Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Tạo mọi điều kiện để người dân phát huy quyền làm chủ

- Thứ Sáu, 27/05/2022, 06:08 - Chia sẻ

Theo Chương trình Kỳ họp thứ Ba, hôm nay, 27.5, Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở sẽ được trình Quốc hội Khóa XV cho ý kiến lần đầu. Ý kiến cử tri cho rằng, việc sửa đổi Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở cần phải bảo đảm trách nhiệm của từng chủ thể trong việc tổ chức và bảo đảm việc thực hiện dân chủ ở cơ sở; việc thực hiện quy chế dân chủ ở địa phương cần công khai, minh bạch; đồng thời tạo mọi điều kiện để người dân phát huy quyền làm chủ cao nhất...

Cử tri Nguyễn Tiến Thanh, huyện Mèo Vạc, Hà Giang:
Quy định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm từng chủ thể 

Tạo mọi điều kiện để người dân phát huy quyền làm chủ

Tại huyện Mèo Vạc, từ nhiều năm nay, việc thực hiện quy chế dân chủ khá tốt. Điều này được thể hiện ở chỗ: tất cả những vấn đề dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, công tác quy hoạch đất đai, thực hiện xây dựng công trình cơ bản... đều được công khai, nên nhận được sự đồng thuận cao của người dân. Hàng ngày nhân dân cũng được nghe các chính sách pháp luật thông qua hệ thống loa truyền thanh của cấp xã phường, để hiểu và nắm vững các quy định của pháp luật.

Tuy vậy, để việc thực hiện dân chủ tại cơ sở một cách thực chất, Dự thảo Luật cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn nữa trách nhiệm của từng chủ thể trong việc tổ chức và bảo đảm việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, tạo thuận lợi cho hoạt động giám sát quá trình thi hành Luật, khắc phục dân chủ hình thức trong tổ chức thực hiện. Bởi để Luật vào cuộc sống, thì Mặt trận có trách nhiệm rất quan trọng: Vận động nhân dân thực hiện dân chủ, chỉ đạo hoạt động của 2 Ban thanh tra nhân dân và giám sát đầu tư cộng đồng, tiếp nhận, tổng hợp ý kiến phản ảnh của nhân dân về thực hiện dân chủ để chuyển đến cấp có thẩm quyền; và đặc biệt là thực hiện chức năng giám sát xã hội trong việc thực hiện chính sách pháp luật về dân chủ ở cơ sở.

Cử tri Nguyễn Văn Tiến, xã Nam Tiến, huyện Phú Xuyên, Hà Nội:
Cần công khai, minh bạch

Tạo mọi điều kiện để người dân phát huy quyền làm chủ

Dân chủ là hình thức tổ chức thiết chế chính trị xã hội dựa trên việc thừa nhận nhân dân là nguồn gốc của quyền lực Nhà nước. Dân chủ cũng được vận dụng vào tổ chức và hoạt động của những tổ chức và thiết chế nhất định.

Do đó, Luật Dân chủ ở cơ sở phải làm sao để việc thực hiện quy chế dân chủ ở địa phương được công khai, minh bạch. Khi thực hiện cơ chế dân chủ, tránh tiếp thu ý kiến của nhân dân rồi để đấy hoặc trả lời một cách đại khái, dẫn tới một ý kiến phản ánh của nhân dân nhưng qua nhiều kỳ họp không được giải quyết, hoặc giải quyết không triệt để. Bên cạnh đó, các đại biểu HĐND, ĐBQH cũng nên quan tâm hơn nữa tới các kiến nghị, giám sát các cơ quan có liên quan trả lời dứt điểm các ý kiến, đóng góp của nhân dân.

Cử tri Lê Vinh (76 tuổi), thị trấn Mai Châu, Hòa Bình:
Khuyến khích những ý kiến đóng góp đúng, trúng

Tạo mọi điều kiện để người dân phát huy quyền làm chủ

Trong những năm qua, với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, quyền làm chủ của nhân dân ngày càng được phát huy. Người dân cũng đã tích cực thảo luận, tham gia ý kiến vào các khoản đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới, xây dựng hương ước, quy ước…

Thực hiện tốt quyền dân chủ ở cơ sở sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong tham gia xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền ngày thêm vững mạnh và tạo mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Ðảng, chính quyền với nhân dân ngày càng bền chặt. Do đó, để Luật Dân chủ cơ sở khi được ban hành thực sự đi vào đời sống, các điều, khoản của luật cần thể hiện được những nội dung: các cấp chính quyền cơ sở cần tạo mọi điều kiện để người dân có thể phát huy tinh thần dân chủ ở mức cao nhất.

Đặc biệt, phải có cơ chế bảo vệ cũng như hình thức khuyến khích, động viên, khen thưởng cho các tổ chức, cá nhân phát huy tốt tinh thần dân chủ, đóng góp nhiều ý kiến hay, mang tính xây dựng cho cơ sở một cách kịp thời. Mọi ý kiến đóng góp phải được công khai, khích lệ, nếu đúng, trúng phải khích lệ, biểu dương kịp thời; nếu ý kiến chưa đúng thì giải thích, tuyên truyền để người dân hiểu rõ.

Cử tri Vũ Hạnh Thủy, TP. Hồ Chí Minh:
Thể chế hóa quan điểm của Đảng về phát huy quyền làm chủ của nhân dân

Tạo mọi điều kiện để người dân phát huy quyền làm chủ

Thực hiện dân chủ ở cơ sở tức là thực hiện quy định nhằm bảo đảm quyền lợi của nhân dân được biết, được tham gia ý kiến và được giám sát thực hiện hoạt động của chính quyền các cấp, nhằm bảo đảm trách nhiệm của chính quyền các cấp đối với việc thực hiện các quyền dân chủ của nhân dân địa phương. 

Tuy nhiên, không phải các cấp xã, phường nào cũng phát huy được vai trò trong vấn đề này, nếu không muốn nói là thiếu hiệu quả, hình thức và cục bộ. Lấy ngay vấn đề nóng đại dịch Covid-19 vừa qua làm ví dụ điển hình. Nhiều chính quyền cấp xã đã không thực hiện đúng quy định được ban hành. Không có một quy định hay hướng dẫn cụ thể cho nhân dân được hiểu rõ, biết tường tận việc tiêm phòng vaccine hoặc vấn đề nhận trợ cấp an sinh xã hội của Nhà nước. Có nơi, việc thu thập thông tin để kê khai hưởng trợ cấp lập lờ, không minh bạch mà báo chí đã phản ánh. Điều đó khiến cho công dân thực sự bất bình và cảm thấy không được tôn trọng bởi cơ chế “xin - cho” và nhờ vả “mối quan hệ” là chính. 
Thiết nghĩ, Dự thảo Luật cần thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng về phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Chỉ khi nào thực hiện được đúng phương châm: dân biết, dân làm, dân giám sát, dân thụ hưởng như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã ghi nhận thì lúc đó hiệu quả của chính sách này mới được thực hiện đúng và đủ. Từ đó, nâng cao trách nhiệm và quyền hạn của công dân trong việc quản lý xã hội được xem như một trong những biện pháp góp phần đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh ngay từ cơ sở.

Cử tri Đỗ Văn Nhân, Kon Tum:
Nghiên cứu kỹ vai trò của thanh tra nhân dân 

Tạo mọi điều kiện để người dân phát huy quyền làm chủ

So với Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007, tại Chương V, Dự thảo Luật đã bổ sung chế định Thanh tra nhân dân. Theo đó, Thanh tra nhân dân được quy định theo hướng cụ thể về tổ chức Thanh tra nhân dân (Thanh tra nhân dân được tổ chức dưới hình thức Ban Thanh tra nhân dân); nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân; tổ chức, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân cấp xã, ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, Khoản 1 Điều 73, Dự thảo giao Chính phủ phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định cụ thể về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân.

Thanh tra nhân dân là hình thức, thiết chế cụ thể để thực hiện dân chủ ở cơ sở, là cơ chế thực hành dân chủ ở cơ sở. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề này đã được quy định tại Luật Thanh tra năm 2010. Chính vì vậy, Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ hơn vai trò của Thanh tra nhân dân và hoạt động của Thanh tra nhân dân; đồng thời để việc quy định chế định Thanh tra nhân dân trong dự án Luật được chặt chẽ, bảo đảm tính khả thi, cần tổng kết, đánh giá việc thực hiện pháp luật về Thanh tra nhân dân được quy định tại Luật Thanh tra năm 2010. 

Nhóm PV (ghi)