Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về dân chủ ở cơ sở

Việc thực hiện quy chế dân chủ vẫn còn hình thức

- Thứ Hai, 08/08/2022, 06:45 - Chia sẻ

Thời gian qua, việc thực hiện các chính sách, pháp luật về dân chủ ở cơ sở đang bộc lộ không ít tồn tại, hạn chế. Trong đó, ở một số địa phương đôi khi còn mang tính hình thức, chưa đi vào thực chất; hoạt động giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội hiệu quả chưa cao.

Đây là đánh giá được Đoàn khảo sát Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội đưa ra khi làm việc trực tiếp tại một số địa phương về việc thực hiện chính sách, pháp luật về dân chủ ở cơ sở.

Góp phần củng cố lòng tin của nhân dân

Theo đánh giá của Đoàn khảo sát, giai đoạn 2016 - 2021, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở đã góp phần phát huy được vai trò, sức sáng tạo của nhân dân tham gia bàn bạc những công việc của địa phương; góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật, xây dựng Đảng, chính quyền và giám sát hoạt động của cán bộ, công chức, đảng viên khu dân cư. Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng chính quyền và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Tiêu biểu như ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Chủ tịch UBND xã Đỗ Văn Tâm cho biết, nhiều khó khăn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội đã được nhân dân bàn bạc, tham gia cùng cấp ủy Đảng, chính quyền tháo gỡ, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Đồng thời, những truyền thống tốt đẹp được giữ gìn và phát huy; tình làng nghĩa xóm được duy trì; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân được thực hiện hiệu quả; công tác cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” ngày càng hoàn thiện và đi vào nền nếp... "Nhờ đó, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên", Chủ tịch UBND xã Sài Sơn nhấn mạnh.

Hay tại phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, kể từ khi có các chính sách, pháp luật về dân chủ ở cơ sở, UBND phường đã chủ động đổi mới phong cách làm việc theo hướng gần dân; tôn trọng, lắng nghe và chân thành tiếp thu ý kiến, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. "Các tầng lớp nhân dân đã phát huy dân chủ, đồng thuận, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; ý thức trách nhiệm của công dân cũng ngày càng nâng cao", Chủ tịch UBND phường Lưu Minh Đông nhấn mạnh.

Tại các buổi khảo sát, cử tri đề nghị MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương cần phát huy hiệu quả vai trò giám sát của mình
Tại các buổi khảo sát, cử tri đề nghị MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương cần phát huy hiệu quả vai trò giám sát của mình

Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu

Bên cạnh những kết quả đạt được, Đoàn khảo sát cũng thẳng thắn chỉ ra một số khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện các chính sách, pháp luật về dân chủ ở cơ sở. Theo đó, việc thực hiện quy chế dân chủ đôi khi còn hình thức. Công tác thi đua, khen thưởng, biểu dương các cơ quan, đơn vị, cá nhân tiêu biểu thực hiện tốt quy chế dân chủ cũng như xử lý, phê phán những biểu hiện tiêu cực còn chưa kịp thời. Công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết tại một số địa phương chưa được thực hiện thường xuyên. Việc tổ chức hội nghị cán bộ công chức, viên chức, người lao động, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc ở một số cơ quan, đơn vị chất lượng chưa cao, còn nhiều hạn chế trong việc đóng góp ý kiến xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh... Ở góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Hoàng Nguyên Ưng cho rằng, hoạt động giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ở một số địa phương còn hình thức.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, các thành viên Đoàn khảo sát đề nghị, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đồng thời, tăng cường vai trò giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức thành viên, phát huy vị thế là tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.

Theo Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Phạm Thị Thanh Mai, các địa phương cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; giữ mối quan hệ giữa cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, thực hiện dân chủ ở cơ sở, qua đó xây dựng cơ quan trong sạch, vững mạnh toàn diện. Đồng thời, gắn việc thực hiện quy chế dân chủ với cải cách hành chính, phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công chức trong việc tham gia các hoạt động tại cơ quan, đơn vị và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức. "Chúng ta cần thực hiện những nhiệm vụ này thực chất, tránh  hình thức", bà Phạm Thị Thanh Mai yêu cầu.

Đoàn khảo sát cũng đề nghị các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Trong đó, cần tập trung đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ gắn liền với tổ chức tốt các hoạt động thi đua, nhân điển hình tiên tiến; thực hiện tốt việc "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".

Phi Long