Nâng cao chất lượng thẩm tra, giám sát của các Ban HĐND

​​​​​​​Bài cuối: Xây dựng đội ngũ chuyên gia tư vấn

- Chủ Nhật, 29/05/2022, 07:00 - Chia sẻ

Cùng với công tác cán bộ được tăng cường, nhất là việc các lãnh đạo Ban HĐND đều hoạt động chuyên trách, 3/4 Trưởng ban được cơ cấu là Thành ủy viên, trên cơ sở kế thừa, phát huy kinh nghiệm từ các khóa trước, các Ban HĐND thành phố Đà Nẵng đã xây dựng được đội ngũ chuyên gia tư vấn, chủ yếu là các nhà khoa học ở các trường đại học, các viện nghiên cứu; đội ngũ doanh nhân, lãnh đạo các hội, hiệp hội; cán bộ lãnh đạo các cấp đã nghỉ hưu; những người có kinh nghiệm trên các lĩnh vực công tác… để chủ động lấy ý kiến tham vấn các vấn đề liên quan trong thẩm tra, giám sát.

3/4 Trưởng ban chuyên trách là Thành ủy viên

Thực tế thời gian qua, các Ban HĐND thành phố Đà Nẵng luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của các cấp ủy Đảng. Bộ máy tổ chức của 4 Ban HĐND thành phố đã được tăng cường hơn để tương xứng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Nhiệm kỳ 2021 - 2026, mỗi Ban HĐND thành phố đều được cơ cấu với số lượng từ 11 - 12 thành viên; có 3 lãnh đạo Ban (1 Trưởng ban và 2 Phó Trưởng ban) đều hoạt động chuyên trách. Đặc biệt, 3/4 Trưởng ban HĐND thành phố hiện nay được cơ cấu là Thành ủy viên, khẳng định được vị thế của cơ quan giám sát trong hệ thống chính trị tại địa phương, đây là điều kiện thuận lợi rất lớn cho hoạt động của các Ban HĐND thành phố.

Trên cơ sở các quy định pháp luật, bám sát Quy chế hoạt động của HĐND thành phố Khóa X, ngay từ đầu nhiệm kỳ, các Ban HĐND thành phố đã chủ động xây dựng nội dung quy chế hoạt động của Ban. Tại quy chế, phân công nhiệm vụ cụ thể rõ ràng cho Trưởng ban, các Phó Trưởng ban chuyên trách, các ủy viên, chế độ làm việc để thuận lợi trong quá trình hoạt động. Bên cạnh đó, nhiệm kỳ khóa mới với gần 70% thành viên ban là đại biểu tham gia lần đầu và đa phần hoạt động kiêm nhiệm. Vì vậy, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thường trực và các Ban HĐND đã rất chú trọng tổ chức tập huấn cho đại biểu HĐND thành phố, từng thành viên ban với việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ, trong đó có kỹ năng giám sát, thẩm tra và các kỹ năng khác. Ngoài ra, các ban luôn chủ động cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin 2 chiều giữa Thường trực ban chuyên trách và thành viên ban kiêm nhiệm - đây là một trong những yếu tố góp phần nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, thẩm tra.

Trên cơ sở kế thừa, phát huy kinh nghiệm từ các khóa trước, các Ban HĐND thành phố Đà Nẵng đã xây dựng được đội ngũ chuyên gia tư vấn, chủ yếu là các nhà khoa học ở các trường đại học, các viện nghiên cứu; là đội ngũ doanh nhân, lãnh đạo các hội, hiệp hội; là các cán bộ lãnh đạo các cấp đã nghỉ hưu; những người có kinh nghiệm trên các lĩnh vực công tác… để chủ động lấy ý kiến tham vấn các vấn đề liên quan trong công tác thẩm tra, giám sát.

Các Ban HĐND thành phố không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chức năng giám sát bằng nhiều hình thức linh hoạt, đa dạng, phong phú, phát huy tính dân chủ trong quá trình thực hiện. Tăng cường làm việc với cơ sở để xử lý các “khoảng trống” khi không tổ chức HĐND quận, phường; phân công các Trưởng ban đứng điểm theo dõi hoạt động của các Tổ đại biểu; tăng cường nắm bắt dư luận trên các phương tiện thông tin đại chúng; làm tốt công tác TXCT, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân... Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, đeo đuổi tới cùng để thực hiện kiến nghị sau giám sát.

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Đà Nẵng kiểm tra thực tế tình hình thực hiện các cụm công nghiệp trên địa bàn - ẢNH HOÀNG NAM
Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Đà Nẵng kiểm tra thực tế tình hình thực hiện các cụm công nghiệp trên địa bàn
 Ảnh: Hoàng Nam

Cần cơ chế tài chính mời chuyên gia

Để phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động của HĐND nói chung và các Ban HĐND nói riêng, các Ban HĐND thành phố Đà Nẵng kiến nghị việc thống nhất chủ trương ban hành Nghị quyết thí điểm bố trí đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố trong điều kiện thực hiện thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị. Theo đó, bổ sung mỗi Ban thuộc HĐND thành phố có 1 Ủy viên hoạt động chuyên trách, Thường trực HĐND thành phố xem xét, phê chuẩn theo đề nghị của Trưởng ban của HĐND.

Các Ban HĐND thành phố cũng kiến nghị việc xem xét, sửa đổi Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015. Theo đó, quy định bổ sung trình tự, thủ tục ban hành Nghị quyết sau chất vấn cho phù hợp với thực tế kỳ họp HĐND để thuận lợi trong quá trình thực hiện. (Luật hiện nay quy định HĐND có thể ra nghị quyết về chất vấn, tuy nhiên do kỳ họp HĐND diễn tra trong thời gian ngắn, vì vậy thời gian cho việc xây dựng Dự thảo Nghị quyết, thẩm tra, xin ý kiến vào Dự thảo nghị quyết chưa quy định). Bổ sung quy định chế tài xử lý đối với các cá nhân, tổ chức không thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm các kiến nghị của đoàn giám sát.... Ban hành Nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát của các Tổ đại biểu, đại biểu HĐND. Xây dựng quy chế phối hợp giám sát giữa các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH và ĐBQH với HĐND khi thực hiện giám sát tại địa phương.

Cùng với đó, xem xét, sửa đổi Nghị quyết 1206 quy định về chế độ, chính sách và các điều kiện bảo đảm hoạt động đối với đại biểu HĐND các cấp theo hướng tăng định mức phù hợp với tình hình hiện nay; có quy định hướng dẫn cụ thể hơn về phương tiện, định mức trang bị phương tiện bảo đảm phục vụ hoạt động của đại biểu HĐND, cơ chế tài chính mời chuyên gia của đại biểu HĐND; ban hành chính sách đặc thù cho đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách. Quy định bổ sung về các hình thức khen thưởng kịp thời đối với những đại biểu HĐND, cán bộ, công chức, nhân viên có thành tích xuất sắc đóng góp cho hoạt động của HĐND.

LÊ TRÀ