Thảo luận Tổ trước Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Bình Phước Khóa X

Cần giải pháp căn cơ đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

- Thứ Năm, 07/07/2022, 06:54 - Chia sẻ

Tại phiên họp tổ trước Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Bình Phước Khóa X, các đại biểu HĐND tỉnh đã đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, nhất là đối với Báo cáo của UBND tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Trong đó, có các vấn đề nổi bật như: Khắc phục bất cập trong đầu tư, quản lý, sử dụng, duy tu, bảo trì, nâng cấp các công trình thủy lợi, công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn; tình trạng giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm đạt thấp…

Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn không hoạt động

Theo đó, đa số các đại biểu HĐND tỉnh cho rằng: Công tác quản lý nhà nước, bảo đảm vệ an toàn đối với các công trình hồ, đập thủy lợi trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, việc cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa thủy lợi chưa được thực hiện theo quy định, hầu hết các hồ, đập chưa được cắm mốc, lập hồ sơ giao đất các công trình thủy lợi. Hiệu quả sử dụng một số công trình cấp nước sinh hoạt tập trung chưa cao, nhiều công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn do cấp xã quản lý không hoạt động, máy móc hư hỏng và tạm dừng hoạt động trong thời gian dài. Bên cạnh đó, nguồn vốn duy tu, sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi chưa được bố trí kinh phí kịp thời theo Quyết định số 2433/QĐ-UBND ngày 18.11.2019 của UBND tỉnh về việc ban hành định mức chi phí bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Đề nghị UBND tỉnh có biện pháp khắc phục.

Trước thực tế chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh hiện chưa được giải ngân, các đại biểu đề nghị UBND tỉnh đánh giá, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm chậm trễ phân bổ vốn; đồng thời, chỉ đạo thực hiện các biện pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Đối với lĩnh vực nội chính, thực thi pháp luật, đa số các đại biểu HĐND tỉnh cho rằng tình hình an ninh trật tự, tội phạm về ma túy vẫn diễn biến phức tạp; đặc biệt, còn 237 trường hợp người nghiện có quyết định cai nghiện tập trung của tòa án nhân dân đang ở ngoài xã hội, dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh. Các đại biểu đề nghị giải trình rõ số trường hợp người nghiện đã có quyết định của tòa án đang ở ngoài xã hội, trong khi cơ sở cai nghiện ma túy đã được sửa chữa, nâng cấp; giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Công tác đầu tư, quản lý các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn là một nội dung được đề nghị đưa ra chất vất tại Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Bình Phước sắp tới -ẢNH THANH MẢNG
Công tác đầu tư, quản lý các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn được chất vất tại Kỳ họp thứ 6
 Ảnh: Thanh mảng

Hầu hết các nguồn vốn giải ngân đạt kết quả rất thấp

Thảo luận tổ về nội dung chất vấn, các đại biểu đề nghị chất vấn Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về thực trạng công tác đầu tư, quản lý, sử dụng, duy tu, bảo trì, nâng cấp các công trình thủy lợi, công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua; chất vấn Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư về nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm đạt thấp, chưa tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh.

Một nội dung được thảo luận sôi nổi tại Tổ đại biểu đơn vị thị xã Phước Long, huyện Bù Đốp và huyện Bù Gia Mập là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp so với chỉ tiêu của Chính phủ, kế hoạch năm của tỉnh và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 là 13,1%. Trong đó, hầu hết các nguồn vốn giải ngân 5 tháng đạt kết quả rất thấp, như: Ngân sách trung ương đạt 5,9% kế hoạch; vốn ngân sách địa phương đạt 21,6% kế hoạch; giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt 9,2%; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đạt 0%. Nguồn vốn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng vốn đầu tư là từ nguồn tiền sử dụng đất có tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 20,2% kế hoạch. Nhiều công trình, dự án mới có vốn đầu tư trong năm chưa thực hiện khởi công (tính đến ngày 31.5.2022 còn 47/56 dự án khởi công mới chưa thực hiện khởi công). Các đại biểu đề nghị giải trình, phân tích nguyên nhân và giải pháp để thực hiện những tháng cuối năm 2022

Cũng quan tâm đến nội dung này, các đại biểu trong Tổ đại biểu đơn vị huyện Phú Riềng và huyện Bù Đăng cho rằng: Vướng mắc trong giải phóng mặt bằng; thủ tục hành chính; giá vật liệu xây dựng và một số loại vật tư khác biến động tăng đột biến gây khó khăn cho các nhà thầu là những nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công không đạt. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm đạt thấp so với chỉ tiêu Chính phủ, kế hoạch năm của tỉnh và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 là 13,1%. Đề nghị UBND tỉnh có các giải pháp căn cơ khắc phục vấn đề trên, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Quan tâm dến lĩnh vực đất đat, các đại biểu Tổ đại biểu đơn vị huyện Phú Riềng và huyện Bù Đăng đề nghị UBND tỉnh có các giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về đất đai sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất thổ cư, đặc biệt khu vực nông thôn nhằm hạn chế việc chia tách, phân lô, phân nền. Có hướng tháo gỡ việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho diện tích đất sau quy hoạch 3 loại rừng giao về địa phương quản lý còn vướng mắc đối với một số nội dung như sang nhượng sau ngày 1.1.2008.

LÊ PHƯỚC