Thấu suốt mạch nguồn tạo nên dòng chảy văn hóa

- Chủ Nhật, 18/12/2022, 06:39 - Chia sẻ

Trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, công cuộc chấn hưng văn hóa là khát vọng dân tộc song cũng là nhiệm vụ chính trị cấp bách. Thấu suốt các mạch nguồn tạo nên dòng chảy văn hóa, đưa ra đường dẫn chủ lưu để thu hút nguồn lực thiết yếu cho phát triển là cách để "văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Không đo đếm bằng con số

Đến thời điểm này, riêng nguồn vốn đầu tư phát triển từ phía ngân sách trung ương cho các công trình, thiết chế bảo đảm cho các hoạt động văn hóa đạt 14.500 tỷ đồng, chiếm khoảng 1,4%; từ ngân sách địa phương khoảng 52.000 tỷ đồng, chiếm 3%. Thảo luận trong phiên toàn thể Hội thảo Văn hóa 2022 chiều 17.12, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, nhìn chung con số đầu tư cho văn hóa đã cao hơn so với các giai đoạn trước. Văn hóa đang thực sự nhận được sự quan tâm từ phía Nhà nước và địa phương. 

Tuy nhiên, nguồn lực cho văn hóa không chỉ liên quan đến tài chính mà còn là tổng thể nhiều vấn đề thuộc về thể chế, chính sách, nguồn nhân lực. Câu chuyện làm sao để khơi thông nguồn lực cho văn hóa vẫn luôn nhức nhối. "Những con số trên đây thực chất chỉ là nguồn vốn mồi, trong khi nhu cầu đầu tư cho văn hóa rất lớn vì lĩnh vực bao trùm rất rộng. Chưa kể, đầu tư cho văn hóa không chỉ đánh giá đơn thuần hiệu quả về doanh thu, lợi nhuận, thời gian hoàn vốn, mà là về giá trị được thụ hưởng từ đó", Thứ trưởng Trần Duy Đông nói.

Khi nguồn lực ngân sách hạn hẹp, Việt Nam cần có cơ chế, chính sách phát huy nguồn lực xã hội hóa để huy động nguồn lực khác, ngoài nguồn lực ngân sách Nhà nước cho phát triển văn hóa. Vấn đề hợp tác công - tư càng cần được đặt ra trong bối cảnh này. Tuy nhiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên chỉ ra, ngay trong kinh tế việc tiến hành mô hình hợp tác công - tư đã không dễ dàng, chưa nói đến lĩnh vực phức tạp, nhiều yếu tố định tính như văn hóa.

"Thế nhưng xu hướng này hoàn toàn có triển vọng trong lĩnh vực văn hóa. Song cần nhấn mạnh rằng chúng ta bước vào thời đại của sáng tạo, đến lúc văn hóa mang lại lợi ích to lớn, bảo đảm hấp dẫn nhà đầu tư tư nhân. Nhiều dự án đầu tư cho văn hóa mang ý nghĩa thu lợi nhuận đang hiện hữu rất cụ thể, triển vọng. Có điều, tiếp cận lợi ích trong văn hóa phải được đặt ra một cách rõ ràng, rành mạch, không nên nói về văn hóa chung chung mà cần gắn với hạng mục, sản phẩm cụ thể, ví dụ một bộ phim, một công trình văn hóa... Nhận thức rõ ràng với cơ chế chính sách cụ thể như vậy thì mô hình hợp tác công - tư trong văn hóa sẽ giúp đất nước bay lên", ông Trần Đình Thiên phân tích. 

Thảo luận bàn tròn trong phiên toàn thể Hội thảo Văn hóa 2022 - Ảnh: Lâm Hiển
Thảo luận bàn tròn trong phiên toàn thể Hội thảo Văn hóa 2022
Ảnh: Lâm Hiển

Đa dạng cách nhìn

Khơi thông nguồn lực cho văn hóa còn nằm ở cách nhìn, cách tiếp cận đa dạng, thấu suốt từng vấn đề cụ thể để huy động, tập hợp các lực đẩy cần thiết giúp các hoạt động văn hóa có điều kiện phát triển. Nói như PGS.TS. Đinh Hồng Hải, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội, văn hóa từng được coi là một mặt trận, văn hóa giờ đây trở thành một mũi nhọn trong phát triển bền vững nhưng dù quan niệm theo cách nào, muốn biến văn hóa trở thành tài sản quốc gia, trở thành vốn biểu tượng, vốn phát triển xã hội thì chỉ có bằng con đường thể chế hóa, nhận diện đúng các giá trị của văn hóa, tạo cơ chế thúc đẩy nó. 

Tổng Giám đốc Công ty BHD Ngô Thị Bích Hạnh nhìn riêng trong hoạt động điện ảnh và nhận thấy công nghiệp văn hóa bao gồm nhiều sản phẩm mang tính vô hình, tài sản văn hóa, vì vậy cũng mang tính vô hình, định tính. Tuy nhiên nhiều cơ chế chính sách pháp luật chưa công nhận tài sản vô hình như vậy. Ví dụ, doanh nghiệp muốn vay vốn làm phim nhưng một bộ phim không phải tài sản hữu hình thì không cầm cố để vay được. Chưa kể, văn hóa có nhiều yếu tố mang tính đặc thù, khi cơ chế, chính sách không đủ linh hoạt để tính đến những yếu tố đặc thù sẽ gây khó cho đơn vị làm sáng tạo.

"Chẳng hạn, một đơn vị sản xuất phim muốn quay 14 - 15 cảnh phim ở những địa điểm khác nhau trong một ngày thì cần phải xin 14 - 15 giấy phép, rõ ràng không cần thiết. Trong khi đó, mặc dù là một phần tạo nên công nghiệp văn hóa, thế nhưng suốt nhiều năm qua, chúng tôi chưa nhìn thấy sự hiện hữu rõ ràng của cơ chế, chính sách mang tính thúc đẩy, hỗ trợ phát triển cần thiết. Nhiều năm nay, các doanh nghiệp hoạt động trong một thị trường không có cơ chế, chính sách của Nhà nước. Giờ đây, cái chúng tôi cần là những hỗ trợ chuyên môn, những chính sách bảo trợ, hỗ trợ cho doanh nghiệp làm công nghiệp văn hóa", bà Ngô Thị Bích Hạnh mong muốn. 

Nhìn sang lĩnh vực văn học, nhà thơ Hữu Việt cho rằng, thành tựu của văn hóa, kết quả của sáng tạo không đến trực tiếp từ nguồn lực tài chính nhiều hay ít mà là vấn đề của tài năng. Nói vậy, khơi thông nguồn lực cho phát triển văn học nghệ thuật nói riêng, văn hóa nói chung phần quan trọng lớn nằm ở thể chế, chính sách. Hiện nay, nhiều hoạt động văn học chưa được luật hóa, thiếu chính sách khuyến khích, vô hình tạo nên rào cản cho người cầm bút. Nhà văn, người làm văn học nghệ thuật cần biết đường biên ở đâu, được làm gì và không được làm gì, để khai phóng sức sáng tạo, tìm kiếm tài năng, chăm sóc, hỗ trợ để tài năng nở rộ. 

Theo nhà thơ Hữu Việt, "chúng tôi muốn nhấn mạnh về đầu tư nguồn lực con người ở đây là đầu tư vào tiềm năng nằm ở thế hệ trẻ. Các bạn viết trẻ giờ đây có điều kiện viết tốt hơn thế hệ trước rất nhiều, chính sách làm sao phải giúp họ thấy mình được cổ vũ, khuyến khích, tôn trọng, thấy mình đang gánh trên vai sứ mệnh truyền tải vẻ đẹp của chân thiện mỹ. Nguồn lực cho văn hóa, nói riêng nguồn lực cho văn học, cần được khơi thông, tập trung, phải được nhìn nhận một cách mới mẻ, rằng đầu tư không nhất thiết phải hỗ trợ cụ thể cho người cầm bút nào, mà có thể đầu tư cho hoạt động văn học, vừa cổ vũ hoạt động văn học, vừa lan tỏa giá trị của văn học. Cứ nghĩ chúng ta đâu biết trước có một em bé đang đọc cuốn sách nào có thể sẽ là một nhà văn tương lai". 

Hải Đường