Chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phát triển năng lượng

Bảo đảm an ninh năng lượng và tính bền vững trong phát triển năng lượng

- Chủ Nhật, 25/09/2022, 06:21 - Chia sẻ

Cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch chi tiết và đề cương các báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, chuyên đề giám sát này có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm góp phần giải quyết, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc và tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về phát triển năng lượng trong giai đoạn tới, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Đặc biệt, trọng tâm của chuyên đề giám sát là vừa bảo đảm an ninh năng lượng, vừa bảo đảm tính bền vững trong phát triển năng lượng.

6 nhóm vấn đề trọng tâm

Thuyết minh dự thảo kế hoạch chi tiết và đề cương các báo cáo giám sát chuyên đề, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi cho biết, nội dung phát triển năng lượng rất rộng lớn, liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại, hợp tác quốc tế. Để bảo đảm đạt được các mục tiêu, yêu cầu đề ra của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bám sát Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11.2.2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đồng thời phân tích bối cảnh, thách thức, cơ hội và những vấn đề đặt ra đối với việc phát triển năng lượng ở Việt Nam, Đoàn giám sát đã lựa chọn và đề xuất 6 nhóm vấn đề nổi bật trong lĩnh vực năng lượng hiện nay để tập trung giám sát và xây dựng báo cáo. Mỗi nội dung sẽ có các yêu cầu cụ thể, chi tiết đối với từng đối tượng giám sát theo tất cả các phân ngành năng lượng.

Cụ thể, về cung cầu và an ninh năng lượng, qua giám sát lần này sẽ tập trung đánh giá khả năng cung cấp, nhập khẩu năng lượng; thị trường năng lượng, các vấn đề kinh tế, tài chính năng lượng; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Về quy hoạch tổng thể và quy hoạch các phân ngành năng lượng, sẽ tập trung đánh giá tổng thể quy hoạch phát triển năng lượng, sự phối hợp, liên kết giữa các quy hoạch và đánh giá cụ thể đối với từng quy hoạch gồm: Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng quốc gia, Quy hoạch điện, Quy hoạch than, Quy hoạch dầu khí.

Về bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, Đoàn giám sát sẽ tập trung đánh giá tác động của quá trình phát triển năng lượng đến môi trường sinh thái, phát thải khí nhà kính, quy chuẩn, tiêu chuẩn phát thải, khả năng đáp ứng mục tiêu trung hòa carbon trong thời gian tới, các giải pháp đã đạt được và khả năng đạt được các mục tiêu phát thải vào năm 2050 của Việt Nam theo cam kết tại Hội nghị COP26.

Bảo đảm an ninh năng lượng và tính bền vững trong phát triển năng lượng -0
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi
Ảnh: Hồ Long

Về khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành năng lượng, báo cáo giám sát cần đánh giá được tình hình thu hút đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; phát triển ngành cơ khí năng lượng; nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; công tác đào tạo, sử dụng nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Về quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng, đánh giá mô hình tổ chức quản lý nhà nước; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan; tình hình đội ngũ cán bộ; công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm.

Về một số nội dung khác như, chuyên đề giám sát cần đánh giá hợp tác quốc tế, các vấn đề xã hội, quốc phòng, an ninh liên quan đến phát triển năng lượng; xử lý các dự án năng lượng chậm tiến độ, gặp khó khăn, vướng mắc.

Tập trung đánh giá chính sách phát triển năng lượng bền vững

Nhất trí với 6 nhóm vấn đề nổi bật trong lĩnh vực năng lượng hiện nay để tập trung giám sát và xây dựng báo cáo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, chuyên đề giám sát cần tập trung vào một số vấn đề trọng tâm. Đó là bảo đảm an ninh năng lượng và chuyển đổi năng lượng gắn với thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Trong đó, với bảo đảm an ninh năng lượng, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, qua chuyên đề giám sát phải trả lời được các câu hỏi, như: hiện nay nước ta có thiếu điện không? Việc bảo đảm an ninh năng lượng trong điều kiện hiện nay như thế nào?… Từ đó, xem xét việc có cần điều chỉnh một số chính sách trong lĩnh vực này không?

Nhấn mạnh chuyển đổi năng lượng công bằng là một trong những vấn đề đặt ra với toàn cầu hiện nay, trong đó có nước ta, Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, cơ hội rất nhiều nhưng thách thức, rủi ro cũng rất lớn. Vì vậy, phải làm sao để tận dụng được cơ hội, khắc phục rủi ro, thách thức, từ vấn đề về vốn, khoa học công nghệ đến cân bằng về chi phí… 

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Đoàn giám sát cần tập trung đánh giá chính sách phát triển năng lượng, bảo đảm phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, có sự điều tiết, quản lý của Nhà nước; chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư, trong đó có vấn đề về giá và phí; xem xét, rà soát, đánh giá một số trọng tâm trong việc thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển năng lượng (trong đó có quy hoạch điện VII điều chỉnh, quy hoạch điện VIII…). Cùng với đó là chính sách huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực để đầu tư hạ tầng, năng lực sản xuất trong phát triển năng lượng; chính sách tiết kiệm năng lượng, kể cả trong sản xuất và tiêu dùng. Các vấn đề liên quan đến phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh, chính sách mua bán điện trực tiếp còn đang vướng mắc… Gợi mở những nội dung cần tập trung giám sát, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: trọng tâm của chuyên đề giám sát là vừa bảo đảm an ninh năng lượng, vừa bảo đảm tính bền vững trong phát triển năng lượng.

Nội dung giám sát liên quan đến lĩnh vực năng lượng lần này rất rộng, liên quan đến nhiều phân ngành như điện, dầu khí, than… Nhấn mạnh điều này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị, nội dung giám sát cần bảo đảm sự cân đối, hài hòa giữa các mảng, lĩnh vực. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng đề xuất, đề cương báo cáo giám sát nên tập trung vào một số vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm. Đơn cử, trong lĩnh vực về điện, liên quan đến Quy hoạch Điện VII điều chỉnh, cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm trong việc phát triển năng lượng tái tạo làm phá vỡ quy hoạch. Hay trong vấn đề thiếu cơ chế thu hút xã hội hóa hệ thống truyền tải điện dẫn tới tình trạng thời gian qua điện sản xuất ra nhưng không bán được, không tiêu thụ được…

Nêu bật ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyên đề giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, cần tiếp tục xem xét, rà soát bảo đảm tiếp cận theo các nhóm vấn đề lớn, nổi bật của ngành năng lượng, có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải; nghiên cứu kỹ để sử dụng kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán cho hoạt động giám sát. Cùng với đó, Đoàn giám sát cũng cần lựa chọn một số nội dung quan trọng để tổ chức Hội thảo chuyên gia, Hội thảo khoa học..., cung cấp đầy đủ luận cứ lý luận và thực tiễn phục vụ đợt giám sát lần này. 

Nhật An