Cụ thể hóa quyết tâm chính trị tạo đột phá về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư Việt – Lào

- Thứ Hai, 16/05/2022, 06:35 - Chia sẻ

Chiều qua, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức CHDCND Lào, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có cuộc gặp mặt hết sức ý nghĩa với khoảng 30 doanh nghiệp đại diện cho hơn 200 doanh nghiệp hiện đang đầu tư, kinh doanh tại Lào. Điều đặc biệt là, Phó Thủ tướng Chính phủ Lào Sonexay Siphandon và Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Sommad Pholsena đã tham dự cuộc gặp và cùng với Chủ tịch Quốc hội trao đổi cởi mở về những vấn đề cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Lào đang quan tâm.

Cuộc gặp khép lại không chỉ bằng những tràng vỗ tay kéo dài mà còn với những gợi mở, những định hướng và cam kết được các nhà lãnh đạo hai nước đưa ra nhằm cụ thể hóa quyết tâm chính trị tạo đột phá về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư Việt - Lào trong thời gian tới.

Quan hệ đặc biệt cần có những cơ chế đặc biệt

Hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Lào thời gian qua đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận. Việt Nam là một trong ba nước đầu tư lớn nhất vào Lào với tổng số vốn cam kết trên 5 tỷ USD, thương mại giữa hai nước tiếp tục tăng trưởng trung bình trên 10% mỗi năm. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, đến nay doanh nghiệp Việt Nam đã có 214 dự án được cấp phép đầu tư sang Lào còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký 5,3 tỷ USD, phân bổ trên khắp 17/18 tỉnh, thành phố của Lào. Riêng năm 2021, có 6 dự án cấp mới và 4 dự án điều chỉnh tăng vốn, tổng số vốn đăng ký là 118,34 triệu USD, tăng 33% so với năm 2020.

Vượt lên những khó khăn, thách thức do đại dịch Covid -19 gây ra cho cả hai nước, kim ngạch thương mại song phương vẫn đạt 1,37 tỷ USD, tăng 33,3% so với năm 2020. Tính đến hết tháng 3.2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đạt 243,1 triệu USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam bao gồm nhiều doanh nghiệp và đơn vị kinh tế lớn hàng đầu của Việt Nam hoạt động trong nhiều lĩnh vực có tầm quan trọng then chốt của Lào. Phần lớn các doanh nghiệp này đã làm ăn hiệu quả, đóng góp nhiều vào an sinh xã hội, khẳng định vị trí và vai trò ngày càng quan trọng đối với sự phát triển của nước bạn Lào. Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội tại cuộc gặp, đại diện các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư và kinh doanh tại Lào đều khẳng định cam kết đầu tư lâu dài tại Lào, nhiều người đã coi Lào là quê hương thứ hai.

Dù vậy, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ trăn trở lớn nhất hiện nay là làm thế nào để quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, kinh doanh phải ngày càng phát triển hơn nữa, tương xứng, xứng tầm với mối quan hệ chính trị đặc biệt, có một không hai trên thế giới giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước.

Hiện nay, tổng kim ngạch xuất khẩu song phương vẫn còn rất khiêm tốn, mục tiêu đặt ra là 2 tỷ USD nhưng hiện mới chỉ đạt hơn 1,3 tỷ USD. “Vì thế, các doanh nghiệp và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan của Quốc hội ngồi đây cũng phải suy nghĩ làm thế nào để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong một số dự án mới đây, nhưng đồng thời cũng phát huy những thành tựu đã đạt được, những bài học kinh nghiệm, những mô hình hợp tác hiệu quả giữa hai nước như Lào Việt bank, Unitel, Thaco Trường Hải… Chúng ta phải nhìn rõ những thuận lợi và cả những khó khăn, thách thức để từ đó, đưa hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư phát triển tương xứng với quan hệ hai nước”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch lâm thời Hội Doanh nghiệp Việt Nam hợp tác và đầu tư tại Lào Dương Đình Bảng cho biết, thời gian qua, với ý thức chính trị cao cùng sự nỗ lực của các doanh nghiệp Việt Nam, được sự hỗ trợ tích cực, hiệu quả của các bộ ngành, đặc biệt là của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Lào trong việc cải thiện môi trường đầu tư và cấp phép đầu tư ra nước ngoài, các dự án hợp tác kinh tế hai nước đã ngày càng phát triển.

Tuy nhiên, trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài, biến đổi khí hậu, xung đột Nga - Ukraine làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu… đã gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của cả doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Lào. Vì thế, đại diện các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư và kinh doanh tại Lào mong muốn phía Lào đẩy nhanh việc kết nối giao thông giữa hai nước với nhau và với các nước trong khu vực; sớm xem xét, nghiên cứu để đưa ra cơ chế hợp tác về việc trao đổi, sử dụng đồng tiền kíp và VNĐ vào hoạt động đầu tư, thương mại; đồng thời mong muốn Quốc hội sớm xem xét sửa đổi, bổ sung một số luật liên quan để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp hai nước hiện nay, Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, vừa qua Quốc hội, Chính phủ Lào đã quan tâm, hỗ trợ tích cực đối với các doanh nghiệp Việt Nam, kịp thời xem xét, tháo gỡ nhiều vấn đề. Vì thế, Chủ tịch Quốc hội mong muốn, cộng đồng doanh nghiệp kiên nhẫn, kiên trì vượt qua khó khăn hiện tại, trước hết phải củng cố, nâng cao năng lực quản trị, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Nhất trí với đề nghị của các doanh nghiệp về “quan hệ đặc biệt cần có những cơ chế đặc biệt”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, “về mặt chủ trương, chính sách, Quốc hội, Chính phủ hai nước đều ủng hộ làm thế nào để có đột phá về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước. Quyết tâm chính trị của hai nước là rất lớn”.

Tạo đột phá tương xứng với tầm vóc mối quan hệ

Tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội cũng gợi mở nhiều vấn đề có thể xem xét ngay như: vấn đề hạn mức tín dụng của các ngân hàng thương mại dành cho công ty xuất nhập khẩu, mức chiết khấu bán lẻ để giảm giá bán lẻ, như doanh nghiệp chia sẻ “lời ở đâu thì lời, bán cho anh em thì lời ít thôi”; hay trái cây do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất tại Lào đưa vào cung ứng trong hệ thống bán lẻ của Lào. Nhanh chóng dỡ bỏ một số hạn chế hành chính để Petrolimex tăng nguồn cung xăng dầu cho Vientiane, giải quyết khó khăn nguồn cung xăng dầu hiện nay…

Liên quan đến kiến nghị về kết nối hạ tầng giao thông giữa hai nước, ngoài các dự án đã được triển khai vừa qua, Chủ tịch Quốc hội cũng thông báo, hiện nay, Chính phủ hai nước đang nghiên cứu rất tích cực dự án đường cao tốc Cao tốc Hà Nội - Vientiane (nâng cấp QL8), tạo điều kiện để Lào có lối ra biển ở cảng Vũng Áng. Chính phủ Nhật Bản đã đồng ý hỗ trợ dự án này. Hay tần suất chuyến bay giữa hai nước tới đây cũng sẽ tăng cường lên…

 “Có những việc Chính phủ phải làm, các Hiệp hội doanh nghiệp phải làm. Nhưng bản thân các doanh nghiệp làm ăn kinh doanh tại Lào phải lo nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh. Trách nhiệm của các đồng chí lớn lắm, không chỉ là trách nhiệm với bản thân doanh nghiệp mà còn là tình cảm, trách nhiệm đối với nước bạn Lào, với sự phát triển của mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đại sứ Nguyễn Bá Hùng có văn bản chính thức tổng hợp đầy đủ các kiến nghị của doanh nghiệp gửi đến Chính phủ, các bộ, ngành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam và Lào để hai bên cùng nghiên cứu tháo gỡ, trước mắt là ngay tại Hội thảo Quốc hội chung hai nước (được tổ chức hôm nay 16.5 - PV), kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến bộ, ngành nào, Ủy ban nào của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Bộ trưởng, các Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội trả lời ngay bởi đây chính là thiết thực thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch cho cả hai nước.

Trên cơ sở ý kiến, kiến nghị tại cuộc gặp và kết quả hội thảo, với tinh thần làm đến nơi đến chốn, thực chất, Chủ tịch Quốc hội cũng đã giao Ủy ban Kinh tế chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành hai nước tổ chức hội thảo tại Hà Nội để tiếp tục rà soát, chắt lọc hơn nữa những kiến nghị gửi Chính phủ, Quốc hội hai nước để có giải pháp căn cơ trong thời gian tới.

“Trước khi chúng tôi thực hiện chuyến thăm, đồng chí Tổng Bí thư, đồng chí Chủ tịch Nước, đồng chí Thủ tướng và tôi đã bàn thảo nhiều việc. Tham gia Đoàn cũng có nhiều đồng chí lãnh đạo các bộ, cơ quan của Quốc hội và địa phương là nhằm tập trung tháo gỡ tất cả những khó khăn, vướng mắc. Có những việc Đoàn chưa đi đã giải quyết xong rồi”. Chia sẻ điều này, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Lào sẽ ngày càng phát triển.

“Những việc thuộc thẩm quyền của Chính phủ, của Quốc hội hai nước, chúng tôi sẽ nỗ lực xử lý, cố gắng tạo đột phá trong quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư tương xứng với tầm vóc quan hệ đặc biệt, có một không hai giữa hai nước để quan hệ kinh tế thương mại đầu tư gia tăng được số lượng, tăng cường được hiệu quả và lợi ích thiết thực cho hai nước, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân hai nước”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Ngay tại cuộc gặp, thay mặt Chính phủ Lào, Phó Thủ tướng Chính phủ Sonexay Siphandon đã ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp và cam kết sẽ chỉ đạo, trao đổi với các bộ ngành liên quan của Lào để xem xét, giải quyết. Chính phủ Lào sẽ phối hợp chặt chẽ với Quốc hội Lào để thúc đẩy, tạo điều kiện hơn nữa trong hợp tác kinh tế giữa hai nước, cải cách, sửa đổi luật pháp cho phù hợp với thực tế, giải quyết các vấn đề liên quan đến tỷ giá, kết nối hệ thống giao thông giữa hai nước nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp đầu tư kinh doanh tại Lào và làm cho mối quan hệ Lào - Việt ngày càng phát triển.

Sự chân thành, cởi mở, thẳng thắn và những cam kết, định hướng rõ ràng trong việc tháo gỡ những khó khăn trong quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Phó Thủ tướng Chính phủ Lào Sonexay Siphandon đưa ra tại cuộc gặp không chỉ củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động tại Lào, cụ thể hóa quyết tâm chính trị tạo đột phá về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư Việt - Lào, mà hơn hết còn cho thấy mối quan hệ thực chất, gần gũi, thắm tình đồng chí anh em Việt Nam - Lào. Trong suốt chiều dài lịch sử, Việt - Lào đã luôn sát cánh bên nhau thì tương lai mãi mãi về sau, như Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh “càng phải bền chặt hơn nữa”.  

Phạm Thúy