cả nước; (4) hai ý (1) và (2) là cơ sở cho việc lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia. Các quy hoạch này chi phối thêm các quy hoạch vùng.

2. Yêu cầu để Quy hoạch khả thi và đạt mục tiêu đề ra

(1) Vì ở vị trí cao nhất trong hệ thống các quy hoạch của quốc gia, và sự bắt buộc phù hợp với nó của các quy hoạch trong hệ thống, nên yêu cầu đầu tiên đối với QHTTQG là sự ổn định, cần thiết cho sự ổn định của hệ thống quy hoach quốc gia, và tiếp theo cho sự phát triển đất nước.

(2) Vì tính ổn định trong bối cảnh có nhiều bất định (xem (6) dưới đây), QHTTQG không thể quy hoạch quá cụ thể nhưng lại là cơ sở cho các quy hoạch thứ bậc thấp hơn, do đó yêu cầu thứ hai là QHTTQG chỉ nên quy hoạch những gì cơ bản nhất.

(3) Vì cùng lý do, QHTTQG không nên đề ra những tiêu chí hay chỉ tiêu quá “cứng”, mà nên có tính định hướngmở đường cho các quy hoạch cấp thấp hơn dựa trên đó được xây dựng, phù hợp với nó.

(4) Các định hướng mà QHTTQG đề ra cùng với các chỉ tiêu không biệt lập mà liên lập với nhau có tính hệ thống, có quy luật. Mức độ sâu sắc và khả thi của QH tùy thuộc rất nhiều vào sự quan tâm đầy đủ đến sự liên lập này.

(5) QHTTQG được xây dựng với phương pháp luận rõ ràng, cơ sở phân tích và dự báo tường minh, với các mục tiêu phát triển và thứ tự ưu tiên có luận cứ.

(6) QHTTQG cần có không gian dự phòng để đáp ứng các tình huống chưa lường hết, từ biến đổi khí hậu nước biển dâng, từ an ninh nguồn nước, từ những bất định tiềm năng trong khu vực và trên thế giới.

(7) Khi QHTTQG được xét duyêt và thuyết phục được tính khả thi và có hiệu quả trên cả ba mặt kinh tế, xã hội và môi trường và được phê duyệt thì tổng vốn đầu tư, sự phân kỳ và những ưu tiên đầu tư cần được đảm bảo.

(8) QHTTQG đảm bảo tính nhân dân để tạo được sự đồng thuận cao của các địa phương và của cộng đồng xã hội, nhất là trên những vấn đề liên quan đến ưu tiên, liên kết, đến phân vùng, vùng động lực, v.v. …

Mục tiêu, thời kỳ quy hoạch và Tầm nhìn có cơ sở là các Nghị quyết của Đảng, trước tiên là Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII. Tám yêu cầu trên đây là để đảm bảo QHTTQG đạt được các đích đó.

3. Một số góp ý với QHTTQG và minh họa các yêu cầu

(1) Ngành Giao thông vận tải được phân ra nhiều mảng trong QHTTQG. Nhìn toàn cục sẽ giúp thấy những bất cập để khắc phục và những khe hở cần trám.

(a) GTVT liên quan đến một trong ba mũi đột phá chiến lược mà Đại hội Đảng đã nghị quyết từ khóa XI (2011). Tuy nhiên việc triển khai có nhiều bất cập khiến một số vùng phát triển chậm so với tiềm năng, bất lợi cho phát triển chung của cả nước.

(b) Vốn đầu tư công ở một số vùng được ngành cho là thấp nhưng hiệu quả đầu tư lại không cao. Để vùng có điều kiện phát triển, đời sống của người dân tốt lên, hệ thống giao thông phải đủ sức chuyển tải lượng hàng hóa mà vùng sản xuất và có thể sản xuất, trong và ra ngoài vùng.

(c) Quy hoạch đường sắt và đường bộ tác động lên môi trường và ngược lại chịu tác động của mưa, bão, lũ, sạt lở ở vùng cao và đặc biệt ở các tỉnh Duyên hải Trung bộ. Các yêu tố địa chất, địa mạo, lượng mưa cực đại và tần suất xuất hiện, độ che phủ rừng … là rất quan trọng đối với sự bền vững của tuyến đường. Quy hoạch các tuyến đường cao tốc ở đồng bằng thì phải tính đến nền đất rất yếu, cao trình mặt đất thấp, đến hướng truyền lũ.

(d) Hiện nay các vùng kinh tế biển và cảng biển nằm san sát nhau ở Duyên hải miền Trung. Tiếp tục tình trạng này hay sắp xếp lại, thà ít mà hoàn chỉnh về hạ tầng, kết nối với đường sắt, đường bộ để tiếp nhận và xuất hàng hóa. Khi lựa chọn cảng biển phải tính đến quy luật của dòng hải lưu ven bờ để tránh việc hứng và phải nạo vét trầm tích theo dòng chảy tải vào cảng.

VỊ TRÍ CAO NHẤT VÀ YÊU CẦU  ĐỂ QUY HOẠCH ĐẠT MỤC TIÊU -0
Hình 2

(đ) Hệ thống giao thông được quy hoạch tốt sẽ giúp giảm chi phí logistics (hiên đang cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới) tạo điều kiện phát triển xuất nhập khẩu. Hình thành hệ thống giao thông là một quá trình. Hiệu quả của quy hoạch tùy thuộc vào sự phân kỳ quy hoạch, thứ tự ưu tiên được xác định có căn cứ khoa học, vượt lên lợi ích cục bộ ngành và địa phương.

(2) Ngành Năng lượng cần đi trước và đảm bảo yêu cầu mà tốc độ phát triển đất nước đặt ra. Quy hoạch đồng bộ nguồn, đường dây và phân phối. Đẩy mạnh các dạng năng lượng ít phát thải khí nhà kính nhằm thực hiện cam kết của Chính phủ tại COP26 là Việt Nam sẽ phát thải ròng khí nhà kính bằng không vào năm 2050.

Cơ chế, chính sách thỏa đáng sẽ huy động được các nguồn vốn đầu tư ngoài đầu tư công. Tiến bộ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đã thúc đẩy dạng năng lương này phát triển mạnh mẽ trên thế giới và tại Việt Nam, và thay đổi đánh giá tiềm năng của những vùng đất “thừa nắng, thừa gió, nhưng hạn hán và khô cằn” như Ninh Thuận, Bình Thuận. (Hình 1). Những thực tế này cần được QHTTQG tính đến trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu.

VỊ TRÍ CAO NHẤT VÀ YÊU CẦU  ĐỂ QUY HOẠCH ĐẠT MỤC TIÊU
Hình 1

(3) Thông tin và truyền thông thông suốt dọc các tuyến huyết mạch quốc gia với tốc độ và dung lượng truyền không ngừng được nâng cao, và tỏa dần ra cả nước sẽ mang kiến thức và văn hóa đến với 54 dân tộc anh em trong cả nước, thậm chí có nơi trước cả giao thông đường bộ. Ngành đảm bảo cho cách mạng sốđiều khiển được ứng dụng trong các ngành kinh tế trong cả nước, đưa năng suất lao động lên bậc thang cao, góp phần đưa đất nước vượt qua “trần vô hình” mà nhiều nhà kinh tế học cho rằng đang ngăn cản hầu hết các nước đang phát triển bước sang ngưỡng phát triển.

Việc sử dụng công nghệ thông tin gây tác hại đến an ninh kinh tế, văn hóa, chính trị và trật tự và an toàn xã hội. sẽ được QHTTQG quan tâm.

(4) Độ che phủ rừng là hết sức quan trọng trong điều kiện địa hình của Việt Nam.

“Có an cư thì mói lạc nghiệp”. Mất rừng là mất nước, là rữa trôi, lũ quét, lũ ống, là địa hình không ổn định từ trên cao xuống và ra tới tận cửa sông. Mức độ tàn phá tỷ lệ thuận với tốc độ mất rừng, và sẽ còn cao hơn nữa với biến đổi khí hậu và các tình huống cực đoan.

Tăng độ che phủ rừng để đảm bảo địa mạo ổn đinh vùng cao, tạo lá chắn thiên nhiên chống xói lở ven biển, là bảo vệ hệ sinh thái vùng ngập nước, giữ đa dạng sinh học và xây dựng ngân hàng xanh trong nền kinh tế xanh.

(5) Khoa học và công nghệ

Ngoài công nghệ vật liệu, công nghệ sinh học với các ứng dụng vào y tế và nông nghiệp, công nghệ thông tin và truyền thông, ngày càng phát triển xu hướng tích hợp các công nghệ để giải quyết các bài toán mới, đa mục tiêu, độ phức tạp cao. Tưới tiêu tự động trong canh tác lúa, luân phiên ướt, khô, sử dụng phân bón chậm phân hủy để tăng nắng suất, tiết kiệm phân bón, giảm phát thải khí nhà kính được thử nghiệm những năm gần đây ở một số địa bàn là một ví dụ tiếp cận như vậy.

Phát triến khoa học và công nghệ ngày càng nhanh, thời gian áp dụng vào kinh tế ngày càng rút ngắn đăt ra yêu cầu bức bách “theo dõi khoa học và công nghệ(2). Nên được định hướng trong QHTTQG.

(6) Giáo dục và đào tạo

Tiến bộ nhanh của khoa học và công nghệ đặt cho giáo dục đào tạo hai yêu cầu: (1) Cập nhật, đổi mới giáo trình kịp thời; (2) Đổi mới phương thức giảng dạy, từ truyền đạt một chiều sang truyền đạt có tương tác giữa người dạy và người học, có minh họa để kiến thức thấm sâu hơn. Ở đây công nghệ thông tin là không thể thiếu và trình độ của thầy cô là quyết định.

Đổi mới giáo dục và đào tạo là một nhiệm vụ đặt ra cho tất cả các quốc gia, phát triển cũng như đang phát triển, là một thách thức nhưng cũng là cơ may cho những nước “đi sau” có thể rút ngắn khoảng cách, thậm chí có đóng góp xứng đáng vào công việc chung toàn cầu này.  

Sản phẩm của giáo dục đào tạo trong bối cảnh thế giới ngày nay phải chăng là con người có kiến thức cơ bản, kỹ năng công nghệ tối thiểu để có thể thích ứng với đổi mới công nghệ, năng động và cầu tiến với tinh thần làm chủ?

Quỹ đất, số công trình dành cho giáo dục đào tạo là rất cần nhưng chưa đủ. Đổi mới giáo dục đào tạo, lấp đầy các vũng trũng về giáo dục ở Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, Trung du và Miền núi phía Bắc, không để khoảng cách này xoạc ra thêm với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phải chăng cần được QHTTQG quan tâm? Đó là chưa đề cập tới cơ chế, chính sách cho cả chuỗi đào tạo - sử dụng - phát huy -. gìn giữ và thu hút nhân tài.

____

(1) SWOT là một công cụ phân tích viết tắt của Strenghts (thế mạnh), Weakness (điểm yếu), Opportunities (cơ hội), Threats (thách thức).

(2) “Theo dõi khoa học và công nghệ” (Veille scientifique et technologique, Scientific and Technological Watch)
https://fr.m.wikipedia.org/wiki/Veille_technologique#:~:text=La%20veille%20technologique%20ou%20veille,la%20technique%20et%20la%20technologie).

#