Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không

Bài cuối: Sức sống bất khuất của văn hóa giữ nước đặc sắc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh

- Thứ Bảy, 10/12/2022, 05:49 - Chia sẻ

TS. NHỊ LÊ - Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản

Phương diện thứ hai rất quan trọng, đó là mở tầm viễn kiến, trau dồi trí tuệ, rèn đúc bản lĩnh và tôi luyện khí phách quyết đánh thắng giặc, trước hết cho Bộ đội Phòng không - Không quân.

Bước phát triển mới về khoa học quân sự Việt Nam

Để thực hiện mưu toan đè bẹp và khuất phục Việt Nam, đế quốc Mỹ chủ động lựa chọn mục tiêu, thời điểm, phương thức chiến đấu và đặc biệt là sử dụng sở trường của họ mơ tưởng sẽ nghiền nát đối phương (trình độ khoa học - công nghệ), hòng chiếm ưu thế trên bàn đàm phán tại Hội nghị Paris. Và, đế quốc Mỹ huy động lực lượng lớn chưa từng có, kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai, cho cuộc tập kích này: gần 1/2 số máy bay chiến lược B52 (193/400 chiếc) và gần 1/3 số máy bay chiến thuật của toàn nước Mỹ (1.077/3.041 chiếc) cùng nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại khác. Lịch sử kim cổ đông tây quả thật cực kỳ hiếm có một cuộc đối đầu nào hoàn toàn không cân xứng như vậy.

Trong điều kiện lịch sử ngặt nghèo ấy, các thế hệ lãnh đạo đã thể hiện một tư duy quân sự sáng tạo - tìm ra một cách ứng xử hợp lý, một nghệ thuật giành thắng lợi trong cuộc đọ sức với kẻ thù lớn mạnh hơn mình nhiều lần. Trên cơ sở phân tích một cách khách quan, khoa học quy luật chiến tranh, chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, bản chất, âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ và những động thái mang tính thụ động của chúng; đồng thời, căn cứ vào những chuyển biến có lợi đối với ta ở chiến trường miền Nam, nhất là từ sau chiến thắng của chiến dịch Đường 9 - Nam Lào và cuộc tiến công chiến lược năm 1972, Đảng ta nhận định, với bản chất ngoan cố, đế quốc Mỹ không dễ dàng chấp nhận thua cuộc, chúng mưu toan dùng biện pháp quân sự, hòng ép buộc ta chấp nhận những điều kiện của chúng trên bàn đàm phán. Vì thế, khi đế quốc Mỹ tiến hành cuộc tập kích chiến lược đường không, chủ yếu bằng máy bay B-52 tập trung vào Hà Nội, Hải Phòng, không bị bất ngờ mà ngược lại, Việt Nam chủ động hoàn toàn cả về chiến lược, chiến dịch và chiến thuật; sớm có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, cả “tinh thần và lực lượng”, phối hợp chặt chẽ giữa quân sự và ngoại giao…   

Với tầm nhìn như vậy, ngay từ tháng 5.1966, Quân chủng Phòng không - Không quân điều động Đoàn Tên lửa Hạ Long cơ động chiến đấu, trực tiếp nghiên cứu cách đánh B-52 tại chiến trường Vĩnh Linh. Đây là một quyết tâm rất cao thể hiện tư tưởng tích cực, chủ động tiến công của các đơn vị quân binh chủng, trực tiếp là Quân chủng Phòng không - Không quân. Và, tháng 9.1967, Đoàn Hạ Long bắn rơi B-52.

Từ tháng 2.1968, theo chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân xây dựng kế hoạch tác chiến đánh máy bay B-52. Giữa năm 1972, Quân chủng liên tiếp điều động 4 trung đoàn tên lửa cùng một số máy bay MIG vào Khu 4 để chi viện cho chiến dịch Trị - Thiên, nghiên cứu cách đánh B-52 và đã bắn rơi B-52. Cuối năm 1972, Quân chủng đồng thời đảm đương ba nhiệm vụ nặng nề: vừa tiếp tục tham gia tác chiến trong đội hình quân binh chủng hợp thành ở chiến trường miền Nam, bảo vệ vùng giải phóng Quảng Trị, vừa phải bảo vệ giao thông vận chuyển trên địa bàn Quân khu 4 và trên tuyến cửa khẩu vượt Trường Sơn và vừa phải sẵn sàng đánh trả cuộc tập kích đường không quy mô lớn của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng.

Bước leo thang của đế quốc Mỹ từng bước lên đến đỉnh. Mùa xuân năm 1968, trong buổi nói chuyện với đồng chí Phùng Thế Tài, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam đặc trách cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, ngay phút đầu đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi về B-52 và nhận định: sớm muộn đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra ném bom Hà Nội rồi có thua nó mới chịu thua... Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội.

Và, ngày 27.2.1968, bản kế hoạch mang tên “Phương án đánh trả cuộc tập kích chiến lược bằng B-52 của Mỹ, bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng” của Quân chủng Phòng không - Không quân được hình thành với những nội dung cơ bản. Từ kinh nghiệm thực tế của các chiến trường, năm 1972, Quân chủng xây dựng những “Phương án tháng 5”, “Phương án tháng 7”, “Phương án tháng 9” và cuối cùng là “Phương án tháng 11” - bản kế hoạch đánh B-52 hoàn chỉnh nhất. Việc Bác đoán trước đã bắn rơi B-52 là xuất phát từ niềm tin tuyệt đối của Người vào lòng dũng cảm, trí tuệ, khả năng sáng tạo của bộ đội ta. Và, tập tài liệu dày 29 trang in rô-nê-ô mang tên “Cách đánh B-52 của bộ đội tên lửa” (còn gọi là Cuốn cẩm nang bìa đỏ”).

Sau 12 ngày đêm chiến đấu kiên cường, dũng cảm, quân và dân ta bắn rơi 81 máy bay Mỹ, trong đó có 34 máy bay B-52, bắt sống nhiều giặc lái, trong đó có nhiều giặc lái B-52.

Rõ ràng, đó là sự chủ động về tinh thần, ý chí và sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, nhất là phương thức và nghệ thuật đánh giặc - một trong những yếu tố quan trọng, một bước phát triển mới về khoa học quân sự Việt Nam - làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”.

Thứ ba, chủ động và không ngừng xây dựng sức mạnh tổng hợp đồng bộ và thống nhất của lực lượng vũ trang ba thứ quân trên nền tảng toàn dân đánh giặc.

Một trong những nhân tố quan trọng làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” là chúng ta đã phát huy tốt sức mạnh tổng hợp của các lực lượng tham gia chiến dịch, nhất là lực lượng phòng không ba thứ quân, mà nòng cốt là Quân chủng Phòng không - Không quân.

Với tầm nhìn chiến lược, tư duy quân sự sắc sảo, ngay sau khi đế quốc Mỹ sử dụng máy bay B-52 tham chiến ở miền Nam, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương chủ trương xây dựng các đơn vị tên lửa, radar, không quân và một số đơn vị bảo đảm kỹ thuật vững mạnh, kết hợp với củng cố lực lượng phòng không địa phương rộng khắp ở miền Bắc, sẵn sàng đối phó các bước leo thang chiến tranh của địch. Đây là sự chuẩn bị rất quan trọng nhằm tạo nên thế và lực tương xứng đối phó hiệu quả với “pháo đài bay B-52”; đồng thời, xây dựng thế trận phòng không liên hoàn, vững chắc tạo nên “lưới lửa phòng không” đánh địch rộng khắp, có chiều sâu trên mặt trận đối không từ nhiều hướng, ở mọi độ cao và mọi lúc.

Toàn bộ sự chủ động chuẩn bị đó càng chứng tỏ nét đặc sắc trong việc bố trí, tổ chức đánh rộng khắp, nhiều loại máy bay địch, nhưng tập trung vào máy bay B-52 trên khu vực tác chiến chủ yếu là địa bàn thủ đô Hà Nội, với bộ đội phòng không - không quân làm nòng cốt, bộ đội tên lửa làm chủ công, hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ, lựa chọn cách đánh phù hợp. Và, trên nền sự chuẩn bị đó, nghệ thuật tác chiến phòng không đặc sắc, sử dụng lực lượng hợp lý càng phát huy sự sáng tạo, linh hoạt và hiệu quả của bộ đội ta trong các trận then chốt quyết định, làm thất bại hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược đường không của đế quốc Mỹ.

Sức sống đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn, sáng tạo của Đảng

Thứ tư, kiên định đường lối lãnh đạo của Đảng, giữ vững ý chí quyết chiến, quyết thắng, bảo vệ nhân dân và đánh giặc bằng tất cả những gì có thể.

Trong cuộc tập kích chiến lược đường không cuối năm 1972, đế quốc Mỹ sử dụng lực lượng lớn máy bay chiến lược B-52 (một trong bộ ba vũ khí răn đe chiến lược của chúng), hòng đưa “Hà Nội trở lại thời kỳ đồ đá”, đè bẹp tinh thần, ý chí chiến đấu của nhân dân ta và mưu chiếm lợi thế để ép ta trong đàm phán, song đã thất bại thảm hại.   

Nhân tố quan trọng, quyết định nhất là sự lãnh đạo của Đảng, với những quyết sách độc lập, sáng tạo, đúng đắn và kịp thời, mà hạt nhân của nó là tư tưởng chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mình là chính. Chỉ có sự tìm tòi sáng tạo vì mục đích là bảo vệ cho nhân dân, cho dân tộc thì sự nghiệp tìm tòi sáng tạo ấy sẽ được đời đời tôn vinh, đời đời ghi nhớ. Chiến công này là sự biểu hiện sinh động sức sống đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn, sáng tạo của Đảng trên nền móng truyền thống chiến tranh vệ quốc nhân văn của dân tộc mấy nghìn năm. Dù Việt Nam nước không lớn, quân đội Việt Nam không có nhiều vũ khí, nhưng người Việt Nam có nghệ thuật quân sự của riêng mình. Đó là nghệ thuật quân sự dựa vào nhân dân, lấy đoàn kết và quyết tâm làm sức mạnh. Chiến thắng này là kết quả của sức mạnh tổng hợp trên nền móng truyền thống mấy nghìn năm giữ nước của dân tộc: từ ý chí quyết tâm đến cách đánh sáng tạo; sơ tán để bảo vệ nhân dân, giữ gìn lực lượng dự bị hỗ trợ chiến đấu; đoàn kết toàn dân tộc đến sức mạnh ủng hộ quốc tế trong sáng. Đây là đạo lý giữ nước Việt Nam. Theo đó, nhân dân thủ đô và khắp các tỉnh, thành phố là nền móng hậu cần chăm lo bộ đội và một lưới lửa phòng không khủng khiếp nhất xưa nay trên thế giới do các quân, binh chủng tới lực lượng dân quân tự vệ đông đảo giăng lên bảo vệ bầu trời Hà Nội và vây bủa không lực Hoa Kỳ từ mọi phương hướng, ở mọi tầng trời, như chính sự thú nhận của người Mỹ.

Thắng lợi của “Điện Biên Phủ trên không” là sự dồn tụ và tỏa sáng của tư tưởng chiến lược tiến công, tính tích cực chủ động, mưu trí, sáng tạo của quân và dân ta. Qua chiến dịch này, với ý chí bất khuất không biết sợ giặc, quyết tâm đánh giặc không gì có thể chuyển lay, Việt Nam giáng một đòn quyết định, thổi tan cái gọi là “huyền thoại bất khả chiến bại” của không lực, nòng cốt là lực lượng không quân chiến lược Hoa Kỳ. Lần đầu, trong lịch sử 30 năm chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc (1945 - 1975), Việt Nam can trường tiến hành một chiến dịch phòng không quy mô lớn nhất chống lại một cuộc tập kích chiến lược bằng B-52 điên cuồng nhất, dã man nhất của đế quốc Mỹ - cuộc tập kích quy mô chưa từng có trong lịch sử chiến tranh hiện đại trên thế giới.

Và cuối cùng là, nương theo và hành động trong ngọn gió chủ đạo hòa bình của thời đại thâu hóa sự giúp đỡ to lớn của bạn bè quốc tế, nhân lên sức mạnh ủng hộ đông đảo của dư luận tiến bộ trên thế giới.

Cuộc kháng chiến của Việt Nam sáng ngời chính nghĩa chống đế quốc Mỹ và bè lũ ngụy quyền của chúng, đã nhận được sự đoàn kết, ủng hộ, giúp đỡ to lớn cả về tinh thần và vật chất của bạn bè quốc tế, của nhân dân tiến bộ trên thế giới, trong đó có nhân dân tiến bộ Mỹ. Đặc biệt, chúng ta nhận được sự giúp đỡ quý báu, chí tình, chí nghĩa của Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN anh em về vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại và nguồn lực vật chất, tinh thần. Để có vũ khí trừng phạt B-52, Liên Xô chi viện cho Việt Nam vũ khí tên lửa phòng không. Bằng sự giúp đỡ đó, Trung đoàn Tên lửa phòng không SAM-2 đầu tiên mang phiên hiệu H36 ra đời.

Đồng thời, sự đoàn kết keo sơn, chung một chiến hào, liên minh đặc biệt chiến đấu chống kẻ thù chung của ba nước Đông Dương: Việt Nam - Lào - Campuchia ngày càng tỏa sáng. Do thế, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong đó chiến thắng của trận quyết chiến chiến lược “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” cũng là thắng lợi chung của các lực lượng XHCN, của phong trào cách mạng và nhân dân tiến bộ thế giới. Tất cả góp phần tạo thành động lực và sức mạnh tổng hợp làm nên chiến thắng của trận quyết chiến chiến lược “Điện Biên Phủ trên không”, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi cuối cùng.

Trận quyết chiến chiến lược “Điện Biên Phủ trên không” thêm một lần nữa chứng minh chân lý giản dị: “Không quân đội nào, không khí giới nào có thể đánh ngã được tinh thần hy sinh của toàn thể một dân tộc”(2), như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định. Với chiến thắng này, khẳng định sự phát triển mới của khoa học quân sự Việt Nam, làm phong phú hơn sức mạnh tiềm tàng và vô tận của văn hóa giữ nước Việt Nam.

Xuyên suốt và bao trùm lên hết thảy, đó là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam - sức sống bất khuất của văn hóa giữ nước đặc sắc Việt Nam - trong thời đại Hồ Chí Minh.

__________

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.89

Nhị Lê