Quy hoạch và "lời giải" từ giám sát tối cao của Quốc hội:

Bài 4: Cần giải pháp căn cơ cả trước mắt và lâu dài

- Chủ Nhật, 29/05/2022, 05:27 - Chia sẻ

Ngay khi Quốc hội quyết định lựa chọn nội dung “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành đến nay” là chuyên đề giám sát tối cao đầu tiên trong nhiệm kỳ Khóa XV, công tác lập quy hoạch đã được thúc đẩy nhanh hơn, có chuyển biến rõ nét. Dù vậy, với những khó khăn, vướng mắc ngay từ Luật Quy hoạch và trong nội tại hệ thống pháp luật liên quan đến công tác quy hoạch đã được chỉ ra, thì rõ ràng qua giám sát tối cao của Quốc hội, cần có những giải pháp căn cơ hơn, cả trước mắt và lâu dài để bảo đảm tiến độ, chất lượng, để quy hoạch thực sự "đi trước mở đường", khai thông và phát huy tối đa các nguồn lực phục vụ cho sự phát triển của đất nước.

Tổng kết, đánh giá toàn diện để sửa đổi Luật Quy hoạch và pháp luật có liên quan

Kể từ khi Luật Quy hoạch được ban hành và chính thức có hiệu lực, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã liên tục đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch, kịp thời có các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Trong đó, phải kể đến Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 16.8.2019 để giải thích một số điều của Luật Quy hoạch cho phép quy hoạch nào được lập, thẩm định xong trước thì được quyết định hoặc phê duyệt trước; sau khi quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt, nếu có mâu thuẫn thì quy hoạch thấp hơn phải điều chỉnh theo quy hoạch cao hơn.

Trong điều kiện một số nội dung quan trọng của Luật Quy hoạch chưa đủ rõ, thậm chí còn mâu thuẫn (như nội hàm quy hoạch tổng thể quốc gia, “tích hợp quy hoạch”; trình tự lập quy hoạch, việc lập quy hoạch được thực hiện từ trên xuống hay từ dưới lên, trình tự phê duyệt quy hoạch…) thì Nghị quyết 751 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đánh giá là “cứu cánh” để tiến độ lập quy hoạch được đẩy nhanh hơn trong thời gian vừa qua.

Ở góc độ thực thi, đặc biệt là sau khi Quốc hội quyết định giám sát tối cao về công tác quy hoạch, Chính phủ cũng đã tập trung chỉ đạo rất quyết liệt. Có thể thấy rõ điều này khi chỉ trong vòng 7 tháng, từ tháng 8.2021 đến tháng 3.2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hai hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác quy hoạch. Ngày 27.9.2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030. Trên cơ sở Nghị quyết đó, các bộ, ngành, địa phương đã rà soát, xây dựng tiến độ và kế hoạch cụ thể từng tháng, quý tương ứng với từng giai đoạn lập quy hoạch và đều cam kết sẽ dành quyết tâm chính trị cao nhất, tập trung các nguồn lực để hoàn thành quy hoạch thuộc trách nhiệm được giao đúng thời hạn.

Tuy vậy, với những khó khăn, thách thức đã được chỉ rõ cả trong hệ thống pháp luật và tổ chức thực hiện, Đoàn giám sát của Quốc hội kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch và một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch. Theo đó, trong trung hạn và dài hạn, Đoàn giám sát nhấn mạnh, Chính phủ cần tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Luật Quy hoạch và các luật, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quy hoạch để kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch, các luật có liên quan đến quy hoạch nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về công tác quy hoạch, bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại cuộc làm việc với các bộ, ngành ngày 2.3	Ảnh: Trung Thành
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại cuộc làm việc với các bộ, ngành ngày 2.3
Ảnh: Trung Thành

Những giải pháp cần triển khai ngay

Cùng với đó, có những giải pháp cần triển khai ngay để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030. Cụ thể, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội cho phép Chính phủ và các cơ quan liên quan được thực hiện các nội dung Luật Quy hoạch và các luật hiện hành chưa quy định hoặc đã quy định nhưng bất cập, vướng mắc thì được thực hiện khác với các Luật này để đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch cho đến khi Luật Quy hoạch được sửa đổi và có hiệu lực thi hành.

Trong đó, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội cho phép Chính phủ quy định rõ khái niệm và phương pháp tích hợp quy hoạch; quy định cụ thể về quy trình lập quy hoạch để lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh nhằm bảo đảm phương pháp tích hợp quy hoạch trong lập quy hoạch. Áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng chưa lựa chọn được tư vấn bảo đảm chất lượng, hiệu quả, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Lập đồng thời các quy hoạch; điều chỉnh quy hoạch cấp thấp hơn thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia (trừ quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn) khi có nội dung không thống nhất với quy hoạch cấp cao hơn theo hướng không phải thực hiện quy trình lập nhiệm vụ quy hoạch; rút gọn quy trình thẩm định, phê duyệt việc điều chỉnh quy hoạch. Đồng thời, cho phép sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước để chi cho việc điều chỉnh quy hoạch trong trường hợp này. Với các quy hoạch quy định tại điểm c khoản 1 Điều 59 của Luật Quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt trước ngày 1.1.2019 tiếp tục thực hiện và được điều chỉnh nội dung theo quy định của pháp luật có liên quan trước ngày Luật Quy hoạch có hiệu lực cho đến khi quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt.

Đoàn giám sát cũng đề nghị cho phép Chính phủ được sử dụng kinh phí chi thường xuyên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước để chi cho việc lập, thẩm định, điều chỉnh, công bố các quy hoạch chưa được phân bổ kinh phí. Hướng dẫn xử lý trường hợp có mâu thuẫn giữa các quy hoạch cùng cấp thuộc khoản 1, 2 và 3 Điều 5 Luật Quy hoạch nhưng không mâu thuẫn với quy hoạch cấp trên hoặc không được thể hiện ở quy hoạch cấp trên. Quy định cụ thể việc phân kỳ đầu tư triển khai các dự án trong các quy hoạch gắn kết với các kế hoạch 5 năm. Quy định việc kèm theo bản đồ khi quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch tại Điều 37 Luật Quy hoạch.

Tại Báo cáo kết quả giám sát trình Quốc hội, Đoàn giám sát cũng chỉ rõ những việc trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ cần phải tập trung thực hiện.

Một là, chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan khẩn trương rà soát, xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các quy định về điều kiện, quy chuẩn kỹ thuật, chuyên ngành; rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật về công tác quy hoạch còn mâu thuẫn, chồng chéo để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đặc biệt là các văn bản hướng dẫn thi hành không đúng thẩm quyền, có quy định chưa phù hợp hoặc không thống nhất với Luật Quy hoạch, làm phát sinh thêm quy trình thủ tục hoặc quy định thêm nội dung quy hoạch. 

Hai là, chỉ đạo tăng cường công tác phối hợp trong việc nâng cấp hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quy hoạch quốc gia, thống nhất công nghệ, định dạng dữ liệu về quy hoạch; cập nhật, chia sẻ thông tin; nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, cá thể hóa trách nhiệm; bảo đảm tính công khai, minh bạch; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về quy hoạch; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tổ chức thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về quy hoạch.

Ba là, đánh giá tác động của việc bãi bỏ các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 59 của Luật Quy hoạch. Nghiên cứu bổ sung vào Danh mục các quy hoạch một số quy hoạch kết cấu hạ tầng và khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên để sản xuất sản phẩm cần thiết, cấp bách, mang tính chiến lược đối với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính gây khó khăn cho doanh nghiệp và không trái với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.

Bốn là, chỉ đạo khẩn trương hoàn thành lập, phê duyệt hoặc quyết định các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; ưu tiên tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định và phê duyệt các quy hoạch cấp quốc gia mang tính cấp thiết, ảnh hưởng đến việc thực hiện Chiến lược và Kế hoạch phát triển kinh tế xã - hội của đất nước; phấn đấu hoàn thành quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch ngành hạ tầng chủ chốt (quy hoạch ngành giao thông, quy hoạch năng lượng, quy hoạch phát triển điện lực, quy hoạch thủy lợi, đê điều...) trong năm 2022.

Năm là, ban hành cơ chế, chính sách hướng dẫn huy động nguồn lực tài chính cho hoạt động quy hoạch theo quy định tại khoản 3 Điều 10 và khoản 2 Điều 12 Luật Quy hoạch đô thị.

Quỳnh Chi - Lê Bình