Thanh âm “lấp lánh” từ một cuộc khảo sát chuyên đề

- Thứ Ba, 04/04/2023, 06:31 - Chia sẻ

Lê Hồng Hạnh - Phó Trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh

Một chiều cuối tháng ba lác đác mưa bay, trong chuyến khảo sát chuyên đề về các di tích văn hóa - lịch sử, các đại biểu dân cử thị xã Hồng Lĩnh chúng tôi có duyên được gặp cụ Phạm Ngũ - đại biểu HĐND tỉnh Hà Tĩnh Khóa II. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được sợi dây bền chặt gắn bó của người đại biểu năm xưa với Nhân dân phường Đậu Liêu còn mãi. Để rồi kết thúc câu chuyện ấy, chúng tôi hiểu sâu sắc một điều: vinh dự mà người đại biểu Nhân dân nhận chính là sự kính trọng sâu sắc của cử tri và Nhân dân.

Người đại biểu giữ nền tảng tinh thần cho dân

Đại biểu HĐND tỉnh Hà Tĩnh Khóa II Phạm Ngũ được người dân Đậu Liêu (thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) trìu mến gọi thân thương là “cố Phiếm” - cụ Phiếm. 98 tuổi đời, gần 80 năm tuổi Đảng, cụ Phiếm vẫn miệt mài, hạnh phúc bước đi trên con đường mình đã chọn, đó là tìm kiếm và phục dựng những giá trị văn hóa của cha ông để lại cho thế hệ mai sau.

Đi qua hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc vĩ đại, tuổi trẻ cố Phiếm vinh dự tham gia Đoàn quân tình nguyện Việt Nam giúp đỡ nước bạn Lào. Qua mỗi miền đất, cụ nhận thấy các di tích nước bạn được bảo tồn, giữ gìn tươi đẹp. Có những lúc cận kề cái chết nhưng lòng cố vẫn khôn nguôi nhớ về quê hương, hình ảnh 99 ngọn núi Hồng nơi chim phượng bay về luôn hiện hữu với những ngôi chùa trên núi che chở cho bộ đội, ngăn quân thù, hứng chịu mưa bom bão đạn, tan hoang.

“Người dân nước bạn Lào có tình yêu và lòng kính trọng tuyệt đối với các di tích đền chùa, vậy nên dù đi qua chiến tranh nhưng về cơ bản các di tích vẫn được bảo vệ, che chở. Nếu còn sống trở về nhất định tôi sẽ góp chút phần đời còn lại để phục dựng các di tích, đền chùa nơi quê hương tôi” - cụ Phiếm khắc ghi điều ấy trong tâm khảm và trong trang nhật ký. Sau khi phục viên trở về, cụ Phiếm tham gia vào chính quyền cơ sở, giữ chức xã đội trưởng rồi Chủ tịch Ủy ban hành chính xã, được bầu vào HĐND tỉnh Hà Tĩnh Khóa II. Đó cũng là chuỗi ngày cố âm thầm thực hiện mong ước ấp ủ của mình…

Năm 1989, sau khi hoàn thành nhiệm vụ với Nhà nước, cụ Phiếm nghỉ hưu và chuyển hẳn lên vùng rú Miếu - một triền núi thuộc dãy Hồng Lĩnh để cùng người dân Đậu Liêu xe cát, chuyển đá phục dựng chùa Đại Hùng - đặt nền móng đầu tiên cho sự phát triển của Khu di tích Đại Hùng (điểm duy nhất thờ cúng Thủy tổ Hùng vương và các vua Hùng tại khu vực Nghệ An - Hà Tĩnh, nay đã được tỉnh Hà Tĩnh nâng tầm lên Đại lễ Giỗ Tổ Hùng Vương quy mô cấp tỉnh vào dịp 10.3 hàng năm). Năm 2008, chùa Đại Hùng được công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Hàng năm cứ đến 10.3, chùa thu hút hàng ngàn tăng ni, phật tử và bà con Nhân dân khắp nơi về đây tụ hội, thắp nén tâm hương tưởng nhớ vua Hùng.

Người đại biểu của dân năm xưa ấy cũng đồng hành với Nhân dân, phật tử góp công phục dựng tu bổ tứ cổ tự trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh, ngoài Đại Hùng còn có chùa Thiên Tượng, Long Đàm và Cực Lạc.

Đại biểu không nhiệm kỳ

Cùng với khảo sát các hạng mục của các di tích, Đoàn chúng tôi có dịp được nghe cụ Phiếm chia sẻ về quãng thời gian làm đại biểu của dân. “Thành công của người đại biểu không chỉ có hứa và thực hiện lời hứa, quan trọng là biết truyền cảm hứng cho cử tri và Nhân dân làm theo mình và lan tỏa hành động đó ra cộng đồng. Muốn vậy, cái tâm của đại biểu phải sáng, tiếng lòng phải trong và quan trọng nhất là cái chân phải bước. Nói như cụ Hồ: “Đại biểu được cử tri bầu ra không phải để làm quan, không phải để ăn trên ngồi trốc mà là người đầy tớ thật trung thành với đồng bào”;  “phải thay mặt dân để bảo vệ lợi ích cho nhân dân” - cụ Phiếm trải lòng.

“Cố Phiếm dạy thế hệ chúng tôi làm cán bộ của dân phải biết lắng nghe, nghe bằng con tim và hành động trúng kịp thời” - bà Thái Thị Điểm, Phó Chủ tịch HĐND phường Đậu Liêu, thành viên đoàn chia sẻ. Có thể nhiệm kỳ này anh là đại biểu, nhiệm kỳ sau có thể thôi nhưng đó là về mặt pháp lý, thủ tục, còn về vinh dự của người đại biểu của dân thì anh mãi là đại biểu của Nhân dân. Cụ Phiếm là một đại biểu như vậy. Chúng tôi đọc được niềm hạnh phúc, mãn nguyện trong ánh mắt và nhiệt huyết của cụ với hành trình làm đại biểu của dân và cả hành trình chở đá, xúc cát cùng Nhân dân Đậu Liêu dọn núi phục dựng lại chùa Đại Hùng.

Gần 100 tuổi đời nhưng cụ Phiếm vẫn leo núi thoăn thoắt, minh mẫn đến lạ kỳ. Cụ chỉ cho chúng tôi cái giếng nhỏ có từ xa xưa trên khu vực chùa Cao - một hạng mục của khu di tích Đại Hùng. Cụ nói nước này không bao giờ cạn, cũng như nguồn cội, dòng giống Tiên Rồng của chúng ta vậy. Đại biểu biết lan tỏa truyền cảm hứng cũng là như vậy. Phải có nguồn cội, phải biết lịch sử quê hương và biết bảo tồn gìn giữ cho muôn đời sau thì mới lan tỏa được.

Cứ như vậy, từng bức tượng, gốc cây, hang đá đến các hạng mục có giá trị như quả chuông cao gần 1m, nặng khoảng 100kg, được chạm trổ tinh xảo và có khắc tên "Đại Hùng Tự Chung", được đúc vào năm thứ 7, niên hiệu Cảnh Thịnh (1793 - 1807) cũng được cụ Phiếm chỉ dẫn cho chúng tôi rất cụ thể. Mỗi một hạng mục đều có câu chuyện riêng, tạo thành những thanh âm lấp lánh từ xưa vọng về khiến chúng tôi không thể không lưu tâm và vương vấn.

Kết thúc buổi khảo sát, chúng tôi thấm đẫm từ lịch sử đến hiện tại, mỗi một hàng cây, ngọn cỏ, công trình di tích đều có thanh âm riêng của nó. Qua chỉ dẫn của cụ Phiếm, chúng tôi hiểu sâu sắc hơn những bài học về cách làm đại biểu của dân. Cuộc khảo sát thành công hơn mục tiêu kế hoạch đề ra, mỗi đại biểu dân cử như chúng tôi còn thấm thía những câu chuyện đằng sau mỗi di tích ấy, để rồi không ai bảo ai, dù sau này có còn là đại biểu dân cử nữa không nhưng tất cả đều chung một ý chí đó chính là truyền cảm hứng, lan tỏa tình yêu quê hương mình, giữ gìn và bảo vệ nền tảng tinh thần quý giá mà cha ông để lại. Đúng như tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII đã khẳng định: văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước.