Phát triển công nghiệp văn hóa - phải có tầm nhìn xa

- Chủ Nhật, 18/12/2022, 06:35 - Chia sẻ

Tại Phiên chuyên đề của Hội thảo Văn hóa 2022 sáng qua, các đại biểu nhấn mạnh, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa cần có tầm nhìn xa để những chính sách, pháp luật đi kèm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, có sức sống lâu dài và có thể hậu thuẫn, hỗ trợ cho sự phát triển của nền công nghiệp văn hóa về lâu dài.

Xây dựng thể chế đồng bộ, thuận lợi phát triển công nghiệp văn hóa

Các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Nhằm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phát huy được lợi thế của Việt Nam, phù hợp với các quy luật cơ bản của kinh tế thị trường, năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn 2030 với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, GS.TS. Từ Thị Loan cho rằng, để thực hiện thành công Chiến lược này, cần tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, chính sách và nguồn lực. Trong đó, việc thể chế hóa các chủ trương, đường lối phát triển công nghiệp văn hóa còn chậm và nhiều lúng túng. “Chúng ta chưa tạo được hành lang pháp lý đầy đủ, phù hợp để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa”, GS. Từ Thị Loan nhận định. 

Nêu ví dụ minh họa cụ thể, GS. Từ Thị Loan cho biết, nghệ thuật biểu diễn và mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm là hai ngành công nghiệp văn hóa rất quan trọng nhưng hiện vẫn chỉ được điều chỉnh bằng nghị định. Chiến lược Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đề ra mục tiêu, nhiệm vụ: đến năm 2015 phải ban hành Pháp lệnh về nghệ thuật biểu diễn, Pháp lệnh về mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm và đến năm 2020 sẽ ban hành Luật Nghệ thuật biểu diễn và Luật Mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm. "Nhưng đến nay đã là cuối năm 2022, chúng ta vẫn đang loay hoay với các nghị định thì hiệu quả, hiệu lực trong việc hành lang pháp lý thuận lợi cho các ngành công nghiệp phát triển còn rất hạn chế", GS. Từ Thị Loan nói. 

Hay trong lĩnh vực quảng cáo, lĩnh vực thu lại lợi nhuận rất lớn cho Việt Nam, tại thời điểm ban hành Luật Quảng cáo năm 2012, chúng ta mới chỉ quan tâm đến hình thức quảng cáo truyền thống trên báo chí, phát thanh, truyền hình, quảng cáo ngoài trời, quảng cáo trên các phương tiện giao thông… Nhưng đến nay, những quy định điều chỉnh lĩnh vực này đã rất lạc hậu bởi hiện nay quảng cáo trên các nền tảng internet, mạng xã hội chiếm khoảng 70% thị phần quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam và nguồn lợi rất lớn từ lĩnh vực này không thu được vào ngân sách Nhà nước mà lại rơi vào túi chủ sở hữu là các nhà mạng nước ngoài như là Youtube, Facebook, Tik Tok, Google…

Từ thực trạng đáng buồn này, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cũng nhấn mạnh, cần phải kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các luật, văn bản liên quan. Phải đồng bộ hóa về thể chế, pháp luật nhằm tạo ra hệ sinh thái thuận lợi cho các ngành công nghiệp văn hóa phát triển: từ vấn đề đầu tư, môi trường thuế, thương mại, công nghệ thông tin… Từ việc ban hành các luật, chúng ta cũng phải hoàn thiện tất cả hệ thống các văn bản dưới luật cũng như các cơ chế, chính sách kèm theo. 

Các đại biểu thảo luận tại phiên chuyên đề của hội thảo văn hóa 2022 	Ảnh: Lâm Hiển
Các đại biểu thảo luận tại phiên chuyên đề của hội thảo văn hóa 2022
Ảnh: Lâm Hiển

Thúc đẩy lực lượng sản xuất văn hóa, khuyến khích được sự đa dạng văn hóa

Đề cập đến điểm nghẽn về cơ chế trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, GS. Từ Thị Loan cho rằng, cần thay đổi phương thức quản lý từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”; cần có cơ chế, phương thức quản lý phù hợp để không hạn chế sức sáng tạo của các văn nghệ sĩ, nhà sáng tạo, nhà sản xuất… mà còn thúc đẩy được các lực lượng sản xuất văn hóa, khuyến khích được sự đa dạng văn hóa.

Dưới góc độ của người trực tiếp tham gia các hoạt động sáng tạo, sản xuất, kinh doanh trong ngành công nghiệp âm nhạc, nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc Quốc Trung cho rằng, để thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thành công, ngay từ khi xây dựng chiến lược cần có đánh giá, nhìn nhận thật khách quan về thực trạng các ngành công nghiệp văn hóa, về năng lực sáng tạo của văn hóa, nghệ thuật nước nhà.

Theo nhạc sĩ Quốc Trung, hiện nay, việc “xuất khẩu” nghệ thuật biểu diễn của nước ta ra thế giới, đặc biệt là âm nhạc hầu như không có, dẫn tới thực trạng năng lực sáng tạo và sự đánh giá về năng lực sáng tạo của chúng ta còn khá chủ quan. Bên cạnh đó, việc đầu tư về nguồn lực, thời gian cũng như sự tập trung cho sáng tạo văn hóa nghệ thuật của nước ta còn tương đối thấp so với các nước khác trên thế giới, khiến năng lực cạnh tranh của nền âm nhạc nói riêng, ngành công nghiệp văn hóa nói chung còn hạn chế.

“Nền âm nhạc cũng như nghệ thuật biểu diễn của nước ta chưa đủ mạnh, do đó khó chống chọi được trước sự tấn công, xâm lấn của văn hóa nước ngoài ngay trên sân nhà”. Nhấn mạnh điều này, nhạc sĩ Quốc Trung cũng chia sẻ, năng lực sáng tạo của người làm văn hóa không bị hạn chế bởi các quy định pháp luật, nhưng "điều đáng sợ nhất đối với các nhà sáng tạo văn hóa nghệ thuật là sự thiếu rõ ràng, cụ thể của quy định pháp luật, gây khó khăn cho các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật đã được làm ra".

Nhạc sĩ Quốc Trung cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa cần có tầm nhìn xa để những chính sách, pháp luật đi kèm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, có sức sống lâu dài và có thể hậu thuẫn, hỗ trợ cho sự phát triển của nền công nghiệp văn hóa về lâu dài.

Nhật An