Nâng cao hiệu quả tham mưu, giúp việc cho HĐND cấp huyện

Tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin

- Thứ Sáu, 07/10/2022, 06:16 - Chia sẻ

LÊ HỒNG HẠNH - Phó Trưởng Ban Kinh tế - Xã hội HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh 

Để Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện thực hiện tròn vai tham mưu, giúp việc cho HĐND như luật định, bên cạnh đặc biệt chú trọng công tác nhân sự, một giải pháp quan trọng hiện nay đó chính là Văn phòng cần tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin trong tham mưu giúp việc cho HĐND, hỗ trợ tham mưu HĐND, các đại biểu HĐND sử dụng các thiết bị hiện đại để khai thác thông tin, tài liệu dần thay thế các cách tham mưu phục vụ thủ công trước đây, ứng dụng kỳ họp không giấy...

Công tác văn phòng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với hoạt động của HĐND. Đối với HĐND cấp huyện, công tác tham mưu, giúp việc trên thực tế vẫn gặp không ít khó khăn.

Khó tránh “vừa đá bóng, vừa thổi còi”

Nhiệm vụ tham mưu, giúp việc HĐND của Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện được quy định tại Nghị định số 108/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Theo Nghị định này, HĐND, các Ban, các Tổ và đại biểu HĐND cấp huyện được Văn phòng HĐND và UBND tham mưu giúp việc. Tuy nhiên, thực tế công tác tham mưu, giúp việc của Văn phòng HĐND và UBND cho hoạt động của HĐND mới chỉ dừng lại ở việc bố trí tham mưu, giúp việc cho Thường trực HĐND, trực tiếp là Phó Chủ tịch HĐND chuyên trách là chủ yếu. Thậm chí, có những địa phương chưa bố trí được biên chế 1 chuyên viên tham mưu, giúp việc cho HĐND, chủ yếu Văn phòng đang nghiêng về tham mưu, phục vụ cho UBND.

Một thực tế nữa là, Văn phòng HĐND và UBND vừa tham mưu, giúp việc cho HĐND, vừa tham mưu cho UBND. Việc tham mưu cho UBND là nhiệm vụ thường xuyên hơn nên nhiều lúc còn chồng chéo, bất cập vì vừa tham mưu cho cơ quan ban hành chính sách, chỉ tiêu (HĐND), lại tham mưu cho cơ quan thi hành chính sách (UBND) nên không tránh khỏi tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Tham mưu, giúp việc cho HĐND chỉ có 1 chuyên viên nên khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là khi tham mưu, giúp việc trong chuẩn bị kỳ họp HĐND. Chuyên viên giúp việc HĐND không thể chuyên sâu một lĩnh vực nhưng phải am hiểu nhiều lĩnh vực để tham mưu, giúp việc hiệu quả vì vừa làm việc tham mưu cho HĐND, vừa phải giúp việc UBND khi lãnh đạo yêu cầu nên khó khăn trong hoàn thành nhiệm vụ.

“Thực tế, yếu tố quyết định chất lượng hoạt động của Văn phòng chính là nhân sự. Cán bộ làm công tác tham mưu phải “có tâm, có tầm và có tài”; người phục vụ phải “cần mẫn, nhẫn nại, tận tụy, chu đáo”. Vì vậy, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu là điều kiện tiên quyết để bộ máy Văn phòng hoạt động tốt. Chánh Văn phòng là đầu mối tiếp nhận sự chỉ đạo từ Thường trực HĐND và triển khai thực hiện các nhiệm vụ Văn phòng được giao, cho nên công tác quản lý phải tốt, điều hành phải khoa học và bao quát.

Tuy nhiên, Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện như hiện nay chưa thể chuyên nghiệp và chuyên sâu mảng HĐND được nếu như con người chưa được bố trí đầy đủ, chủ yếu nghiêng về mảng UBND nên nhìn chung, việc tham mưu, giúp việc cho HĐND vẫn còn nhiều bất cập. Hầu hết các khâu chuẩn bị kỳ họp, kết luận các nội dung về chất vấn của HĐND, Thường trực HĐND Văn phòng HĐND và UBND… chủ yếu đang do đại biểu HĐND chuyên trách ở các ban của HĐND chủ trì, làm thay. Do đó, Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện chưa thể tròn vai HĐND như luật định - ông Đinh Văn Thái, nguyên Phó Chánh Văn phòng HĐND và UBND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh cho biết.

Ứng dụng phần mềm kỳ họp không giấy được đa số đại biểu HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh hưởng ứng từ Kỳ họp thứ 6 (tháng 4.2022) - ẢNH BÌNH NGUYÊN
Ứng dụng phần mềm kỳ họp không giấy được đa số đại biểu HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh hưởng ứng từ Kỳ họp thứ 6 (tháng 4.2022) 
Ảnh: Bình Nguyên

Nhanh chóng, chuyên nghiệp và hiệu quả

Để Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện thực hiện tròn vai tham mưu, giúp việc cho HĐND như luật định, trước hết, các địa phương cần bám sát Đề án vị trí việc làm UBND tỉnh quy định cụ thể cho các địa phương cấp huyện, trong đó có bộ phận Văn phòng, nhất thiết phải bố trí 1 biên chế là chuyên viên tham mưu, giúp việc cho HĐND. Bản thân nhân sự được lựa chọn tham mưu, giúp việc cho HĐND phải nhận thức và tìm hiểu kỹ các quy định của pháp luật về chức năng, vị trí, vai trò và hoạt động của cơ quan dân cử để nắm được cách thức, phương pháp, trình tự để tham mưu. Tiếp đó, cần tìm hiểu kỹ các văn bản, quy định trên các lĩnh vực để hiểu biết rộng bởi hoạt động của HĐND bao quát trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; chủ động, linh hoạt trong tham mưu. Đặc biệt, lãnh đạo Văn phòng cần xem xét để chuyên viên này chuyên sâu mảng HĐND, không nên vai phải gánh “HĐND”, vai trái giúp việc “UBND”.

Trước đòi hỏi ngày càng cao về chức năng quyết định các vấn đề quan trọng và giám sát các hoạt động kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương, Văn phòng HĐND và UBND cần chủ động phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Văn phòng cấp ủy, Ủy ban MTTQ xây dựng chương trình công tác của Thường trực và các Ban của HĐND, bảo đảm vừa thường trực giải quyết công việc hàng ngày, vừa có thời gian chỉ đạo, giám sát. Thực hiện tốt công tác tổng hợp và xử lý thông tin nhanh, chính xác, kịp thời; chủ động tham mưu đề xuất, soạn thảo, thẩm định, ấn loát ban hành văn bản kịp thời; tăng cường củng cố công tác văn thư lưu trữ bảo mật và khai thác tài liệu thuận lợi…

Hiện nay, việc ứng dụng số hóa trong hoạt động của cơ quan dân cử đang được đẩy mạnh. Là cơ quan tham mưu, giúp việc, Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện cũng cần tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin trong tham mưu giúp việc cho HĐND, hỗ trợ tham mưu HĐND, các đại biểu HĐND sử dụng các thiết bị hiện đại để khai thác thông tin, tài liệu dần thay thế các cách tham mưu phục vụ thủ công trước đây, ứng dụng kỳ họp không giấy trong các kỳ họp của HĐND. Có như vậy, việc tham mưu giúp việc mới nhanh chóng, chuyên nghiệp và hiệu quả. Đây cũng là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng công tác tham mưu, giúp việc HĐND của Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện trong giai đoạn hiện nay.