NHỮNG ÁNH SAO KHUÊ:

Nguyễn Thị Thập - người phụ nữ Việt Nam tiêu biểu của thế kỷ XX

- Thứ Hai, 16/05/2022, 06:32 - Chia sẻ

NGUYỄN TÚC - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Nguyễn Thị Thập tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Tốt, sinh năm 1908 tại xã Long Hưng, huyện Châu Thành, Tiền Giang. Trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, ngày 6.1.1946, đồng chí trúng cử đại biểu Quốc hội tại Mỹ Tho, là nữ đại biểu Quốc hội đầu tiên của tỉnh Tiền Giang và cũng là một trong 10 nữ đại biểu đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đồng chí là một trong 10 phụ nữ trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta được đặt tên cho các đường phố.

Nhiều cống hiến xuất sắc với phong trào cách mạng

Đồng chí Nguyễn Thị Thập sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo có truyền thống yêu nước. Tròn 20 tuổi, được những người cộng sản tiền bối giác ngộ, chị Mười[1] tham gia tổ chức nông hội.

Năm 21 tuổi, chị được tuyên truyền chủ nghĩa Mác và được tổ chức giao nhiệm vụ hoạt động cách mạng ở địa phương. Năm 1931, chị thoát ly, bước vào con đường hoạt động của một nhà cách mạng chuyên nghiệp và được tổ chức phân công lên Sài Gòn - Gia Định nhận nhiệm vụ một liên lạc viên. Cũng năm đó, chị được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và từ đó mang biệt danh Mười Thập.

Tháng 4.1935, đồng chí Mười Thập được bầu vào Ủy viên dự khuyết Xứ ủy Nam Kỳ. Một tháng sau ngày đáng nhớ đó, đồng chí bị thực dân Pháp bắt giam tại khám lớn Sài Gòn. Dù bị kẻ thù tra tấn hết sức dã man, song vẫn không khai thác được gì ở người cộng sản kiên trung đó. Năm 1936, do sự đấu tranh quyết liệt của nhân dân Đông Dương, tập hợp trong Mặt trận Dân chủ Đông Dương, phối hợp chặt chẽ với Mặt trận bình dân Pháp, thực dân Pháp buộc phải trả tự do cho nhiều tù chính trị, trong đó có nhiều đảng viên cốt cán, trung kiên của Đảng Cộng sản Đông Dương, mà đồng chí Mười Thập là một trong số đó.

Ra tù, đồng chí tiếp tục hoạt động tại Sài Gòn. Năm 1940, theo sự điều động của tổ chức, chị trở lại Long Hưng tham gia chỉ huy cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ ở Mỹ Tho. Cuộc khởi nghĩa thất bại. Địch ra tay đàn áp nhân dân, bắt giam hàng nghìn người yêu nước. Đồng chí Lê Văn Giác - Tỉnh ủy viên Mỹ Tho, người bạn đời của chị Mười Thập bị địch sát hại, để lại cho chị một đàn con nhỏ (con trai đầu 11 tuổi, con gái thứ hai 2 tuổi, cậu út mới được 8 ngày).

Theo yêu cầu của cách mạng, nén đau thương chồng con, gửi sắp nhỏ ở lại để ông bà và những người thân nuôi dưỡng, chị trở lại Long Hưng - cái nôi của khởi nghĩa để gây dựng lại cơ sở, lại phong trào.

Cuối năm 1944, chị cùng nhiều đồng chí trong tỉnh Mỹ Tho và các tỉnh lân cận xúc tiến thành lập Tỉnh ủy giải phóng Mỹ Tho và Xứ ủy giải phóng[2].

Đầu tháng 8.1945, chị được cử đi dự Quốc dân Đại hội Tân Trào do Tổng bộ Việt Minh triệu tập để thông qua chủ trương Tổng khởi nghĩa do Đảng Cộng sản kiến nghị, thông qua Lệnh Khởi nghĩa và 10 chính sách lớn của Việt Minh quyết định Quốc kỳ, Quốc ca, cử Ủy ban Giải phóng dân tộc, tức Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

Do đường xa, phương tiện đi lại khó khăn nên khi xe chị tới Tân Trào thì Đại hội đã kết thúc. Cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám đã giành được thắng lợi ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.

Trở lại Hà Nội, chị được Trung ương tiếp và Tổng Bí thư Trường Chinh thông báo nội dung Đại hội, nhiệm vụ sắp tới phải làm và giao cho chị trọng trách giúp đồng chí Hoàng Quốc Việt - Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, Bí thư Tổng bộ Việt Minh - đặc phái viên của Trung ương và của Tổng bộ Việt Minh tiến hành việc thống nhất các tổ chức Đảng ở Nam Bộ.

Kể lại chuyến “tháp tùng” đặc phái viên Trung ương vô Nam để củng cố tổ chức Đảng và xây dựng bộ máy chính quyền non trẻ, chị say sưa nhắc lại điệp khúc “đây là chuyến đi thần tốc”, “một chuyến đi có một không hai”, “chuyến đi cho mình thấy được sức mạnh sự trỗi dậy của một dân tộc bị áp bức vào những ngày đầu tiên hồ hởi vươn lên làm chủ dân tộc và đất nước mình”.

Nhiệm vụ quan trọng nhất của đồng chí Mười Thập được Tổng Bí thư Trường Chinh giao lúc này là giúp đồng chí Hoàng Quốc Việt - Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, đặc phái viên của Trung ương vào hỗ trợ Đảng bộ Nam bộ thống nhất Xứ ủy Tiền phong và Xứ ủy Giải phóng.

Sau khi giành được chính quyền cách mạng, với sự bố trí của đồng chí Mười Thập, các phái viên của Trung ương đã có nhiều cuộc họp với đại biểu hai Xứ ủy Tiền phong và Giải phóng nhằm thống nhất tổ chức hai Xứ ủy, khắc phục sự tách rời, phân tán lực lượng lãnh đạo của Đảng thời gian qua.

Ngày 15.10.1945, tại Cầu Vỹ (Mỹ Tho) diễn ra cuộc họp quan trọng gồm Xứ ủy Tiền phong và Xứ ủy Giải phóng, đại diện một số Tỉnh ủy, một số cán bộ tù Côn Đảo trở về do đồng chí Hoàng Quốc Việt chủ trì đã quyết định: Thống nhất hai Đảng bộ Tiền phong và Giải phóng làm một, tuyên bố dứt điểm không cho phép một đảng viên nào hoạt động riêng rẽ. Hội nghị đã bầu ra một Xứ ủy Nam Kỳ (mới) gồm 11 đồng chí: Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng, Lê Duẩn, Trần Ngọc Danh, Lê Văn Sĩ, Nguyễn Thị Thập, Nguyễn Văn Nguyễn, Nguyễn Văn Kỉnh, Ung Văn Khiêm, Hà Huy Giáp. Đồng chí Tôn Đức Thắng - một công nhân lão thành đã 17 năm ở tù Côn Đảo được bầu làm Bí thư Xứ ủy với số phiếu tuyệt đối.

Một trong 10 nữ đại biểu Quốc hội đầu tiên

Trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ngày 6.1.1946, đồng chí Nguyễn Thị Thập trúng cử đại biểu Quốc hội tại Mỹ Tho, là nữ đại biểu Quốc hội đầu tiên của tỉnh Tiền Giang và cũng là một trong 10 nữ đại biểu đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trải qua 3 tháng “băng rừng, vượt núi” vô cùng khó khăn và nguy hiểm, đồng chí ra kịp dự phiên họp đầu tiên của Quốc hội để thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tháng 11.1946, theo yêu cầu của Thường vụ Trung ương, đồng chí lại “băng rừng, vượt núi” trở lại Nam Bộ với nhiệm vụ “củng cố và phát triển Xứ ủy”.

Từ năm 1947 đến 1953 song song với công tác Đảng, đồng chí Mười Thập được tín nhiệm bầu làm Hội trưởng Hội Phụ nữ cứu quốc - một tổ chức quy tụ và phát huy sức mạnh của hàng triệu phụ nữ Nam Bộ, một thành viên nòng cốt của Mặt trận Việt Minh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Năm 1953, đồng chí lại được Trung ương điều ra Việt Bắc nhận công tác mới.

Năm 1954, Hiệp định Geneva được ký kết, Trung ương lại phân công đồng chí Mười Thập về gấp Nam Bộ để phổ biến chủ trương của Đảng về việc thi hành Hiệp định Geneva. Lúc này, một nỗi đau xé lòng đến với chị, là cậu con trai lớn - Xã đội trưởng liên xã Long Hưng đã anh dũng hy sinh trong một trận chống càn vào tháng 5.1954, đúng một tháng trước ngày chị có mặt tại quê hương.

Năm 1955, đồng chí Mười Thập ra Bắc tập kết theo đường công khai mang theo 2 con nhỏ. Người con trai được Nhà nước cho đi học tại Cộng hòa Dân chủ Đức. Sau khi tốt nghiệp đại học ngành điện ảnh về nước, anh đã xin vào Nam chiến đấu để trả thù cho cha và anh cả. Người con trai đó cũng anh dũng hy sinh.

Tập kết ra Bắc, đồng chí Mười Thập được Đảng, Bác Hồ phân công chuyên trách công tác dân vận. Được chị em tín nhiệm bầu làm Hội trưởng, rồi Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam kiêm Bí thư Đảng đoàn liên tục 18 năm.

Với trách nhiệm người đứng đầu Hội liên tục nhiều khóa, đồng thời lại là Phó Chủ tịch Quốc hội, đồng chí đã góp phần đưa tiếng nói của phụ nữ vào việc sửa đổi Hiến pháp năm 1960, kiến nghị với Nhà nước xây dựng Luật Hôn nhân gia đình, thực hiện nguyên tắc “một vợ, một chồng”. Đồng thời, tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành hàng loạt chỉ thị, nghị quyết, các văn bản pháp lý nhằm phát huy vai trò của phụ nữ và thực hiện nam nữ bình đẳng, góp phần vào sự nghiệp giải phóng phụ nữ.

Do tuổi cao sức yếu, đồng chí Mười Thập mất ngày 19.3.1996. Theo di nguyện, đồng chí mong muốn được an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Tiền Giang bên cạnh người chồng thương yêu.

“Gần 70 năm tham gia cách mạng, 60 năm chiến đấu liên tục trong đội ngũ của Đảng, được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao nhiều trọng trách, bà là một cán bộ có nhiều cống hiến xuất sắc đối với phong trào cách mạng, phong trào phụ nữ Việt Nam và phong trào phụ nữ thế giới. Đó là một cán bộ gương mẫu với nhiều phẩm chất cao quý: Trung thực, thẳng thắn, sống giản dị, tiết kiệm, thương yêu, gần gũi đồng chí, đồng bào”[3].

Box:

Đồng chí Nguyễn Thị Thập từng giữ các chức vụ: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1946 đến năm 1981 và trở thành Ủy viên Trung ương nhiều năm nhất (35 năm) của Đảng. Là đại biểu Quốc hội Khóa I và Phó Chủ tịch Quốc hội từ năm 1960 đến 1981. Với 21 năm liên tục ở cương vị Phó Chủ tịch Quốc hội, đồng chí cũng là người phụ nữ duy nhất có thâm niên cao nhất ở vị trí quan trọng đó.

Đồng chí Nguyễn Thị Thập cũng là Hội trưởng, rồi Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam từ năm 1955 đến 1974. Với 18 năm liên tục là người đứng đầu tổ chức phụ nữ Việt Nam, đồng chí được công nhận là người giữ kỷ lục về thâm niên thủ lĩnh của phụ nữ Việt Nam.

Đồng chí cũng là người phụ nữ duy nhất có 33 năm liên tục là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (từ năm 1955 đến 1988). Là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên được tặng Huân chương Sao Vàng - phần thưởng cao quý nhất của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

______________

[1] Bí danh của đồng chí Nguyễn Thị Thập

[2] Vào thời điểm đó, Mỹ Tho có 2 Tỉnh ủy: Tỉnh ủy Tiền Phong và Tỉnh ủy Giải phóng. Nam Kỳ cũng có 2 Xứ ủy: Tiền Phong và Giải phóng

[3] Trích điếu văn của Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh đọc tại Lễ tang đồng chí Mười Thập