Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước:

Kiểm soát chặt chẽ hơn tính hợp lý, hợp pháp của các văn bản dưới luật

- Thứ Năm, 01/06/2023, 17:28 - Chia sẻ

Tiếp tục thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước trong phiên họp sáng nay, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm, nhận thức, kỷ cương, kỷ luật trong xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật nói chung và thông tư nói riêng. Chính phủ xem xét giao đầu mối kiểm soát tính hợp lý, hợp pháp của các văn bản dưới luật.

Thông tư thiếu tính ổn định, khó khăn cho việc nhận thức và áp dụng

Sau gần 40 năm đổi mới, hệ thống pháp luật nước ta đã cơ bản đầy đủ. Theo ĐBQH Đồng Ngọc Ba (Bình Định), hiện nước ta có khoảng 230 đạo luật, hơn 1.000 văn bản là Nghị định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; hơn 7.000 Thông tư của các Bộ, cơ quan ngang bộ, chưa kể ở các văn bản ở địa phương, các văn bản của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Kiểm toán Nhà nước, điều chỉnh cơ bản, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Do vậy, “khi đánh giá về kết quả phát triển kinh tế - xã hội ở từng thời kỳ, từng năm cũng cần đánh giá cụ thể hơn, lượng hóa những đóng góp của thể chế vào kết quả cụ thể của phát triển kinh tế - xã hội”, đại biểu Đồng Ngọc Ba nhấn mạnh.

Kiểm soát chặt chẽ hơn tính hợp lý, hợp pháp của các văn bản dưới luật -0
Đại biểu Đồng Ngọc Ba (Bình Định) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

Đi sâu vào phân tích chất lượng của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu Đồng Ngọc Ba tính toán: Hiện nay phần lớn các văn bản của Trung ương là văn bản của Chính phủ, các Bộ và sự thay đổi hàng năm của các văn bản này rất lớn. Mỗi năm, Chính phủ ban hành hàng trăm nghị định, có năm lên đến gần 200 nghị định, thống kê năm 2022 cho thấy, Chính phủ ban hành 131 nghị định, nghĩa là với khoảng 240 ngày làm việc/năm, thì cứ 2 ngày lại có 1 nghị định được ban hành. Về Thông tư của Bộ trưởng, thì bình quân hàng năm có Bộ ban hành khoảng 100 thông tư. Lớn nhất là Bộ Tài chính, năm 2016 ban hành 349 thông tư, năm 2021 ban hành khoảng 128 thông tư. Như vậy, 2 ngày làm việc ban hành 3 thông tư. Sự thay đổi này rất khó khăn cho việc nhận thức và áp dụng. Theo đại biểu Đồng Ngọc Ba, về mặt pháp lý, thì các nghị định, thông tư này không trái với quy định của pháp luật, nhưng vấn đề ở đây là "chưa bảo đảm tính hợp lý".

Việc ban hành nghị định, thông tư là cần thiết để phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành. Nhưng theo ĐBQH Đỗ Đức Hiển (TP. Hồ Chí Minh), thì chất lượng các thông tư của các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ còn chưa tốt, thiếu tính ổn định. Đây không phải là vấn đề mới, nhưng lại có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Nếu không được giải quyết một cách căn cơ, thấu đáo sẽ gây ảnh hưởng không tốt tới công tác quản lý, chỉ đạo, phát triển kinh tế - xã hội, gây thêm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp vốn đang gặp nhiều khó khăn, đại biểu Đỗ Đức Hiển nói.

Kiểm soát chặt chẽ hơn tính hợp lý, hợp pháp của các văn bản dưới luật -0
Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý (Đồng Nai) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

Dẫn ví dụ cụ thể, ĐBQH Nguyễn Thị Như Ý (Đồng Nai) phản ánh tình trạng nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn, dừng hoạt động, đóng cửa sau khi các quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí phòng cháy, chữa cháy được ban hành và có hiệu lực. Vướng mắc này nằm tại Nghị định số 136/2020/NĐ - CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy.

Tiềm ẩn nguy cơ "lợi ích nhóm", "lợi ích ngành"

Đi sâu phân tích nguyên nhân của vấn đề, đại biểu Đỗ Đức Hiển nhận thấy, việc xây dựng, ban hành thông tư hiện nay còn chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Thực tế cho thấy, có nội dung chưa phù hợp với văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, hoặc hướng dẫn sai, hoặc vượt phạm vi luật ủy quyền. Trong một số trường hợp thông tư được ban hành nhằm đưa ra các giải pháp mang tính tình thế, đáp ứng yêu cầu về tiến độ, kịp hiệu lực cùng với thời điểm của văn bản được quy định chi tiết. Một số trường hợp ban hành để phản ứng nhanh đối với một số hiện tượng quan hệ xã hội mới phát sinh, chưa được tổng kết thực tiễn, chưa được đánh giá tác động và dự liệu nguồn lực thực hiện một cách đầy đủ, dẫn đến tính khả thi không cao... Những bất cập này làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, gây ra những phản ứng không tốt trong xã hội.

Kiểm soát chặt chẽ hơn tính hợp lý, hợp pháp của các văn bản dưới luật -0
Đại biểu Đỗ Đức Hiển (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

Về nguyên nhân chủ quan, còn có tình trạng duy ý chí, chưa tuân thủ đúng quy trình đánh giá tác động, lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản. Và nguyên nhân trực tiếp, theo đại biểu Đỗ Đức Hiển, là do việc xây dựng, ban hành thông tư trong thời gian qua còn khép kín, chưa có cơ chế phản biện, thẩm định từ bên ngoài. Các bộ, ngành vừa soạn thảo thông tư, vừa tự thẩm định dẫn đến “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Cử tri cho rằng, cơ chế này cũng tiềm ẩn nguy cơ “lợi ích nhóm”, “lợi ích ngành” trong xây dựng ban hành văn bản, đại biểu Đỗ Đức Hiển thẳng thẳn.

Để giải quyết vấn đề nêu trên, đại biểu Đỗ Đức Hiển đề xuất phải nâng cao trách nhiệm, nhận thức, kỷ cương, kỷ luật trong xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật nói chung và thông tư nói riêng, tuân thủ nghiêm các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về trình tự, thủ tục ban hành thông tư.

Đại biểu Đồng Ngọc Ba cũng đề nghị, khi nghiên cứu sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ cần xem xét quy định theo hướng: Giao một cơ quan của Chính phủ kiểm tra trước, xem xét tính pháp lý, tính hợp lý của các thông tư được ban hành. Giao đầu mối kiểm soát tính hợp pháp, hợp lý đối với các nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, Bộ Tư pháp chỉ rà soát về tính pháp lý, chỉ ra những quy định nào trái, quy định nào chưa phù hợp để đề nghị Chính phủ xử lý, nhưng kiểm soát về tính hợp lý thì rất yếu, đại biểu Đồng Ngọc Ba cho biết.

Cho rằng cần thực hiện kiểm soát trước, đại biểu Đỗ Đức Hiển đề xuất, nên phát huy mạnh hơn nữa hiệu quả của cơ chế thẩm định, thông qua Hội đồng Tư vấn thẩm định với thành phần gồm đối tượng chịu sự tác động, chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực chuyên ngành và đại diện của các cơ quan có chuyên môn về pháp luật. Về lâu dài, Chính phủ cần chỉ đạo, nghiên cứu cho thí điểm cơ chế thẩm định từ bên ngoài đối với việc ban hành thông tư trong những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức và tổ chức thực hiện. Trên cơ sở đó, đề xuất bổ sung nội dung này trong quá trình sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về kiểm soát sau, đại biểu Đỗ Đức Hiển đề nghị Bộ Tư pháp tăng cường công tác kiểm tra, Hội đồng Dân tộc các Ủy ban của Quốc hội tăng cường giám sát văn bản là thông tư thuộc lĩnh vực phạm vi phụ trách, nhằm phát hiện, xử lý kịp thời, nhanh nhạy hơn với những thông tư có dấu hiệu vi phạm pháp luật, còn chưa hợp lý và thiếu tính khả thi.

Anh Thảo
#