Nếu không có Nghị quyết 30, chúng ta không thể sớm “bình thường”

- Thứ Sáu, 06/01/2023, 05:29 - Chia sẻ

Theo PGS.TS. TRẦN ĐẮC PHU, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28.7.2021 Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 (Nghị quyết số 30) là quyết định đúng đắn và sáng suốt. Đây chính là tiền đề quan trọng để chúng ta sớm trở lại trạng thái “bình thường”.

Quyết định sáng suốt

- Nhìn lại sau hơn một năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 30, theo ông, dấu ấn quan trọng nhất là gì?

- Trước hết, tôi muốn nhắc lại chính nội dung trong báo cáo của Chính phủ, khi cho rằng “Nghị quyết số 30 là sáng kiến lập pháp chưa từng có tiền lệ đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc góp phần đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo điều kiện để Chính phủ, Thủ tướng chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành; huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia phòng, chống dịch bệnh”.

PGS Trần Đắc Phu

Sở dĩ nhận xét như vậy bởi Covid-19 là một đại dịch toàn cầu. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp, đáng quan ngại. Ở Việt Nam, dưới sự chỉ đạo của Đảng, trên tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Đảng, Chính phủ đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị liên quan đến công tác phòng, chống dịch. Chúng ta chưa có Luật về ban bố tình trạng khẩn cấp, chỉ có Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tôi cho rằng đại dịch vừa rồi có thể coi là một tình trạng khẩn cấp. Tuy vậy, Quốc hội không ban bố tình trạng khẩn cấp, song  với việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30 tạo điều kiện cho Chính phủ, Thủ tướng được chủ động, linh hoạt trong điều hành chính là tạo cơ chế thực hiện trong tình trạng khẩn cấp. Đó là cách làm rất sáng suốt của Quốc hội, dù chưa có tiền lệ nhưng rất hợp lòng dân.

Chính bởi việc Quốc hội trao quyền chủ động, linh hoạt cho Chính phủ, Thủ tướng trong điều hành phòng, chống dịch đã giúp chúng ta đạt được những kết quả quan trọng trong phòng, chống dịch. Minh chứng điển hình là Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11.10.2021 về Ban hành Quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tức chỉ sau gần 3 tháng Nghị quyết số 30 có hiệu lực. Đây là cột mốc quan trọng để từ đó dần khôi phục lại sản xuất, kinh doanh, tạo đà cho quá trình phục hồi và phát triển sau đại dịch, đưa Việt Nam vào nhóm nước mở cửa sớm hàng đầu thế giới. Nói cách khác, Nghị quyết 30 chính là tiền đề quan trọng để chúng ta sớm trở lại trạng thái "bình thường”.

- Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 30 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, huy động cả hệ thống tham gia vào công tác phòng, chống dịch và đưa Việt Nam sớm trở lại trạng thái "bình thường". Tuy vậy, Chính phủ thừa nhận vẫn còn một số hạn chế, trong đó có việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn một số vụ việc vi phạm trong phòng, chống dịch gây bức xúc trong Nhân dân... Ông nghĩ sao?

- Những hạn chế được Chính phủ chỉ ra hoàn toàn xác đáng. Đúng là, khi Quốc hội ban hành Nghị quyết này, còn nhiều vấn đề liên quan đến luật pháp, các quy định khác mà chúng ta chưa có văn bản hướng dẫn, khiến các địa phương lúng túng, không thực hiện được. Một số việc chúng ta làm chưa tốt, như về đấu thầu, mua sắm, huy động nguồn lực y tế tư nhân, bảo hiểm y tế cho khu vực y tế tư nhân… Nếu có hướng dẫn cụ thể sẽ không bị vướng, giúp các địa phương mạnh dạn thực hiện; khi kiểm tra, đánh giá cũng dễ.

Nguyên nhân có thể do quá trình triển khai Nghị quyết số 30 là rất ngắn, công việc thực hiện lại liên quan đến nhiều luật khác, các bộ, ngành, địa phương cũng khó có thể đáp ứng ngay. Vì thế, chúng ta cần có đánh giá, rút kinh nghiệm, để khi có tình trạng khẩn cấp khác xảy ra sẽ có cách giải quyết tốt hơn.

Xác định rõ quy định nào cần tiếp tục thực hiện

- Theo ông, thời gian tới, Quốc hội và Chính phủ cần lưu ý gì trong công tác phòng, chống dịch bệnh?

- Trước tiên, cần làm rõ những gì tiếp tục thực hiện và những gì không phải thực hiện theo Nghị quyết số 30. Với những phần việc cần tiếp tục làm, phải có hướng dẫn cụ thể hơn. Việc kiểm tra, đánh giá cũng cần dựa theo bối cảnh.

Về tình hình dịch bệnh hiện vẫn diễn biến phức tạp. Quốc tế cũng chưa thông báo chấm dứt tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng. Một số nước đang đặt ra vấn đề biến thể mới. Việt Nam hiện nới lỏng nhưng không buông trôi, thả lỏng. Chúng ta nới lỏng đồng bộ thì vẫn phải dự phòng đồng bộ, đặc biệt phải lưu ý tới sự biến đổi của chủng mới có thể gây nên tình trạng dịch phức tạp hơn.

Thực tế, chúng ta đã có kinh nghiệm trong phòng, chống dịch. Thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP là rất đúng đắn, để vừa phát triển kinh tế vừa phòng chống dịch. Chúng ta cần đánh giá đúng nguy cơ, nguy cơ đến đâu đáp ứng đến đó. Nếu không đánh giá đúng sẽ dẫn đến đáp ứng không tới, không kiểm soát được dịch hoặc làm thái quá và dẫn đến việc siết chặt, cấm đoán, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội. Việc đánh giá nguy cơ tức là phải theo dõi biến chủng; số ca mắc có tăng đột biến không; số ca chuyển nặng và vào viện rồi tử vong có gây quá tải hệ thống y tế không…, từ đó có giải pháp thay đổi ngay.

Trong lúc này, khi Tết cận kề, càng cần phải thực hiện tốt công tác phòng bệnh, bằng cách tuyên truyền, khuyến cáo người dân đeo khẩu trang, nhất là ở nơi có nguy cơ cao; rửa tay khử khuẩn. Phải đặc biệt quan tâm, bảo vệ đối tượng có nguy cơ cao (người già, người mắc bệnh nền, suy giảm miễn dịch, người chưa tiêm vaccine) vì nếu mắc bệnh sẽ tiềm ẩn nguy cơ chuyển nặng tăng, gây quá tải hệ thống y tế…

Về lâu dài, cần quan tâm đầu tư cho y tế dự phòng, y tế cơ sở. Trong đại dịch đã bộc lộ hạn chế của hệ thống y tế này. Việc Quốc hội chỉ đạo bố trí tối đa 14.000 tỷ đồng để đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng theo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế cần được triển khai hiệu quả, có đánh giá, kiểm tra. Quan trọng nữa là phải đầu tư nhân lực, gồm chất lượng và số lượng cho y tế cơ sở, y tế dự phòng. Muốn vậy, cần có các chính sách đãi ngộ về đào tạo, tiền lương, phụ cấp cho đội ngũ này. Điều này chúng ta đã nói nhiều, song thực hiện cần được đẩy mạnh hơn.

- Xin cảm ơn ông!

Đan Thanh thực hiện