Để không dùng “liều thuốc đắng”

- Thứ Năm, 26/05/2022, 11:55 - Chia sẻ

Chia sẻ với Phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân bên lề Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khoá XV, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cho rằng, để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022 về phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, việc kiểm soát giá, chống đầu cơ, bảo đảm được nguồn cung hàng hóa đầy đủ để có thể bình ổn giá là vấn đề phải được quan tâm hàng đầu.

Lạm phát cao, liều thuốc sẽ “đắt” và “đắng”

- Trước diễn biến tình hình trong nước và quốc tế, ông có thể cho biết những thách thức phải vượt qua để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022, nhất là hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6% - 6,5% ?

Tăng cường thanh, kiểm tra để bình ổn giá
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân

- Trong hai năm 2020 và năm 2021, nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng rất nặng nề từ đại dịch Covid-19. Nền kinh tế đã bị ảnh hưởng và suy giảm, chỉ còn tăng trưởng ở mức 2,95% năm 2020 và năm 2021 là 2,6%. Tuy vậy, chúng ta vẫn là một nền kinh tế có tăng trưởng dương và với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng và điều hành quyết liệt của Chính phủ, chúng ta đã phục hồi kinh tế, các hoạt động kinh tế - xã hội của nước ta kể từ đầu năm 2022.

Tuy nhiên, chúng ta đang gặp những thách thức rất lớn, đến từ tình hình bối cảnh kinh tế thế giới không thuận lợi, nhất là vấn đề về xung đột Nga, Ukraine cũng như vấn đề về thực hiện chính sách Zero-Covid ở thị trường Trung Quốc. Tình hình giá cả xăng dầu, lương thực thế giới đang tăng cao, dẫn tới lạm phát ở trên toàn cầu và có thể là ảnh hưởng đến lạm phát ở trong nước.

Chưa bao giờ thế giới gặp phải một thách thức lớn như vậy. Lạm phát tăng lên ở  các nước trên thế giới, như Mỹ hiện nay là 8,5%, cao nhất trong 40 năm qua. Châu Âu là 7,4%, cao nhất trong 30 năm. Anh cũng tăng cao nhất trong 40 năm. Mà khi lạm phát cao như vậy thì sẽ phải sử dụng “thuốc liều cao” để trị bệnh. Một trong những “liều thuốc” đó, chính là thắt chặt chính sách tài khóa, nâng lãi suất. Đây là điểm mà chúng ta rất lo ngại.

Với một đất nước có độ mở kinh tế lớn như Việt Nam, với tổng kim ngạch xuất nhập, khẩu đạt 668,54 tỷ USD gấp 1,8 lần GDP, sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi lạm phát quốc tế tràn vào làm kéo theo lạm phát tại Việt Nam. Vì vậy, thời gian qua giá xăng dầu đã tăng lên, kéo theo đó là giá các mặt hàng khác, vì thế vấn đề về an sinh phải được quan tâm nhiều hơn và các gói tài khóa tiền tệ, gói hỗ trợ người nghèo, gói hỗ trợ người lao động, gói hỗ trợ doanh nghiệp trong việc giảm thuế, tất cả các vấn đề đó phải được triển khai thật nhanh.

Trong thời gian tới, việc kiểm soát giá, chống đầu cơ, tránh tình trạng “té nước theo mưa”, bảo đảm được nguồn cung hàng hóa đầy đủ để có thể bình ổn giá là vấn đề phải được quan tâm hàng đầu. Chính phủ cần sớm trình Quốc hội trong kỳ họp này, có thể đại biểu Quốc hội phải họp thêm để bàn về việc có nên giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng dầu hay không. Đây là dư địa để chúng ta có thêm cơ hội kéo giảm giá xăng dầu, tránh tình trạng giá xăng dầu lan tỏa đến giá cả mặt hàng khác.

Khi xảy ra lạm phát cao thì lúc đó “liều thuốc” sẽ rất “đắt” và “đắng”. Đây là bài học mà chúng ta đã từng gặp trong những năm 2008, 2011, lúc đó biến động giá xăng dầu lên tới 141 USD/thùng. Cùng với đó, giá lương thực thực phẩm tăng làm lạm phát tăng rất nhanh, có thời điểm lạm phát tại Việt Nam tăng tới 23%. Lúc đó tất cả các chi phí giá cả, hàng hóa và đời sống của người dân vô cùng khó khăn. Vì vậy, Chính phủ phải hết sức lưu ý.

Xử lý các vi phạm tạo sự minh bạch cho thị trường

- Tốc độ giải ngân đầu tư công 5 tháng vừa qua rất thấp, ông đánh giá thế nào về vấn đề này đối với sự phát triển kinh tế - xã hội?

- Đầu tư công luôn luôn có độ dẫn dắt lan tỏa đến đầu tư xã hội và đầu tư công thường sẽ hướng về cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, chúng ta thấy tồn tại vướng mắc ở một số mặt về thủ tục hành chính, về các quy trình. Vì vậy, việc rà soát hệ thống luật pháp trong đầu tư công hiện nay cần phải đẩy nhanh hơn nữa. Đồng thời, cần phải phân cấp, ủy quyền cho các địa phương nhiều hơn nữa thì mới tránh được tình trạng đầu tư công giải ngân chậm như hiện nay. Phải tăng trách nhiệm cho cấp dưới và chủ dự án phải chịu trách nhiệm, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm về vấn đề đó. 

- Việc xử lý các vi phạm về đất đai, chứng khoán, quy hoạch, tham nhũng tác động như thế nào đến phát triển kinh tế - xã hội, thưa ông?

- Việc xử lý các vi phạm này đang tạo ra một sự minh bạch cho thị trường. Thị trường rất cần sự công khai, minh bạch. Đồng thời, chúng ta tạo ra một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh sẽ là nền tảng để giúp cho các hoạt động của thị trường hàng hóa, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu, thị trường cổ phiếu… hoạt động công khai, minh bạch.

- Xin cảm ơn ông!

Xuân Tùng
#