Tập trung cải cách, hoàn thiện thể chế thực chất, có giải pháp cụ thể

- Thứ Sáu, 27/05/2022, 15:54 - Chia sẻ

Nhiệm kỳ mới, trong xu hướng đổi mới chung của các cơ quan xây dựng pháp luật, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều cải cách, xây dựng và hoàn thiện thể chế một cách trọng tâm, thực chất và có giải pháp cụ thể. Theo đại biểu Quốc hội HOÀNG MINH HIẾU (Nghệ An), khi phát hiện ra những điểm nghẽn về mặt thể chế, Quốc hội, Chính phủ đã tổ chức ngay Kỳ họp bất thường để cải cách và sửa đổi các đạo luật có liên quan.

Cải cách thể chế, pháp luật được nâng tầm

-Nghị quyết số 32/2021/QH15 ngày 12.11.2021 về Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2022 xác định xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Ông nhận định thế nào về vai trò cải cách thể chế trong thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội?

- Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, 50 năm qua chỉ có 18 nước vượt qua được bẫy thu nhập trung bình, trong đó có những nước Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan. Những nước đó để vượt qua được bẫy thu nhập trung bình thì điều quan trọng nhất là nâng cao chất lượng về cơ chế để phục vụ cho sự vận hành của nền kinh tế thị trường. Thực tế này cho thấy, cải cách thể chế một trong những khâu rất quan trọng để phát triển bền vững.

Báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV cũng đã nêu một số ưu điểm và một số hạn chế của việc cải cách thể chế. Tôi cũng cơ bản đồng tình với những nhận định này. Cải cách thể chế có vai trò là một trong những đột phá chiến lược, vì vậy báo cáo của Chính phủ cần nghiên cứu, đánh giá sâu sắc hơn về nội dung này.

Tôi cho rằng, việc cải cách thể chế có 3 ưu điểm lớn. Thứ nhất, là giúp thay đổi nhận thức. Trong thời gian vừa qua, lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng như các bộ, ngành, địa phương đã nhận thức sâu sắc hơn về vai trò của cải cách thể chế. Điều này đã thể hiện rất rõ trong báo cáo. Vì từ trước đến nay, chúng ta chưa có một mục riêng trong báo cáo về công tác đánh giá cải cách thể chế. Tuy nhiên từ đầu nhiệm kỳ này, cải cách thể chế đã có một mục riêng trong báo cáo và có những nhận định, đánh giá.

Cải cách thể chế cũng được thể hiện rất rõ trong quyết tâm của Chính phủ. Báo cáo cũng nêu rõ Chính phủ đã tổ chức một hội nghị riêng của toàn quốc về cải cách thể chế và 60 hội nghị khác về công tác xây dựng pháp luật. Tôi thấy sự quyết tâm, nhận thức của Chính phủ rất lớn.

Lắng nghe để xây dựng, hoàn thiện hơn -0
 Đại biểu Quốc hội Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An)

Thứ hai, mục tiêu về cải cách thể chế được xác định rất rõ; cả Chính phủ, Quốc hội đều nhấn mạnh là việc xây dựng thể chế đã phát triển vì người dân, vì doanh nghiệp. Thực tế, Chính phủ đã có những phản ứng rất nhanh để lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp. Ví dụ, khi thị trường vốn "có vấn đề" thì ngay lập tức Chính phủ đã tổ chức một hội nghị toàn quốc để lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, của các chuyên gia về vấn đề này.

Về phía Quốc hội cũng tổ chức rất nhiều hội nghị, nhiều diễn đàn như: Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 “Phục hồi và phát triển bền vững", Diễn đàn du lịch toàn quốc “Giải pháp phục hồi bền vững du lịch Việt Nam”. Lãnh đạo Quốc hội cũng tổ chức rất nhiều các hội nghị để nghe ý kiến của các doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam… Các ý kiến này đều được ghi nhận để làm cơ sở cho việc sửa đổi các vấn đề có liên quan sau này.

Thứ ba, tôi nhận thấy sự quyết tâm mạnh mẽ và có những biện pháp đổi mới rất thiết thực của Quốc hội, Chính phủ. Đơn cử như, khi phát hiện ra những điểm nghẽn về mặt thể chế, Quốc hội, Chính phủ đã tổ chức ngay Kỳ họp bất thường để cải cách và sửa đổi các đạo luật có liên quan. Đã có rất nhiều phản hồi của doanh nghiệp đánh giá rất cao kết quả của Kỳ họp bất thường. Đây cũng là lần đầu tiên trong nhiều nhiệm kỳ, Quốc hội có định hướng về xây dựng luật, pháp lệnh cho cả nhiệm kỳ, đây là cách làm rất mạnh mẽ và quyết liệt.

Chờ đợi những cải cách, đột phá về xây dựng pháp luật

-Ưu điểm, thành quả trong cải cách thể chế thời gian qua đã thấy rõ. Vậy còn những hạn chế, tồn tại nào trong khi thực hiện cải cách thể chế không, thưa ông?

- Công tác xây dựng pháp luật trong nhiệm kỳ này đã tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, kìm hãm sự phát triển thông qua việc rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời những cơ chế, chính sách còn bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo, chưa đầy đủ hoặc vướng mắc; sửa đổi, thay thế cơ chế, chính sách không còn phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định cần được giải quyết trong thời gian tới.

Thứ nhất, thống kê từ khi có Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 đến nay, tốc độ xây dựng luật trung bình mỗi năm chỉ có khoảng 15 dự án, và trong nhiệm kỳ này tốc độ xây dựng luật khả năng cũng sẽ chưa được cải thiện. Trong giai đoạn 2021-2022, kể cả tại Kỳ họp bất thường thì số lượng dự án luật dự kiến thông qua là 15 dự án luật. Dự kiến của năm 2023 cũng chỉ có khoảng 13 luật. Với tốc độ như vậy sẽ chỉ có thể thông qua được khoảng 70-80 dự án luật trong 5 năm. Trong khi đó, định hướng luật pháp của cả nhiệm kỳ xác định 137 nhiệm vụ luật pháp.

Thứ hai, một số các văn bản định hướng cũng chưa theo kịp với yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội. Như tại buổi thảo luận tại hội trường ngày 24.5 có những đại biểu đã nêu, chúng ta chưa có dự án luật cho việc định hướng phát triển kinh tế số, chuyển đổi số. Chưa có các dự án luật về dữ liệu, chuyển đổi dữ liệu, thu thập dữ liệu. Chưa có quy định về các mô hình kinh tế mới như kinh tế chia sẻ, các mô hình về tiền kỹ thuật số.

- Theo ông, cần tập trung vào những giải pháp nào để thúc đẩy việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các dự án luật, các thể chế, chính sách nhanh và chất lượng hơn?

- Việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các dự án luật, thể chế, chính sách cần nhiều giải pháp, từ nhiều phía. Từ phía Quốc hội tôi thấy có ba giải pháp quan trọng.

Thứ nhất, cần nghiên cứu để sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Sửa đổi dựa trên nghiên cứu khoa học để có những quy định pháp luật phù hợp với yêu cầu của cuộc sống, để các dự án luật vừa bảo đảm chất lượng, vừa được thông qua nhanh hơn. Theo quy định hiện tại, một dự án luật từ khi trình Quốc hội lần đầu cho đến lúc hoàn thành, ít nhất mất 1,5 năm.

Thứ hai, tăng cường sự phối hợp giữa công tác giám sát và công tác lập pháp. Thực tế, mỗi lần Quốc hội giám sát sẽ nhận thấy có những vấn đề liên quan đến thể chế cần phải cải cách. Do đó, các cơ quan của Quốc hội cần phải tăng cường các hoạt động giám sát về việc thực hiện các chính sách này. Từ đó có những cơ sở để hoàn thiện thể chế cùng với Chính phủ.

Cuối cùng, làm tốt hơn nữa việc lắng nghe ý kiến của người dân, doanh nghiệp.

- Xin cảm ơn ông!

Xuân Tùng