Tài sản công là nhà, đất chưa được quản lý, sử dụng hiệu quả

- Thứ Tư, 29/06/2022, 06:33 - Chia sẻ

Tại buổi làm việc với UBND thành phố Hà Nội về việc thực hiện các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn, Đoàn giám sát của HĐND thành phố yêu cầu các sở, ngành, đơn vị qua kiểm tra, rà soát, nếu phát hiện sai phạm trong quản lý tài sản công, nhất là những sai phạm nghiêm trọng cần chuyển cơ quan điều tra để xử lý hình sự.

Vẫn để xảy ra tình trạng nợ tiền thuê đất

Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hồ Vân Nga đánh giá công tác quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất luôn được thành phố Hà Nội xác định là một trong những lĩnh vực quan trọng, phức tạp, có nhiều khó khăn, được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố thường xuyên quan tâm chỉ đạo và cử tri đặc biệt quan tâm. "Việc HĐND thành phố giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước của thành phố nhằm đánh giá chính xác, khách quan, đúng thực tế tình hình và kết quả thực hiện các quy định của pháp luật, văn bản chỉ đạo của Trung ương và thành phố về quản lý, sử dụng tài sản công", Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách nêu rõ.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc HĐND thành phố lựa chọn vấn đề này để giám sát là rất trúng bởi UBND thành phố cũng xác định trong quá trình quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước của thành phố dù có nhiều kết quả tích cực, song cũng còn hạn chế, chưa đạt theo kế hoạch đề ra.

Theo tổng hợp của Đoàn giám sát, qua nghiên cứu tài liệu, báo cáo của 8 sở, ngành; 30 quận, huyện, thị xã; 25 doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức xã hội và tổ chức giám sát trực tiếp tại 6 cơ quan và đơn vị cho thấy, thời gian qua, UBND thành phố đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 10.711 cơ sở nhà, đất với tổng diện tích đất 43.791.407m2, diện tích nhà 9.919.172m2 thuộc phạm vi quản lý của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc. Bên cạnh đó, thành phố đã xử lý 653 cơ sở, với 5.821.542m2 đất và 359.503m2 nhà là các cơ sở nhà, đất dôi dư, sử dụng không đúng quy định để xử lý. Đáng chú ý, công tác quản lý, bố trí, bán căn hộ tái định cư đã đáp ứng được nhu cầu tái định cư phục vụ các dự án phát triển đô thị; công tác quản lý, vận hành nhà chung cư phần nào đã đáp ứng được nhu cầu của các hộ dân tái định cư. Ngoài ra, thành phố đã quan tâm, bước đầu bảo đảm ổn định nơi ở cho công nhân, sinh viên, hộ thu nhập thấp và hộ tái định cư.

Bên cạnh những kết quả đạt được, qua giám sát trực tiếp tại nhiều đơn vị, Đoàn giám sát cho rằng, việc quản lý, sử dụng quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước của thành phố còn nhiều tồn tại, hạn chế, vi phạm trong thời gian dài, chưa được xử lý dứt điểm; công tác tham mưu, ban hành cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công còn chậm. Đồng thời, thành phố vẫn chưa có cơ chế, chính sách khai thác hiệu quả một số tài sản công là nhà, đất tại các cơ quan nhà nước khi chưa sử dụng hết công suất. "Đặc biệt, công tác quản lý để xảy ra nhiều sai phạm trong thời gian dài chưa được xem xét, giải quyết triệt để; vẫn còn nợ đọng tiền cho thuê đất...", Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách nhấn mạnh.

HĐND thành phố Hà Nội đánh giá công tác quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn còn nhiều tồn tại, hạn chế
HĐND thành phố Hà Nội đánh giá công tác quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn còn nhiều tồn tại, hạn chế

Chuyển cơ quan điều tra nếu phát hiện sai phạm

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà nhấn mạnh, tài sản công là nhà, đất có giá trị rất lớn, lĩnh vực này có phạm vi quản lý rộng, hình thành qua nhiều thời kỳ, nhiều năm, nhiều chính sách ban hành. Vì vậy, HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố chỉ đạo, ban hành chính sách, quy định quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất bảo đảm hiệu quả, khắc phục tình trạng quản lý thiếu chặt chẽ, gây thất thu cho Nhà nước và khai thác chưa hiệu quả giá trị khối tài sản công này.

Bên cạnh đó, UBND thành phố cần rà soát, đánh giá lại mô hình hoạt động của Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và phát triển nhà Hà Nội; tăng cường kỷ cương, huy động sự tham gia phối hợp trong công tác quản lý của chính quyền cấp quận, phường. Cùng với đó, kịp thời xem xét, chỉ đạo giải quyết những vấn đề phát hiện qua các cuộc kiểm tra, rà soát do các sở, ngành, đơn vị báo cáo, đề xuất; cần thiết phải chuyển cơ quan điều tra nếu có sai phạm cần xử lý hình sự.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà cũng đề nghị UBND thành phố chỉ đạo, giao trách nhiệm cho sở, ngành cụ thể về xây dựng đơn giá thuê nhà; tiếp tục chỉ đạo Sở Nội vụ và UBND các quận, huyện, thị xem xét, quyết định theo thẩm quyền hoặc tham mưu UBND thành phố rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân lực của cơ quan quản lý tài sản công cùng cấp để đáp ứng nhu cầu nhân lực làm công tác chuyên môn trong lĩnh vực này cả về số lượng, chất lượng, nhằm thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các quy định về quản lý, sử dụng tài sản công.

"UBND thành phố cần đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trong quản lý, sử dụng nhà, đất theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các quy định liên quan. Trước mắt, UBND thành phố tập trung cập nhật đầy đủ, chính xác hồ sơ, tài liệu về nhà, đất vào Cơ sở dữ liệu về tài sản công của thành phố; đồng thời, xây dựng phần mềm khai thác hiệu quả dữ liệu này phục vụ công tác quản lý của thành phố", Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố nhấn mạnh.

Đoàn giám sát cũng yêu cầu UBND thành phố cần chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác tổng hợp, quản lý, sử dụng quỹ nhà 30%, quỹ đất 20 - 25% của các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị được bàn giao lại cho thành phố. “UBND thành phố sớm giao cho các sở, ngành rà soát nợ đọng để có giải pháp thu hồi. Trong đó, phân loại, có lộ trình, chế tài mạnh mẽ để xử lý, thu hồi”, bà Phùng Thị Hồng Hà yêu cầu. 

Phi Long