Giám sát phải theo đuổi đến cùng

- Thứ Tư, 28/09/2022, 14:09 - Chia sẻ

Chia sẻ với Báo Đại biểu Nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành cho rằng, giám sát phải theo đuổi, đi đến cùng những nội dung và mục tiêu mà giám sát đã đặt ra. Từ đó, xử lý theo thẩm quyền hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý trách nhiệm của những tổ chức, cá nhân có liên quan với mục tiêu có được những chính sách và thực thi chính sách pháp luật tốt nhất, công tác chỉ đạo, điều hành tốt nhất.

- Ông nhìn nhận như thế nào về kết quả giám sát năm 2022 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội?

Năm 2022 là năm Quốc hội triển khai rất nhiều hoạt động, trong đó giám sát với tinh thần đổi mới. Những nội dung chuyên đề giám sát của năm 2022 đã đi đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng những vấn đề yêu cầu thực tiễn đặt ra và cũng định hướng được cho những vấn đề đổi mới.

Qua 4 chuyên đề giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 đã chỉ ra được nhiều những kết quả cũng như những vấn đề tồn tại, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm. Đặc biệt là trong những lĩnh vực liên quan đến giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật kể từ khi Luật Quy hoạch được ban hành, giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… Đây là những nội dung giám sát rất lớn, đã được Quốc hội tiến hành một cách cẩn trọng và bảo đảm được những yêu cầu, quy định của pháp luật.

Từ kết quả của giám sát, nhiều chính sách đã được điều chỉnh, giải quyết trong thời gian tới, trong đó có cả việc điều chỉnh những nội dung liên quan đến luật.

Giám sát phải theo đuổi đến cùng -0
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành

- Thưa ông, qua giám sát những lĩnh vực như đất đai, quy hoạch, chống tham nhũng đã chỉ ra những bài học gì cho hoạt động giám sát? 

Quá trình phát triển kinh tế - xã hội luôn luôn thay đổi, vì vậy, những lĩnh vực về đất đai, quy hoạch, chống tham nhũng… rất phức tạp và khó cả về hệ thống pháp luật, các văn bản quy định pháp luật cũng như những vấn đề của thực tiễn. Qua giám sát những tồn tại trong các vấn đề này đã rút ra được một số bài học.

Thứ nhất, các nội dung giám sát cần phải bám sát hơn những vấn đề thực tiễn và đặc biệt là chỉ ra được trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong những vấn đề tồn tại đó. 

Thứ hai, phải chỉ được rõ hơn những việc hoàn thiện những cơ sở về pháp luật, chính sách có liên quan để tạo hành lang pháp lý cho những hoạt động tiếp theo. 

Thứ ba, cần tập trung nguồn lực và bố trí công việc, thời gian cho hoạt động giám sát.

Cuối cùng, tôi cho rằng, quan trọng nhất là sau giám sát phải xử lý được những vấn đề đã tiến hành giám sát. Các tồn tại rút ra được sau giám sát phải được theo đến cùng để xử lý một cách đồng bộ nhất, bảo đảm mục tiêu cho phát triển chính sách.

- Ông có thể cho biết "đích" đến cuối cùng của công tác giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là gì?

Mục tiêu chính công tác giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là phải đánh giá đúng thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt là đánh giá được kết quả, những thành tựu trong giai đoạn vừa qua. Đồng thời cũng chỉ ra được những tồn tại, hạn chế và những nguyên nhân của tồn tại, hạn chế đó. Quan trọng nhất là từ những nguyên nhân đó, đưa ra được những giải pháp về pháp luật, chính sách, về tổ chức thực hiện, để các chính sách và công cuộc phát triển kinh tế - xã hội đi đúng hướng, bảo đảm được những mục tiêu đề ra.

Để đạt được những mục tiêu này, công tác giám sát phải đi đến cùng, theo đuổi đến cùng những nội dung và mục tiêu của giám sát, để xử lý trách nhiệm của những tổ chức, cá nhân có liên quan với một tinh thần để làm sao có được những chính sách tốt nhất, có được công tác chỉ đạo, điều hành tốt nhất.

- Về các nội dung giám sát năm 2023, ông có nhận định như thế nào?

Tôi cho rằng, năm 2023 kế thừa những bài học kinh nghiệm của năm 2022 và tinh thần đổi mới của Quốc hội, thứ nhất, phải lựa chọn chính xác, trúng, đúng những vấn đề mà thực tiễn về phát triển kinh tế - xã hội đang đòi hỏi. 

Thứ hai, lựa chọn những vấn đề mà người dân, doanh nghiệp và xã hội đang quan tâm. Vì những vấn đề này gắn với đời sống nhân dân, gắn với sự phát triển của doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế - xã hội.

Thứ ba, định hướng trong năm 2023 cũng phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng về hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách trong tiến trình đổi mới, đặc biệt là trong hoàn thiện các thể chế kinh tế, hoàn thiện thể chế về nhà nước cũng như các thể chế quản lý xã hội khác.

Ngoài ra, năm 2023, Quốc hội đã xác định 4 nội dung chuyên đề đáp ứng được yêu cầu, tiêu chí đề ra. Đây là những nội dung vô cùng cần thiết, vừa để điều chỉnh những vấn đề phát triển kinh tế - xã hội ở thực tại, đồng thời cũng định hướng cho những chính sách phát triển của đất nước trong giai đoạn tiếp theo.

- Xin cảm ơn ông!

Nghị quyết số 47/2022/QH15 và Nghị quyết số 23/2022/UBTVQH15, Chương trình giám sát năm 2023 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm 4 chuyên đề:

- Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

- Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

- Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

- Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021.

Xuân Tùng
#