Kỳ họp thứ Tám, HĐND tỉnh Hưng Yên Khóa XVII

Tạo nền tảng vững chắc để bứt phá

- Thứ Năm, 07/07/2022, 06:23 - Chia sẻ

Hòa chung không khí đất nước đang khởi sắc sau đại dịch Covid-19 là hình ảnh một Hưng Yên đang vươn mình mạnh mẽ. Theo ghi nhận tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ Tám, HĐND tỉnh Khóa XVII sáng qua, 6.7: Với tinh thần đổi mới, sáng tạo, xây dựng chiến lược phát triển bài bản, hợp lý, 6 tháng đầu năm, nhiều chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của Hưng Yên đã đạt và vượt kế hoạch đề ra. Đây là nền tảng vững chắc để Hưng Yên thực hiện khát vọng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thông minh trong tương lai không xa.

Điểm sáng trong cải cách hành chính

Ngay sau khi có Nghị quyết của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, Hưng Yên xác định đây là “thời điểm vàng” để triển khai các kịch bản phục hồi kinh tế đã được xây dựng từ trước đó. Hàng loạt giải pháp để tháo gỡ các “điểm nghẽn” được tập trung thực hiện. Vì vậy, chỉ trong thời gian ngắn, kinh tế - xã hội của tỉnh đã có nhiều khởi sắc. Như chia sẻ của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Quốc Toản tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ Tám, HĐND tỉnh Khóa XVII: 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh tăng 8,6%; thu ngân sách nhà nước đạt 25.730 tỷ đồng; thu hút được 38 dự án đầu tư mới, với số vốn đầu tư mới trên 18.000 tỷ đồng. Hiện, tỉnh đã ban hành quyết định công nhận thêm 23 xã đạt NTM nâng cao, 6 xã được quyết định công nhận NTM kiểu mẫu...

Kinh tế phát triển đã giúp đời sống của người dân được nâng cao; các phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao được tổ chức đa dạng với nhiều hình thức linh hoạt. Nhân dân trong toàn tỉnh ngày càng được thụ hưởng những dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Thời gian qua, Hưng Yên cũng ban hành nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ trong lĩnh vực giáo dục, trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội. Tích cực giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp cho người lao động; tạo điều kiện tối đa, lắng nghe và giải đáp những vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp. Qua đó, tạo sự an tâm, phấn khởi cho người dân và doanh nghiệp. Thu nhập bình quân đạt 87,5 triệu/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm còn 2,5%.

Có thể thấy, trong bối cảnh nguồn lực còn hạn hẹp, Hưng Yên đã cân nhắc kỹ lưỡng đầu tư vào những dự án mang tính thiết yếu, tiềm năng. Vừa qua, tỉnh đã điều chỉnh, bổ sung tăng kế hoạch vốn đầu tư để bố trí thực hiện những dự án lớn có trọng tâm, trọng điểm như: Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ kết nối di sản văn hóa, du lịch - phát triển kinh tế dọc sông Hồng; dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Tân Phúc - Võng Phan; dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Những dự án này hoàn thành sẽ góp phần thay đổi mạnh mẽ cơ sở hạ tầng, thúc đẩy thu hút đầu tư và tăng trưởng kinh tế đột phá trong thời gian tới.

Những con số biết nói trên một lần nữa khẳng định Hưng Yên là một tỉnh năng động, sáng tạo; thể hiện nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền địa phương với mục tiêu cuối cùng là phục vụ người dân, doanh nghiệp. Điều này còn được thể hiện qua chỉ số cải cách hành chính xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố; chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố. Đây là tiền đề quan trọng để Hưng Yên triển khai hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và cả nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Tạo nền tảng vững chắc để bứt phá
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn trò chuyện với các đại biểu bên lề Kỳ họp

Đẩy mạnh chuyển đổi số

Dự và phát biểu chỉ đạo tại Kỳ họp thứ Tám, HĐND tỉnh Khóa XVII, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Năm 2022 và những năm tiếp theo được dự báo còn nhiều khó khăn và thách thức. Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, Hưng Yên cần nắm bắt đầy đủ, toàn diện, sâu sắc những tác động khó khăn của doanh nghiệp, người dân và từng địa phương, từ đó, kịp thời có giải pháp tháo gỡ. Đồng thời, tập trung cao độ phát triển sản xuất, kinh doanh và chủ động phòng chống dịch. Tăng cường giải ngân vốn đầu tư công; quản lý thu ngân sách nhà nước, bảo đảm thu đúng, thu đủ; kiên quyết cắt giảm kế hoạch vốn của các dự án không có khả năng giải ngân để điều chuyển cho các dự án có tỷ lệ giải ngân cao; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, tập trung chi đầu tư cho phát triển.

Nhấn mạnh đến việc phát huy lợi thế về vị trí địa lý, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, Hưng Yên cần tích cực chủ động trọng công tác bồi thường, tái định cư, thu hồi đất; bảo đảm thi công công trình chất lượng, đúng tiến độ. Mặt khác, tiếp tục nêu cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ từ sớm, từ xa; xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Đề xuất các giải pháp thực hiện thắng lợi các nhiệm đặt ra, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Ngọc Quỳnh cho biết: Hưng Yên sẽ quyết liệt chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Trong đó, xác định rõ những công trình, dự án còn vướng mắc về thủ tục đầu tư và giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành các dự án, nhất là các dự án lớn trọng điểm. Đồng thời, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, thực hiện tốt các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng sau đại dịch Covid-19; đẩy mạnh việc thu hút đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng các khu, cụm công nghiệp của tỉnh.

Mặt khác, Hưng Yên sẽ chủ động xây dựng các kế hoạch về công tác cải cách hành chính năm 2023; tập trung hoàn thành phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050; tăng cường các hoạt động y tế dự phòng. Bên cạnh đó, tăng cường thu ngân sách đối với những sắc thu chưa bảo đảm tiến độ theo kế hoạch dự toán; tiếp tục thực hiện dự toán chi ngân sách theo kế hoạch dự toán và tiết kiệm chi ngân sách theo các hướng dẫn tại các văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương trong quá trình điều hành ngân sách.

“Hưng Yên sẽ đẩy nhanh chương trình chuyển đổi số để người dân, doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận và tham gia hiệu quả vào quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đổi mới quy trình và công nghệ sản xuất; từng bước chuyển khu vực kinh tế dịch vụ đơn thuần sang số hóa như: Thương mại điện tử, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, thúc đẩy phát triển các nền tảng trực tuyến trong lĩnh vực giáo dục và y tế…” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Ngọc Quỳnh chia sẻ.         

TRỌNG HIẾU