Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Sửa luật phải vì lợi ích của nhân dân

- Thứ Ba, 21/02/2023, 20:14 - Chia sẻ

Với tinh thần từ sớm, từ xa, Quốc hội luôn đồng hành với Chính phủ, các cơ quan chuyên môn của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn của Chính phủ cùng với các chuyên gia trong từng lĩnh vực để tham gia sửa đổi Luật Đất đai lần này. Sửa luật đáp ứng mong mỏi của nhân dân, sửa Luật phải có chất lượng, hiệu quả và phải vì lợi ích của nhân dân. Đây là nhấn mạnh của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tại hội nghị lấy ý kiến các tổ chức, nhà khoa học về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chiều nay, 21.2, tại Hà Nội.

Sửa luật phải vì lợi ích của nhân dân -0
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị

Hội nghị do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Liên hiệp các hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức. Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị.

Ngăn chặn lãng phí, tiêu cực trong quản lý, sử dụng đất đai

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, đây là một dự án Luật có phạm vi tác động rộng, liên quan nhiều ngành, lĩnh vực, các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, gắn với toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội. Qua 10 thực hiện, bên cạnh những tác động tích cực, Luật Đất đai cũng bộc lộ những bất cập, do đó, việc sửa đổi toàn diện nhằm khắc phục những bất cập, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Sửa luật để phát triển kinh tế, xã hội, bảo phát huy được nguồn lực, phòng, chống tiêu cực, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai.

Sửa luật phải vì lợi ích của nhân dân -0
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại hội nghị

“Với tinh thần từ sớm, từ xa, Quốc hội luôn đồng hành với Chính phủ, các cơ quan chuyên môn của Quốc hội phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Chính phủ cùng với các chuyên gia trong từng lĩnh vực để tham gia sửa đổi Luật Đất đai lần này” – Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nói.  

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nêu rõ, quản lý đất đai là vấn đề hết sức rộng lớn, quan trọng, bao quát tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, ngoại giao... Luật Đất đai có thể coi là đạo luật gốc. Giải quyết đúng chính sách, pháp luật về đất đai góp phần kiến tạo môi trường pháp lý ổn định, minh bạch, giải phóng nguồn lực phát triển, bảo đảm an ninh-quốc phòng, ổn định chính trị, xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân.

Là người phát biểu mở đầu hội thảo đóng góp vào dự thảo Luật, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhấn mạnh, cần rà soát kỹ hơn để các quy định của dự thảo Luật Đất đai lần này để bảo đảm thực sự phù hợp với quy định của Hiến pháp. Cụ thể hóa quy định để thực hiện hiệu quả quy định tại Điều 54 của Hiến pháp năm 2013 “Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước”.

“Đây là yêu cầu trước hết và quan trọng nhất để bảo đảm phát huy giá trị của đất đai. Điều đó cũng có nghĩa phải có các quy định chặt chẽ nhằm bịt các lỗ hổng pháp luật, khắc phục tình trạng khai thác giá trị đất đai phục vụ cho lợi ích riêng, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm; ngăn chặn hiện tượng tham nhũng chính sách, lợi dụng chính sách đất đai để làm giàu cho cá nhân” – ông Phan Trung Lý nhấn mạnh.

Cần có cơ chế định giá đất theo nguyên tắc thị trường

Một trong những vấn đề được cử tri và nhân dân rất quan tâm trong dự thảo Luật lần này là vấn đề giá đất. Giá đất theo nguyên tắc thị trường khi bán, mua đấu thầu, đấu giá. Để sát với cơ chế thị trường thì phương pháp xác định thế nào để việc định giá đất đai thay đổi. Thực tế hiện nay có nhiều phương pháp nhưng vẫn không ra được một giá chính xác.

Sửa luật phải vì lợi ích của nhân dân -0
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, thời gian qua việc xác định giá đất xảy ra nhiều bất cập, làm khó cho cơ quan tư vấn, cơ quan quản lý. Do đó, dự thảo Luật lần này sửa đổi theo hướng định nghĩa thế nào là giá thị trường.

Cho rằng, vấn đề là trọng tâm và khó của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là tài chính đất đai, giá cả đất đai, do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý, vấn đề giá đất cần được nghiên cứu thấu đáo để khi Luật ban hành dễ vận hành.

Thực tế cho thấy, đất và khung giá đất, thời gian tính tiền sử dụng đất khi có quyết định giao đất chưa thống nhất là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng các dự án không thống nhất được số tiền sử dụng, không triển khai các thủ tục xây dựng, gây ách tắc dẫn tới mâu thuẫn tranh chấp giữa cơ quan quản lý với người sử dụng đất. Từ thực thế này, ông Phan Trung Lý cho rằng, tài chính và giá đất là vấn đề quan trọng và phức tạp nhất hiện nay. Do đó, ông Lý đề nghị, nội dung này trong dự thảo Luật cần được gia cố thêm. Theo đó, cần thể hiện rõ trong dự thảo Luật yêu cầu có cơ chế định giá đất theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm khách quan, chính xác theo đúng tinh thần Nghị quyết 18 của Trung ương.

Sửa luật phải vì lợi ích của nhân dân -0
Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý phát biểu tại hội nghị

Ông Lý cũng chỉ ra thực tế, việc sử dụng đất của các doanh nghiệp cổ phần hóa là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng cổ phần hóa, thoái vốn bị ách tắc. Để tháo gỡ tình trạng này cần bổ sung quy định về việc sử dụng đất của các danh nghiệp cổ phần hóa theo hướng tách giá trị đất ra khỏi giá trị doanh nghiệp – ông Lý nêu kiến nghị.   

Cũng theo ông Lý, doanh nghiệp cổ phần hóa phải thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai như những doanh nghiệp khác. Doanh nghiệp cổ phần hóa chỉ được sử dụng đất phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, theo đúng phương án sử dụng đất đã được phê duyệt, trường hợp chuyển đổi sử dụng đất khác với phương án đã được duyệt thì bị thu hồi để đấu giá hoặc đấu thầu.

Sửa luật phải vì lợi ích của nhân dân -0
Các đại biểu dự hội nghị

Liên quan đến vấn đề đấu thầu, ông Lý đề nghị cần nghiên cứu việc đấu thầu với các dự án mà Nhà nước ưu đãi đối với các dự án xã hội hóa hoặc các dự án xây dựng các công trình công cộng thay cho việc giao đất không thông qua đấu thầu như hiện nay. Ngoài ra, cần xây dựng chính sách buộc người sử dụng đất phải sử dụng đất kinh doanh hợp lý, hiệu quả để tránh tình trạng đất bị bỏ hoang, lãng phí – ông Phan Trung Lý đề nghị.

Song Hà
#