Dự thảo Luật Cảnh sát cơ động

Chặt chẽ trong huy động người, phương tiện dân sự, tránh lạm dụng

- Thứ Sáu, 27/05/2022, 06:16 - Chia sẻ

Cho rằng việc quy định huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự trong dự thảo Luật Cảnh sát cơ động là cần thiết, song nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị, cần cân nhắc, xem xét kỹ để đưa ra các quy định chặt chẽ về phạm vi cũng như thẩm quyền thực hiện việc huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự để tránh lạm dụng hoặc xảy ra những hệ lụy không đáng có, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.

Bổ sung hình thức hợp tác quốc tế của cảnh sát cơ động

Thảo luận về dự thảo Luật Cảnh sát cơ động trong phiên họp toàn thể sáng qua, đa số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, nội dung dự thảo Luật trình Quốc hội lần này bảo đảm tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013 về việc luật hóa các quy định về quyền con người, quyền công dân. Đồng thời cũng bảo đảm thống nhất với các quy định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và xây dựng lực lượng cảnh sát cơ động, tạo cơ sở vững chắc để lực lượng này thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phù hợp với yêu cầu xây dựng, bảo vệ Nhà nước pháp quyền XHCN.

Chặt chẽ trong huy động người, phương tiện dân sự, tránh lạm dụng -0
Đại biểu Quốc hội Bế Minh Đức (Cao Bằng) phát biểu tại hội trường về dự án Luật Cảnh sát cơ động. Ảnh: Phương Hoa

Phân tích một số quy định cụ thể, đối với nội dung về hợp tác quốc tế của cảnh sát cơ động (Điều 7), ĐBQH Lại Văn Hoàn (Thái Bình) nhận thấy, dự thảo Luật chưa đề cập đến các quy định của pháp luật Việt Nam là cơ sở để cảnh sát cơ động thực hiện hợp tác quốc tế. Đồng thời, cũng chưa có quy định về hình thức hợp tác quốc tế của cảnh sát cơ động, chưa làm rõ các hình thức thực hiện các nội dung hợp tác quốc tế theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cảnh sát cơ động. “Điều này có thể gây ra những khó khăn, vướng mắc cho quá trình thực hiện hợp tác quốc tế của cảnh sát cơ động", đại biểu Lại Văn Hoàn nêu rõ.

Tương tự, quy định tại Điểm d, Khoản 2, Điều 7 dự thảo Luật về “các nội dung hợp tác khác trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát cơ động” là bó hẹp phạm vi hợp tác quốc tế của lực lượng này. Chỉ rõ điểm bất cập, ĐBQH Tống Văn Băng (Hải Phòng) đề nghị, cần nghiên cứu, quy định cụ thể, rõ ràng về nội dung hợp tác để bảo đảm tính khả thi.

Giới hạn người có thẩm quyền huy động khi thực hiện nhiệm vụ

Một trong những nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm thảo luận tại phiên họp liên quan đến quy định về việc huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự (Điều 16) của cảnh sát cơ động. Theo ĐBQH Bế Minh Đức (Cao Bằng), những quy định này là cần thiết, song cần cân nhắc, xem xét kỹ để đưa ra các quy định chặt chẽ về phạm vi cũng như thẩm quyền để tránh lạm dụng quyền này một cách rộng rãi, đồng thời tránh xảy ra những hệ lụy không đáng có.

Đơn cử, trước đề nghị cân nhắc thẩm quyền của cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động khi thực hiện nhiệm vụ độc lập, trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới nêu rõ, phần lớn nhiệm vụ của cảnh sát cơ động được tổ chức theo đội hình tập thể, nhưng có một số nhiệm vụ do cán bộ, chiến sĩ thực hiện độc lập. Trong trường hợp cần thiết, để bảo đảm thực thi nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động cần được cho phép huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ nội dung này.

Cơ bản nhất trí với quy định này, song theo đại biểu Bế Minh Đức, quy định thẩm quyền như vậy là quá rộng. Bởi theo Điều 2, dự thảo Luật quy định cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động bao gồm: sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ thuộc cảnh sát cơ động. Trong khi, việc huy động ở đây là con người, là phương tiện, thiết bị dân sự, là tài sản của Nhân dân, có những tài sản giá trị lớn và có thể dẫn đến rủi ro bị thiệt hại khi huy động. Đó là chưa kể đến những trường hợp chưa thực sự cần huy động, nhưng do được sử dụng quyền huy động rộng quá, dễ quá nên có thể cán bộ, chiến sĩ thiếu sự cân nhắc, nếu không muốn nói là cả việc lạm dụng quyền vì mục đích cá nhân, thì việc xử lý hệ lụy sẽ rất phức tạp. Do đó, đại biểu Bế Minh Đức đề nghị, cần cân nhắc quy định phạm vi những trường hợp đặc biệt thực sự cần thiết để cảnh sát cơ động có thể huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự. Đồng thời, giới hạn người có thẩm quyền huy động khi thực hiện nhiệm vụ độc lập phải là những người phục vụ lâu dài trong lực lượng, hoặc giữ cấp bậc chức vụ nhất định.

Phân tích các quy định của dự thảo Luật ở góc độ khác, ĐBQH Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ hơn quy định về “trường hợp cấp bách” được huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự quy định tại Điều 16 dự thảo Luật. Bởi, đây là nội dung quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân và quyền tài sản. “Cho nên cần có quy định chặt chẽ nội dung này hoặc sau khi Luật được ban hành phải có văn bản hướng dẫn dưới luật, quy định như thế nào là "trường hợp cấp bách" để tránh sự lạm quyền của người thi hành công vụ cũng như tránh ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Mặt khác, sẽ giúp cảnh sát cơ động thuận tiện cho việc thực hiện nhiệm vụ này”, đại biểu Nguyễn Hữu Chính nhấn mạnh.

Dự thảo Luật Cảnh sát cơ động trình Quốc hội lần này đã được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện gồm 5 chương và 33 điều. Trong đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị bỏ một điều, bổ sung 3 điều, chỉnh lý nội dung và kỹ thuật lập pháp 23 điều. Sau quá trình tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật cơ bản còn 4 vấn đề có ý kiến khác nhau, liên quan đến khái niệm về biện pháp vũ trang (Điều 2), nhiệm vụ của cảnh sát cơ động (Điều 9), quyền hạn của cảnh sát cơ động (Điều 10) và việc huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự (Điều 16)... 

Kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương ghi nhận các ý kiến hết sức thẳng thắn, tâm huyết và trách nhiệm của đại biểu. Các ý kiến đều sâu sắc, toàn diện, cụ thể, rõ ràng và có giá trị lý luận và thực tiễn. Nhiều ý kiến tiếp tục đề nghị nghiên cứu, hoàn thiện dự án Luật một cách rõ ràng ở từng điều luật cụ thể như mong muốn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, khả thi và đáp ứng yêu cầu hoạt động thực tiễn của cảnh sát cơ động. 

Sau phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan tổng hợp đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội. Đồng thời chỉ đạo Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp chặt chẽ với Ban soạn thảo dự án Luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý thấu đáo, đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét và thông qua vào cuối Kỳ họp thứ Ba này.

Trung Thành