Thảo luận tại Kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh Cao Bằng Khóa XVI

Quan tâm đầu tư các dự án giao thông nông thôn

- Thứ Bảy, 19/12/2020, 06:37 - Chia sẻ
Ghi nhận nỗ lực của UBND tỉnh và các sở, ngành trong thực hiện nhiệm vụ với hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020 đều đạt và vượt kế hoạch. Thảo luận tại kỳ họp, các đại biểu đã đề nghị UBND tỉnh có giải pháp quyết liệt đối với tình trạng giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp; tiếp tục quan tâm thực hiện tốt hơn nữa chế độ cử tuyển; quan tâm đầu tư các dự án giao thông nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho đi lại, giao thương và đẩy mạnh phát triển sản xuất…

Quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Đánh giá cao việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020 đạt được do công tác chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh, vai trò tham mưu của các sở, ban, ngành đã chủ động hơn, việc giải quyết những vấn đề bức thiết của Nhân dân kịp thời, trách nhiệm hơn của cán bộ công chức, nhất là người đứng đầu các cơ quan đơn vị. Tuy nhiên, theo đại biểu Công Văn Hưu (huyện Bảo Lâm), tỉnh còn nghèo, gặp nhiều khó khăn do nguồn ngân sách eo hẹp, vốn đầu tư cho các công trình hạ tầng còn thấp. Việc tập trung nguồn lực cho các xã thực hiện xây dựng nông thôn mới còn thiếu... Đại biểu cho rằng, UBND tỉnh cần có giải pháp quyết liệt đối với tình trạng giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, cần kiểm điểm làm rõ trách nhiệm các đơn vị liên quan.

Ảnh: Khánh Duy

Góp ý vào dự thảo Nghị quyết ban hành quy định chính sách hỗ trợ phát triển nông lâm nghiệp trên địa bàn, đại biểu Lương Tuấn Hùng (TP Cao Bằng) đề nghị bổ sung giải pháp nâng cao năng lực phát triển trồng trọt, hỗ trợ giống, phân bón cây trồng, hỗ trợ ghép mắt và cải tạo vườn tạp cho các hộ tham gia. Đại biểu Vũ Quang Luyện (huyện Hoà An) thì kiến nghị xem xét hỗ trợ đúng đối tượng; bảo đảm chất lượng giống, vì vậy cần xem xét lại quy định trong dự thảo về yêu cầu với đơn vị cung cấp giống để phù hợp hơn với thực tế.

Giải trình về những ý kiến, góp ý của đại biểu về giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đình Quang cho biết: Năm 2020, UBND tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách để đẩy mạnh việc giải ngân vốn đầu tư công. Đặc biệt là những vấn đề liên quan đến vốn ODA, công tác giải phóng mặt bằng triển khai các dự án. Dẫn con số đến ngày 30.11, tỉnh đã giải ngân được 70,21% kế hoạch vốn đặt ra, tăng cả về giá trị các dự án lẫn tỷ lệ giải ngân vốn so với năm 2019, tuy nhiên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thẳng thắn thừa nhận, việc giải ngân vốn đạt tỷ lệ 100% rất khó khăn.

Để bảo đảm việc giải ngân vốn đầu tư công theo các mốc thời gian, lãnh đạo Sở đề nghị các ngành, chủ đầu tư khẩn trương rà soát đôn đốc, giám sát các đơn vị thi công để nghiệm thu, thanh toán vốn; rà soát điều chỉnh, hoặc đề xuất điều chỉnh thu hồi vốn để tránh tình trạng hủy dự toán, mất vốn như một số dự án một số năm trước đã xảy ra. Đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh xem xét kết quả giải ngân vốn đầu tư công của các đơn vị đã được cam kết làm tiêu chí đánh giá việc hoàn thành trách nhiệm của cán bộ, công chức, nhất là của người đứng đầu.

Có cơ chế đặc thù cho đồng bào dân tộc thiểu số

Đối với việc hỗ trợ học sinh các dân tộc thiểu số trên địa bàn, đại biểu Vũ Khắc Quang (huyện Hạ Lang) cho biết: Tỷ lệ học sinh dân tộc Mông, Dao học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú còn ít so với tỷ lệ học sinh dân tộc Tày, Nùng. Vì vậy, tỉnh cần quan tâm nhiều hơn đến học sinh dân tộc Mông, Dao được học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, tạo điều kiện cho con em dân tộc có điều kiện học tập tốt hơn. Liên quan đến vấn đề cử tuyển, theo đại biểu huyện Hạ Lang, thời gian qua, tỉnh đã thực hiện tốt chế độ cử tuyển và có chính sách xét tuyển đối với con em người dân tộc thiểu số, mang lại hiệu quả lớn trong công tác tuyên truyền, vận động bà con dân tộc thiểu số. Vì vậy, đại biểu đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm thực hiện tốt hơn nữa chế độ cử tuyển trên địa bàn.  

Cũng liên quan đến vấn đề dân tộc, đại biểu Hoàng Văn Đội (huyện Trùng Khánh) nhấn mạnh: Công tác dân tộc có tính đặc thù, đa ngành và đa lĩnh vực do nhiều cơ quan quản lý, các chương trình chính sách triển khai thực hiện đa số tại các địa bàn khó khăn. Cùng với đó, các vùng đồng bào dân tộc thiểu số ít lợi thế tiềm năng, chưa thu hút được các nguồn vốn đầu tư cho xã hội. Vì vậy, đại biểu đề nghị tỉnh quan tâm đầu tư các dự án giao thông nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho đi lại, giao thương và đẩy mạnh phát triển sản xuất cho bà con.

Đối với phát triển du lịch, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Hà Ngọc Giáp nhận định: Việc quảng bá du lịch đã được chú trọng nhưng hệ thống cơ sở vật chất, dịch vụ chưa đáp ứng nhu cầu của du khách, khả năng thu hút kêu gọi đầu tư vào du lịch còn thấp. Công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao còn hạn chế, nguồn kinh phí hoạt động chủ yếu từ ngân sách của địa phương. Đại biểu cho rằng, tỉnh cần tăng cường quy hoạch và xây dựng các đề án phát triển du lịch. Làm tốt công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, quản lý khai thác tốt các thiết chế văn hóa cơ sở một cách hiệu quả.

Khánh Duy