Theo dòng sự kiện:

Tham nhũng, tiêu cực nhất định sẽ bị ngăn chặn, đẩy lùi!

- Thứ Sáu, 01/07/2022, 05:58 - Chia sẻ

Sáng qua, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2012 - 2022, bàn phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cho giai đoạn tới.

Với sự tham dự đầy đủ của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các Ủy viên Trung ương, lãnh đạo chủ chốt các ban, bộ, ngành Trung ương và toàn bộ 63 tỉnh, thành phố với gần 500 đại biểu dự họp trực tiếp và hơn 80.000 đại biểu dự họp trực tuyến tại hơn 4.000 điểm cầu trong cả nước, hội nghị lần này có ý nghĩa rất quan trọng, được ví như “cuộc sinh hoạt chính trị” sâu rộng trong toàn Đảng, để bàn về những vấn đề trọng yếu liên quan đến "chống giặc nội xâm" - một trong 4 nguy cơ liên quan đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ.

Như khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thì việc tổ chức hội nghị có rất nhiều ý nghĩa, không phải chỉ để nhìn lại 10 năm qua đã làm được những gì - đây là công việc bình thường, mà quan trọng hơn, từ đó phải rút ra được bài học kinh nghiệm gì và có gì phải cải tiến, đổi mới thêm hay không để tiếp tục cuộc đấu tranh này. “Như tôi đã nói nhiều lần, đó là “không ngừng”, “không nghỉ”, phải làm thật sự trong sạch bộ máy Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị; làm trong sạch đội ngũ của chúng ta. Đây là yếu tố quyết định mọi công việc khác”. Và với việc Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã và đang được thành lập theo Nghị quyết Trung ương 5 Khóa XIII mới đây, thì hội nghị này chính là một dịp để “phổ biến kinh nghiệm”, “hướng dẫn” và “truyền cảm hứng” cho các ban chỉ đạo cấp tỉnh và cả hệ thống chính trị để làm sao chúng ta bịt kín được những “lỗ hổng”, “chặn đứng những việc làm ti tiện, đớn hèn, vi phạm phẩm chất, đạo đức, lối sống”, Tổng Bí thư chỉ rõ.

Trước đây chỉ nói "chống tham nhũng, lãng phí" - điều đó không sai, nhưng dẫu sao lãng phí cũng chỉ là một việc cụ thể; còn tiêu cực có nội dung và phạm vi rộng hơn, căn cốt hơn, nhất là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Chỉ rõ bản chất của vấn đề, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Đây mới là cái gốc, cái nguy hiểm nhất, dẫn đến tham nhũng, hư hỏng; không chỉ làm mất tiền, mất của, mà còn “mất người”, thậm chí “mất cả chế độ”. Thời gian qua, Ban Chỉ đạo Trung ương đã lựa chọn khâu yếu, việc khó để tập trung chỉ đạo khắc phục; làm việc rất nghiêm túc, trách nhiệm, bài bản, nền nếp, có sự phối hợp rất nhịp nhàng, chặt chẽ, quyết tâm cao và hiệu quả ngày càng tốt; thực sự là "tổng chỉ huy", là "nhạc trưởng" của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nêu bật kết quả này, Tổng Bí thư lưu ý và yêu cầu, “Ban chỉ đạo cấp tỉnh cũng đã, đang và sẽ triển khai hoạt động theo hướng này”.

Các đại biểu dự hội nghị	Ảnh: Trí Dũng
Các đại biểu dự hội nghị
Ảnh: Trí Dũng

Nhìn lại công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2012 - 2022 vừa qua kể từ khi Hội nghị Trung ương 5 Khóa XI (tháng 5.2012) quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng ban để chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước, Báo cáo tổng kết cũng như các ý kiến phát biểu tại hội nghị cùng những kết quả cụ thể trong thực tế đều khẳng định: Phát huy kết quả và rút kinh nghiệm về đấu tranh, phòng, chống tham nhũng trong các giai đoạn trước, trong 10 năm gần đây, công tác này đã được Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, ngày càng đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể, rất quan trọng, toàn diện, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không còn “lẻ tẻ” ở vài vụ việc, vụ án mà thực sự "đã trở thành phong trào, thành xu thế không thể đảo ngược", được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được bạn bè quốc tế ghi nhận.

Và thành quả của quyết tâm chính trị rất cao “nói đi đôi với làm”, “làm đi đôi với nói”, đó là công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã thu được nhiều kết quả quan trọng, góp phần củng cố, nâng cao ý chí, niềm tin của nhân dân vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm cho đất nước ta ngày càng giàu mạnh, ngày càng phát triển, có vị thế xứng đáng trên trường quốc tế. Không phải như một số ý kiến cho rằng, nếu quá tập trung vào chống tham nhũng sẽ làm "nhụt chí", "chùn bước" những người dám nghĩ, dám làm, làm "chậm" sự phát triển đất nước; mà hoàn toàn ngược lại, chính nhờ làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đặc biệt là góp phần lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân, bác bỏ luận điệu sai trái của các thế lực xấu, thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là "đấu đá nội bộ", "phe cánh". “Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng và xây dựng, làm trong sạch Đảng và bộ máy Nhà nước chỉ làm "chùn bước" những ai có động cơ không trong sáng, đã trót "nhúng chàm" và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức và kinh nghiệm”, Tổng Bí thư thẳng thắn chỉ rõ.

Đặc biệt, qua tổng kết, có thể khẳng định rằng, chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lại được thực hiện một cách mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, bài bản và hiệu quả như thời gian gần đây.

Nhưng tham nhũng, tiêu cực vẫn là một trong những "kẻ thù hung ác", nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.

Do vậy, trên cơ sở quán triệt mục tiêu và những định hướng lớn về công tác phòng, chống tham nhũng mà Đại hội XIII của Đảng đã xác định, Tổng Bí thư yêu cầu, cần tiếp tục phát huy mạnh hơn nữa, tốt hơn nữa những kết quả, thành tích to lớn và những bài học kinh nghiệm quý báu của 10 năm qua; nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa trên con đường đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động trong giai đoạn phát triển mới. Theo đó, phải tiếp tục tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ; không chịu sự tác động không đúng của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào” trong phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực. Đấu tranh chống tham nhũng phải gắn liền với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", bởi hai mặt này có quan hệ chặt chẽ với nhau. Mọi cán bộ, đảng viên vi phạm đều phải bị xử lý kịp thời, đồng bộ, nghiêm minh, công khai. Cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt, “phải phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trước hết và ngay trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực!”...

Từ những kết quả và kinh nghiệm đạt được, cùng với quyết tâm chính trị rất cao, cách làm bài bản, khoa học, đã được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng, hệ thống tổ chức bộ máy cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã và đang được hoàn thiện từ Trung ương xuống địa phương và sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân, có cơ sở để tin tưởng chắc chắn rằng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ có bước tiến mới, mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa và đạt hiệu quả cao hơn nữa. Như khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đó là: “Tham nhũng, tiêu cực nhất định sẽ bị ngăn chặn, đẩy lùi; góp phần xây dựng Đảng ta, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và xứng đáng với niềm tin yêu, sự mong đợi của nhân dân".

Lam Giang