Bảo đảm giải trình những vấn đề chưa rõ ràng, thống nhất

- Chủ Nhật, 03/07/2022, 06:49 - Chia sẻ

Theo Thường trực HĐND tỉnh Phú Yên, để nâng cao chất lượng báo cáo thẩm tra, tránh tình trạng đưa ra những đánh giá chung chung, thiếu lập luận và tính phản biện, các ban của HĐND tỉnh cần thu thập thêm thông tin cần thiết. Trong các cuộc thẩm tra, nhất thiết phải có sự tham gia của lãnh đạo UBND tỉnh và cơ quan chủ trì soạn thảo, bảo đảm việc thuyết minh, giải trình những vấn đề chưa rõ ràng, thống nhất về tính phù hợp, khả thi trong báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp.

Đối chiếu, so sánh để đánh giá khách quan

Quá trình thẩm tra, các ban của HĐND tỉnh Phú Yên xem xét, đối chiếu tính chính xác, phù hợp của các vấn đề trong các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết của UBND tỉnh và các ngành trình ra kỳ họp; so sánh kết quả đạt được với cùng kỳ năm trước để nhìn nhận, đánh giá khách quan kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ. Đây là nội dung quan trọng để HĐND tỉnh nghiên cứu, cân nhắc xây dựng các chỉ tiêu đưa vào nghị quyết hàng năm, nhất là các chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng GRDP, tổng vốn đầu tư toàn xã hội, thu ngân sách trên địa bàn, các chỉ tiêu về lao động, đào tạo nghề, tỷ lệ hộ nghèo… Đồng thời, đối chiếu kết quả thực hiện nghị quyết của năm hiện hành để kiểm chứng việc tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh. Đối với những đề án chuẩn bị chưa kỹ, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chuẩn bị lại mới được trình tại kỳ họp.

Với sự chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc, cách làm linh hoạt, qua các kỳ họp, chất lượng báo cáo thẩm tra của các ban HĐND tỉnh Phú Yên từng bước được nâng lên, mang tính phản biện cao. Đây là kênh thông tin quan trọng giúp Thường trực HĐND tỉnh, các đại biểu HĐND tỉnh có thêm thông tin, xem xét về tính hợp pháp và khả thi của các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết, cung cấp nhiều thông tin quan trọng, góp phần giúp cho đại biểu có cơ sở để thảo luận, quyết định tại kỳ họp; là cơ sở để chủ tọa định hướng đại biểu tham gia thảo luận và quyết định tại kỳ họp.

Thường trực HĐND tỉnh Phú Yên cho ý kiến một số nội dung do Thường trực HĐND tỉnh chuẩn bị trình tại kỳ họp thường lệ giữa năm 2022 - ẢNH PHẠM THÙY
Thường trực HĐND tỉnh Phú Yên cho ý kiến một số nội dung do Thường trực HĐND tỉnh chuẩn bị trình tại kỳ họp thường lệ giữa năm 2022
Ảnh: Phạm Thùy

Thu thập thêm thông tin cần thiết

Mặc dù có nhiều cố gắng nhưng trên thực tế, việc UBND tỉnh, các ngành gửi tài liệu, một số báo cáo, đề án, tờ trình dự thảo nghị quyết chưa đầy đủ và ngay sát ngày họp thẩm tra đã ảnh hưởng nhiều đến việc nghiên cứu, tiếp cận nội dung thẩm tra. Bên cạnh đó, đa số thành viên các ban của HĐND hoạt động kiêm nhiệm, có năng lực chuyên môn trong lĩnh vực chuyên ngành nhất định, trong khi đó chức năng, nhiệm vụ của ban nhiều lĩnh vực, nên việc tham gia hoạt động thẩm tra của ban có lúc còn hạn chế. Theo quy định, khi thẩm tra báo cáo, các ban của HĐND có thể chủ động tranh thủ sự đóng góp ý kiến của các nhà khoa học, các nhà chuyên môn, chuyên gia phản biện, nhất là đối với các báo cáo, đề án chuyên ngành, nhưng trên thực tế việc này vẫn chưa thực hiện được.

Vì vậy, để nâng cao chất lượng các báo cáo thẩm tra, theo Thường trực HĐND tỉnh Phú Yên, các cơ quan được phân công chủ trì soạn thảo các đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết cần tuân thủ chặt chẽ các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ban hành văn bản QPPL và các văn bản liên quan. Cần chủ động mời lãnh đạo các ban, Văn phòng HĐND tỉnh tham gia các cuộc họp bàn về nội dung dự thảo ngay từ đầu. Sau đó, tổ chức lấy ý kiến góp ý bằng văn bản của các ngành, các cấp, tổng hợp trước khi hoàn chỉnh dự thảo trình UBND tỉnh xem xét, cho ý kiến nhằm bảo đảm sự thống nhất, thông suốt.

Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng thẩm tra những năm gần đây do các thành viên của ban HĐND thiếu thông tin liên quan đến nội dung thẩm tra nên rất khó nêu vấn đề, phản biện. Do đó, để nâng cao chất lượng, hiệu quả của báo cáo thẩm tra, tránh tình trạng đưa ra những đánh giá chung chung, thiếu lập luận và tính phản biện, Thường trực HĐND tỉnh Phú Yên nhấn mạnh việc các ban của HĐND tỉnh cần thu thập thêm thông tin cần thiết, như: Yêu cầu cơ quan soạn thảo cung cấp những tài liệu, báo cáo về các nội dung cần làm rõ; tổ chức khảo sát thực tế, lắng nghe ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động, chủ động tổ chức các buổi làm việc với một số cơ quan chuyên môn để nắm thông tin phục vụ công tác thẩm tra.

Thời gian gần đây, việc gửi văn bản chính thức phục vụ cho kỳ họp thường trễ, do vậy, các ban HĐND cần chủ động xây dựng dự thảo báo cáo thẩm tra, không phụ thuộc vào thời gian gửi văn bản chính thức của UBND tỉnh. Trong các cuộc thẩm tra, nhất thiết phải có sự tham gia của lãnh đạo UBND tỉnh và lãnh đạo cơ quan chủ trì soạn thảo, bảo đảm việc thuyết minh, giải trình những vấn đề chưa rõ ràng, chưa thống nhất về tính phù hợp, khả thi trong báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp. Đối với các đề án, dự thảo nghị quyết nội dung chuẩn bị chưa bảo đảm yêu cầu, chưa phù hợp với tình hình của địa phương, các ban phải có ý kiến phản biện kiên quyết, kiến nghị với HĐND tỉnh không thông qua để bảo đảm chất lượng và tính khả thi.

Cũng theo Thường trực HĐND tỉnh Phú Yên, cần tổ chức cho đại biểu HĐND, thành viên các ban của HĐND tập huấn kỹ năng về hoạt động đại biểu, trong đó có kỹ năng giám sát, thẩm tra; đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ, công chức Văn phòng HĐND để thực hiện tốt chức năng tham mưu, phục vụ. Đồng thời, cần cơ chế, chính sách thu hút những người có phẩm chất tốt, trình độ, năng lực, có kinh nghiệm thực tiễn, tâm huyết với hoạt động của cơ quan dân cử về công tác tại Văn phòng.

TUY AN