Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Làm rõ trách nhiệm chậm ban hành văn bản hướng dẫn

- Thứ Tư, 05/10/2022, 04:11 - Chia sẻ

Tại Phiên họp mở rộng của Thường trực Hội đồng Dân tộc vừa qua, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị, cần làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương có liên quan trong việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình).

Có chính sách vừa ban hành đã vướng mắc 

Tại Phiên họp, các đại biểu ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã ban hành 55 văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện Chương trình; 50 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành 176 văn bản. Đây là số lượng văn bản pháp lý lớn đã được ban hành nhằm hướng dẫn thực hiện một Chương trình có quy mô lớn và tính đặc thù cao.

Làm rõ trách nhiệm chậm ban hành văn bản hướng dẫn -0
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu tại Phiên họp Thường trực Hội đồng Dân tộc mở rộng ngày 3.10. Ảnh: Hoàng Ngọc

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Đinh Thị Phương Lan cũng thẳng thắn chỉ ra, Báo cáo chỉ nêu số lượng văn bản cũng như liệt kê các văn bản ban hành về cơ chế, chính sách phục vụ triển khai Chương trình mà chưa đánh giá các văn bản này đã đầy đủ và bảo đảm tính khả thi, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn hay chưa. Bên cạnh đó, một số bộ, ngành địa phương đến nay vẫn chưa nghiêm túc thực hiện đúng nhiệm vụ đã được giao tại Quyết định 1719/QĐ - TTg ngày 14.10.2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025; vẫn chưa hoàn thành một số văn bản hướng dẫn thực hiện các dự án, tiểu dự án và cả nội dung chính sách của Chương trình.

"Việc chậm ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn và chậm triển khai Chương trình đã gây tác động lớn đến đời sống đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Hầu như đồng bào không được hưởng chính sách hỗ trợ, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19, đời sống người dân đã khó khăn nay còn khó khăn hơn", Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành chỉ rõ. 

Đáng lưu ý, rất nhiều văn bản quy định, hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình vừa ban hành đã vướng, không triển khai thực hiện được, chưa kể có tình trạng ban hành nhưng chính sách lại rất “lạc hậu”. Đơn cử như: việc hỗ trợ học sinh bán trú vùng dân tộc thiểu số và miền núi với số tiền 22.000 đồng/ngày, bao gồm cả tiền điện, tiền nước thì liệu có đủ lo cho bữa ăn của các em hay không? Hay tình trạng với diện tích phòng 30m2 có đến 25 học sinh cùng sinh hoạt, cùng chung sống thì có bảo đảm điều kiện sống và học tập tốt nhất cho các em hay chưa? 

Nêu các ví dụ trên, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cũng đề nghị, phải làm rõ thực tế có bao nhiêu chính sách được ban hành liên quan trực tiếp đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Chính phủ phải xác định rõ chính sách nào mới là chính sách tác động trực tiếp đến người dân; còn văn bản nào là văn bản mang tính chất hành chính, điều hành thì không nên tính là chính sách hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

“Quan trọng là phải đánh giá rõ vai trò của các bộ, ngành trong xây dựng chính sách, vì sao chậm, vì sao chính sách chưa phù hợp, chậm ở đâu? Hay trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đối với việc phân bổ vốn còn chậm?”, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành nhấn mạnh.

Phát sinh 5 vướng mắc

Thừa nhận còn có sự vướng mắc trong ban hành văn bản hướng dẫn việc thực hiện Chương trình, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, có những văn bản hướng dẫn còn chưa phù hợp với thực tiễn, buộc phải điều chỉnh. Mặt khác, trong quá trình xây dựng thông tư hướng dẫn thực hiện Chương trình đang phát sinh 5 vấn đề vướng mắc, gồm: xây dựng tiêu chuẩn định mức cho nhà ở, đất ở, hỗ trợ chính sách đầu tư có thu hồi, hỗ trợ cho xây dựng hạ tầng giao thông, xây dựng tiêu chí về địa bàn. Vướng mắc ở đây là bởi những lĩnh vực này không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan chủ trì là Ủy ban Dân tộc. Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cũng cho biết, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với các Bộ, ngành và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để giải quyết dứt điểm những vướng mắc này. 

Năm 2023, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát, đánh giá giữa kỳ việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội đối với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu rõ, việc thực hiện đồng bộ 3 Chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng tích hợp, lồng ghép thể hiện tư duy mới, mạnh mẽ, quyết liệt và sáng tạo hơn của Quốc hội, Chính phủ. Do đó, càng đòi hỏi sự nỗ lực, tích cực và trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc triển khai 3 Chương trình này, trong đó có Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

"Tiếc rằng, công tác chuẩn bị đầu tư, triển khai Chương trình còn rất chậm". Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc yêu cầu phải chỉ rõ trách nhiệm, vướng mắc ở khâu nào? Việc chấp hành Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định 1719 của Thủ tướng Chính phủ ra sao? Tại sao phải đợi đến khi có Công điện số 689/CĐ - TTg ngày 4.8.2022 của Thủ tướng Chính phủ thì việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 mới được các cơ quan thực hiện rốt ráo hơn, quyết liệt hơn? Kỷ cương hành chính nằm ở đâu? 

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị Chính phủ phải quan tâm hơn nữa đến công tác chỉ đạo thực hiện Chương trình, đánh giá rõ hơn chất lượng các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình, việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn của Chính phủ, các bộ, ngành ảnh hưởng thế nào đến tiến độ thực hiện của các địa phương. Về phía địa phương, có bao nhiêu địa phương đã hoàn thiện các văn bản pháp lý bảo đảm cho việc khởi động triển khai Chương trình, địa phương nào ban hành chậm cũng phải chỉ rõ. Cùng với đó, cần tiếp tục hoàn thiện phương án phân bổ vốn thực hiện Chương trình; chỉ đạo đôn đốc các địa phương xây dựng giải pháp cụ thể, triển khai thực hiện tốt phương án giải ngân.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhấn mạnh, giám sát tối cao của Quốc hội năm 2023 đối với việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ phải kiểm đếm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương có liên quan trong việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình.

Ý Nhi