Những ánh sao khuê

Người đóng góp lớn cho đoàn kết dân tộc

- Chủ Nhật, 29/05/2022, 05:35 - Chia sẻ

NGUYỄN TÚC - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Giữa thập niên 40 của thế kỷ XX, đất nước ta xuất hiện một trí thức trẻ sôi nổi, tài năng, đầy nhiệt huyết. Đó là Dương Đức Hiền - Tổng hội sinh viên Đông Dương, người sáng lập và là Tổng Thư ký đầu tiên của Đảng Dân chủ Việt Nam.

Trí thức trẻ sôi nổi, tài năng, nhiệt huyết

Theo bản lý lịch tự khai khi tham gia Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tháng 9.1955, ông sinh năm 1917 tại xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm (Hà Nội). Thuở nhỏ, ông theo học Trường Bưởi. Năm 1937, tốt nghiệp tú tài toàn phần, ông thi đỗ vào khoa Luật trường Đại học Đông Dương. Năm 1940 tốt nghiệp nhưng Dương Đức Hiền không ra làm việc cho chính quyền thực dân Pháp mà ở lại trường với tư cách nghiên cứu sinh cao học để vừa làm nghề vừa dạy học, dạy luật, vừa có thời gian và điều kiện tiếp tục hoạt động trong giới sinh viên, đồng thời cộng tác tích cực và thường xuyên với báo Thanh Nghị - một tờ báo có uy tín trong những năm 1939 - 1945 ở nước ta.

​​​​​Luật sư Dương Đức Hiền là đại biểu Quốc hội Khóa I, II và đều ứng cử ở Bắc Ninh. Ông được Quốc hội bầu làm Ủy viên thường trực Quốc hội khóa I và khóa II, là đồng tác giả soạn thảo Hiến pháp 1946 - bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta. Đối với Mặt trận dân tộc thống nhất, ông là Ủy viên của Tổng bộ Việt Minh.

Theo lời kể của các ông Huỳnh Tấn Phát - nguyên Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (Khóa II), Huỳnh Văn Tiểng, Lưu Hữu Phước - Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, những sinh viên cùng thời và là bạn thân thiết với Dương Đức Hiền thì: Trong những năm 1942 - 1944, Dương Đức Hiền là Huynh trưởng dẫn đường cho lớp sinh viên yêu nước thời đó, là Hội trưởng nổi tiếng của Tổng hội sinh viên Đông Dương. Dưới sự chỉ dẫn của ông - Tổng hội sinh viên đã có nhiều hoạt động thu hút được đông đảo sinh viên tham gia như: tổ chức cho thanh niên, học sinh, sinh viên đi tham quan các di tích lịch sử về sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước của ông cha nhằm giúp thế hệ trẻ tăng thêm lòng yêu nước.

Ông cũng là người đề xướng với Tổng hội tổ chức những cuộc nói chuyện nhằm mở rộng tầm hiểu biết cho học sinh, sinh viên về lịch sử, văn hóa dân tộc như: nghe và bàn luận về Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi, về chiến thắng Bạch Đằng, về tính dân tộc trong ca dao, về sinh viên Việt Nam với việc dùng tiếng Việt... Dưới sự chỉ đạo của Dương Đức Hiền, hàng loạt bài hát đậm tinh thần yêu nước của Lưu Hữu Phước, Nguyễn Thành Nguyên, Gia Lịch… ra đời vào thời gian này như: Sinh viên hành khúc (sau đổi thành Tiếng gọi thanh niên), Bạch Đằng Giang, Ải Chi Lăng, Hận Sông Gianh, Hồn Tử sĩ, Ta cùng đi… đã có ảnh hưởng sâu rộng trong lớp thanh niên thời đó và cả những năm kháng chiến chống Pháp.

Dương Đức Hiền cùng các bạn tâm huyết nhất trong Tổng hội động viên sinh viên sáng tác các vở kịch lịch sử, tổ chức diễn tại sân khấu các thành phố lớn thuộc khắp ba kỳ như: Đêm Lam Sơn, Nợ Mê Linh, Hội nghị Diên Hồng của Huỳnh Văn Tiểng, các ca kịch của Thế Lữ…

Nhằm mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất, làm thất bại âm mưu giành giật đội ngũ trí thức, giới văn nghệ sĩ, học sinh, sinh viên, Việt Minh cử người tiếp xúc với các nhóm trong Tổng hội sinh viên mà Dương Đức Hiền là Hội trưởng để tuyên truyền, vận động, khuyến khích thành lập một chính đảng.

 Được sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Đông Dương và Mặt trận Việt Minh, ngày 30.6.1944 tại làng Thanh Xuân (trên đường Hà Nội - Hà Đông) các nhóm sinh viên đã họp, quyết định thành lập Việt Nam Dân chủ Đảng - sau đổi thành Đảng Dân chủ Việt Nam và cử Dương Đức Hiền - con người tận tụy, có nhiều đóng góp xây dựng và phát triển Tổng hội, người tích cực hưởng ứng sáng kiến thành lập Đảng Dân chủ làm Bí thư. Với “Tôn chỉ, mục đích của Đảng là đấu tranh cho dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc” và “đoàn kết hết thẩy các tầng lớp nhân dân và các đoàn thể cách mạng chân chính để phấn đấu giải phóng dân tộc”.

 Đảng Dân chủ dưới sự lãnh đạo của Dương Đức Hiền đã gia nhập Việt Minh ngay trong tháng 7.1944. Sự kiện quan trọng này đã góp phần quan trọng tạo ra một bước ngoặt trong việc tập hợp, đoàn kết, hình thành Mặt trận Thống nhất của giới thanh niên, sinh viên, trí thức và viên chức ở thành thị hướng theo Việt Minh, góp phần làm thất bại âm mưu lôi cuốn thanh niên, sinh viên, trí thức của bọn Đại Việt thân Nhật.

Cuối năm 1944, bọn phản động Tưởng Giới Thạch mượn danh Đồng Minh liên lạc với Mặt trận Việt Minh đề nghị có sự hợp tác. Họ mời Việt Minh cử một đoàn đại biểu sang bàn bạc với Việt Nam Cách mạng Đồng chí Hội - một tổ chức được thành lập dưới sự bảo trợ của Tưởng Giới Thạch mà trực tiếp là Trương Phát Khuê, Tư lệnh đệ tứ chiến khu Quảng Tổng về hợp tác khi Hoa quân nhập Việt. Về việc này, từ năm trước, Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã nhận định: Việt Nam Cách mạng Đồng chí Hội tuy nội bộ còn phức tạp nhưng chủ trương của Hội là chống Nhật và Pháp, cần khuyến khích và hoan nghênh. Vì vậy, nhân dịp này chúng ta chủ trương cử Đoàn đại biểu Việt Minh ra gặp, đồng thời liên hệ với các giới cách mạng Việt Nam ở bên ấy.

Luật sư Dương Đức Hiền còn được cử đi chuyến “ngoại giao” đặc biệt này với cương vị Phó đoàn. Còn trưởng đoàn là Hạ Bá Cang - Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng nhưng lại mang tên mới là Hoàng Quốc Việt. Đây là chuyến ngoại giao đầu tiên của Luật sư Dương Đức Hiền, một chuyến đi “đầy gian nan, vất vả và vô cùng nguy hiểm” như đồng chí Hoàng Quốc Việt đã kể trong Hồi ký “Chặng đường nóng bỏng” của mình. Cái được lớn nhất mà Tổng Thư ký Dương Đức Hiền gặt hái được là “lần đầu tiên được gặp Bác Hồ” và “thông cảm nỗi gian nguy của các sứ thần nước ta thời xưa”.

Nhiều đóng góp cho Mặt trận dân tộc thống nhất 

Phát xít Đức đầu hàng Liên Xô và Đồng Minh; Liên Xô tuyên chiến với Nhật báo hiệu giờ tận số của chủ nghĩa phát xít đã điểm. Thời cuộc chuyển biến mau lẹ. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc kêu gọi đồng bào dũng cảm tiến lên dưới ngọn cờ của Việt Minh, hãy “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Ủy ban khởi nghĩa được thành lập. 11 giờ đêm 13.8.1945 trước giờ Nhật đầu hàng Đồng Minh, Quân lệnh số 1 của Ủy ban khởi nghĩa được ban hành. Đại hội quốc dân do Tổng bộ Việt Minh triệu tập họp trong hai ngày 16 và 17.8 tại Tân Trào.

Dương Đức Hiền và người bạn đời - nhà báo Thanh Thủy là cặp vợ chồng duy nhất tham dự Đại hội. Để lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đi đến thắng lợi, Đại hội quyết định thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam, một hình thức Chính phủ lâm thời để thay mặt quốc dân giao thiệp với nước ngoài và chủ trì mọi công việc trong nước. Ủy ban gồm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Trần Huy Liệu và 11 Ủy viên gồm: Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Dương Đức Hiền, Nguyễn Đình Thi, Chu Văn Tấn, Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Hữu Đang, Phạm Ngọc Thạch.

Ủy viên giải phóng cử ra Ủy ban Thường trực gồm 5 vị: Hồ Chí Minh, Trần Huy Liệu, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Lương Bằng và Dương Đức Hiền.

Từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đến lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, ông là đại diện duy nhất của Đảng Dân chủ tham gia Chính phủ và giữ các chức vụ: Bộ trưởng Bộ Thanh niên trong Chính phủ Cách mạng lâm thời và Chính phủ liên hiệp lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hai tháng sau ngày bầu cử Quốc hội, Chính phủ liên hiệp kháng chiến được thành lập, Bộ Thanh niên giải thể, Dương Đức Hiền được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Nha Thanh niên và thể dục thuộc Bộ Quốc gia giáo dục, kiêm Giám đốc đầu tiên trường cán bộ thể dục Việt Nam.

Ngày 3.3.1951, Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh - Liên Việt đề ra mục tiêu: “Tiêu diệt thực dân Pháp xâm lược, đánh bại bọn can thiệp Mỹ, trừng trị Việt gian phản quốc, củng cố và phát triển chế độ dân chủ nhân dân, xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ, tự do, phú cường và góp sức cùng nhân dân thế giới bảo vệ hòa bình lâu dài”.

Tổ chức thống nhất Việt Minh - Liên Việt lấy tên là Mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Mặt trận Liên Việt).

Đại hội cử ra Ủy ban Toàn quốc của Mặt trận gồm 63 vị do cụ Tôn Đức Thắng làm Chủ tịch. Luật sự Dương Đức Hiền được cử làm Tổng Thư ký sau đó là Phó Chủ tịch.

Được sự lãnh đạo của Đảng và Hồ Chủ tịch, đoàn kết trong Mặt trận Liên - Việt, nhân dân ta đã tạo nên sức mạnh to lớn cả về vật chất lẫn tinh thần để đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi. Qua 9 năm trường kỳ kháng chiến, Mặt trận đã trở thành “… một trong những trụ cột của Nhà nước dân chủ nhân dân, là sức mạnh vô biên của cuộc kháng chiến, kiến quốc, là cơ sở quần chúng rộng rãi làm thành một áo giáp vững bền của Đảng để đánh thắng bọn xâm lược và tay sai của chúng”[1].

Đặc điểm lớn nhất của Cách mạng Việt Nam sau tháng 9.1945 là: đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền, tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược, nhưng đều nhằm một mục tiêu chung là hoàn thành giải phóng dân tộc.

Đến thời điểm này, Mặt trận Liên Việt đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình là đoàn kết toàn dân kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi. Cần phải có Mặt trận mới thích hợp, thu hút tất cả mọi tổ chức và cá nhân yêu nước và tiến bộ, nhất là những người ở vùng mới giải phóng.

Ban vận động được thành lập và Luật sư Dương Đức Hiền được phân công tham gia vào Bộ phận thường trực. Sau một thời gian vận động, từ ngày 5 đến 10.9.1955, Đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam đã họp tại Hà Nội, quyết định lấy tên là MTTQ Việt Nam, thông qua Tuyên ngôn, Cương lĩnh và Điều lệ mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch danh dự, luật sư Dương Đức Hiền - Tổng Thư ký Đảng Dân chủ được bầu vào Ban Thư ký (nay là Ban Thường trực).

Luật sư Dương Đức Hiền là một trong những trí thức có công lớn trong sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và Mặt trận dân tộc thống nhất. Do mắc trọng bệnh, ông mất ngày 20.2.1967 tại Hà Nội.

___________

[1] Văn kiện Đảng về vấn đề Mặt trận dân tộc thống nhất. Nhà xuất bản Sự thật Hà nội, 1971 trang 198