Phân công thành viên Ban thẩm tra chuyên sâu

- Thứ Tư, 05/10/2022, 04:26 - Chia sẻ

Nâng cao chất lượng thẩm tra các dự thảo, nghị quyết, báo cáo trình kỳ họp HĐND, theo Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Lai Châu, Ban HĐND cần chủ động thời gian xây dựng kế hoạch, xác định các vấn đề trọng tâm cần thẩm tra; phân công thành viên Ban thẩm tra chuyên sâu dự thảo nghị quyết, báo cáo phù hợp với chuyên môn, lĩnh vực công tác, thu thập thông tin cần thiết. Sau khi nhận được báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết, các Ban tiếp tục thu thập thêm thông tin cần thiết; nếu cần có thể lấy ý kiến chuyên gia, những người có kinh nghiệm chuyên sâu về lĩnh vực thẩm tra.

Phân công thành viên Ban thẩm tra chuyên sâu -0
Ban Kinh tế - Ngân sách chủ trì phối hợp với các Ban của HĐND tỉnh Lai Châu tổ chức họp thẩm tra các dự thảo nghị quyết trình tại Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh. Ảnh: Hoàng Hà

Xác định vai trò, tầm quan trọng của công tác thẩm tra, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Lai Châu đã chủ động xây dựng chương trình công tác, lãnh đạo Ban theo phân công nhiệm vụ chủ động tham dự các cuộc họp của Ban Chấp hành, UBND tỉnh để nắm bắt các tờ trình dự thảo nghị quyết ngay từ khâu dự thảo. Chất lượng báo cáo thẩm tra được nâng lên, được UBND tỉnh và các ngành ghi nhận, tiếp thu.

Khó phản biện sâu

Bên cạnh kết quả đạt được, theo Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa có quy định đầy đủ về hoạt động thẩm tra, nhất là thẩm tra báo cáo. Thẩm tra báo cáo cũng là một hoạt động giám sát của Ban HĐND tỉnh theo quy định pháp luật, tuy nhiên những kiến nghị, đề xuất qua thẩm tra báo cáo mới chỉ dừng lại ở việc báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp nên hiệu quả chưa cao.

Bên cạnh đó, lĩnh vực thẩm tra của Ban rộng, chiếm 2/3 số tờ trình, dự thảo nghị quyết thuộc lĩnh vực Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh tham mưu, nhiều nội dung mới, khó, hầu hết các thông tin thường mang tính chuyên môn sâu, đòi hỏi phải am hiểu lĩnh vực này mới thẩm tra chặt chẽ. Như tại Kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh Lai Châu, Ban được Thường trực HĐND tỉnh giao thẩm tra “dự thảo Thông qua đồ án Quy hoạch phân khu quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng Vườn Địa Đàng xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu”. Đây là nội dung mới, rộng, do đó báo cáo thẩm tra mới chỉ bám vào các yêu cầu nội dung theo các văn bản Luật quy định, chưa có điều kiện đi sâu phân tích, đánh giá sự phù hợp với thực tế của huyện, tỉnh.

Tài liệu về lĩnh vực kinh tế, ngân sách, UBND tỉnh gửi đến Thường trực HĐND nhiều kỳ chậm hơn các tài liệu của lĩnh vực khác với nhiều lý do nên việc nắm bắt thông tin, tổ chức khảo sát, TXCT chuyên đề không có thời gian thực hiện. Đây là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng chất lượng thẩm tra, do các thành viên Ban thiếu thông tin liên quan đến nội dung thẩm tra, nên rất khó phản biện. Điều này dẫn đến tình trạng báo cáo thẩm tra chỉ có thể đưa ra những đánh giá chung chung, thiếu lập luận sắc sảo và tính phản biện.

Thành viên Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Lai Châu nhiệm kỳ 2021 - 2026 tuy đã được tăng cường về số lượng, xong tỷ lệ đại biểu chuyên trách còn ít (chiếm 18%) so với số lượng thành viên Ban; đa số thành viên Ban hoạt động kiêm nhiệm, lại chưa được tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ thẩm tra nên việc nghiên cứu nội dung thẩm tra còn hạn chế.

Phải thể hiện rõ chính kiến

Từ thực tế trên, để nâng cao chất lượng thẩm tra các dự thảo, nghị quyết, báo cáo trình kỳ họp của HĐND, theo Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Lai Châu, trước hết Ban cần chủ động thời gian xây dựng kế hoạch, xác định các vấn đề trọng tâm cần thẩm tra; phân công thành viên Ban thẩm tra chuyên sâu dự thảo nghị quyết, báo cáo phù hợp với chuyên môn, lĩnh vực công tác, thu thập các thông tin cần thiết. Sau khi nhận được báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết, các Ban cần tiếp tục thu thập thêm các thông tin cần thiết như: yêu cầu cơ quan soạn thảo phải cung cấp những tài liệu, báo cáo về các nội dung cần làm rõ; tổ chức các đoàn khảo sát để nắm tình hình tại địa phương, đơn vị về những nội dung liên quan đến báo cáo, đề án và dự thảo nghị quyết… trường hợp cần thiết, có thể tiến hành lấy ý kiến các chuyên gia, những người có kinh nghiệm chuyên sâu về lĩnh vực đang tiến hành thẩm tra.

Bên cạnh đó, cần nâng cao trách nhiệm của thành viên Ban trong công tác thẩm tra ngay từ khâu chuẩn bị; yêu cầu thành viên Ban nghiên cứu và có ý kiến vào dự thảo nghị quyết, báo cáo và gửi lại Văn phòng HĐND tỉnh để tổng hợp trước cuộc họp thẩm tra để lãnh đạo Ban có thể hội ý, định hướng cuộc họp thẩm tra. 

Yêu cầu đặt ra là thẩm tra của các Ban HĐND phải thể hiện rõ được chính kiến về các vấn đề như cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, những tác động, hiệu quả đến nền kinh tế; sự phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; tính khả thi, dư luận xã hội… những vấn đề Ban nhất trí, không nhất trí hay còn nhiều ý kiến khác nhau; kết luận của việc thẩm tra phải cụ thể, rõ ràng về những vấn đề trọng tâm, có đề xuất phương hướng, biện pháp giải quyết để nghị quyết khi ban hành đạt chất lượng cao. Đối với các dự thảo nghị quyết nội dung chuẩn bị chưa bảo đảm yêu cầu, chưa phù hợp với tình hình của địa phương, các Ban phải có ý kiến phản biện kiên quyết, kiến nghị với HĐND không thông qua để bảo đảm chất lượng và tính khả thi.

LÊ HOÀNG