CHẤT VẤN TẠI KỲ HỌP THỨ 11, HĐND TỈNH KON TUM KHÓA XI

"Nóng" quy hoạch và bảo vệ rừng

- Thứ Hai, 21/12/2020, 06:04 - Chia sẻ
Những vấn đề đông đảo cử tri và dư luận trong tỉnh đang quan tâm như: Vi phạm lâm luật; xả lũ của thủy điện; quy hoạch “treo”; hoạt động kinh doanh dịch vụ bất động sản đã được các đại biểu lựa chọn để chất vấn. Đặc biệt là câu chuyện quy hoạch đã được đại biểu chất vấn liên tục qua nhiều kỳ họp HĐND tỉnh, vì nó liên quan đến lợi ích thiết thực và cuộc sống của Nhân dân vùng quy hoạch.

Làm tốt công tác cán bộ trong quản lý, bảo vệ rừng

Mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu Dương Thị Thu Thủy (Tổ đại biểu huyện Đăk Tô) đặt vấn đề: “có hay không việc buông lỏng quản lý, tiếp tay các vụ phá rừng xảy ra nhiều và trở thành điểm nóng”. Vì theo báo cáo của UBND tỉnh, từ đầu năm đến nay đã phát hiện 324 vụ, khối lượng vi phạm 1.105,48m3 gỗ, diện tích rừng bị thiệt hại 43,712ha…

Đại biểu chất vấn tại kỳ họp
Ảnh: H. Hiển

Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Nguyễn Tấn Liêm cho biết, đã thực hiện các giải pháp trọng tâm như: Rà soát, sắp xếp và xử lý các xưởng chế biến gỗ, mộc dân dụng, các xe độ chế tham gia vận chuyển lâm sản trái phép; thành lập Tổ công tác liên ngành quản lý, bảo vệ rừng cấp tỉnh, huyện, xã; bố trí trạm chốt quản lý bảo vệ rừng; triển khai chính sách hỗ trợ sinh kế cho người dân... và xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân liên quan, các đối tượng vi phạm. Điển hình như vụ khai thác rừng trái pháp luật tại lâm phần Công ty Lâm nghiệp Đăk Tô quản lý thuộc địa bàn xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô đã đưa ra xét xử lưu động. Trong năm 2020, đã xử lý kỷ luật 29 trường hợp, trong đó có 18 trường hợp khiển trách, 6 trường hợp cảnh cáo, 1 trường hợp cách chức, 4 trường hợp buộc thôi việc; chưa có vụ việc nào phát hiện có hành vi tiếp tay, bao che vi phạm trong quản lý, bảo vệ rừng.

Giám đốc Sở NN-PTNT khẳng định trong công tác xử lý vi phạm “không có vùng cấm”. Tuy nhiên, Giám đốc Sở cũng thẳng thắn thừa nhận dù đã nỗ lực, nhưng thực tế công tác quản lý, bảo vệ rừng vẫn còn những hạn chế. Từ đó, đề ra các giải pháp cụ thể, rõ ràng để làm tốt hơn nữa công tác này trong thời gian tới.

Đại biểu Dương Thị Thu Thủy đề nghị cần có biện pháp phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi tiếp tay, bao che nạn phá rừng; nếu phát hiện cán bộ, công chức có các hành vi này phải xử lý thật nghiêm và điều chuyển khỏi địa bàn... Tiếp vấn, đại biểu Võ Thanh Chín (Tổ đại biểu huyện Ia H’Drai) và đại biểu Lê Minh Chính (Tổ đại biểu huyện Sa Thầy) cùng cho rằng, ngành nông nghiệp cần đẩy nhanh hơn nữa việc giao rừng cho người dân bảo vệ và phải kiên quyết xử lý dứt điểm các “điểm nóng”. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Hòa cho rằng, phải tăng cường trách nhiệm, làm tốt công tác cán bộ trong quản lý, bảo vệ rừng thì không thể xảy ra các vụ phá rừng.

Giám sát nhà máy thủy điện tích nước, xả lũ

Thủy điện Plei Kần tích nước ảnh hưởng đến diện tích đất sản xuất, cây cối, hoa màu của người dân; xả nước làm cuốn trôi đất đai, cây cối, hoa màu của dân vùng hạ lưu, nhưng tích nước để thử cửa vận hành mà mực nước dâng cao hơn so với khu vực đã được cắm mốc là nội dung chất vấn của đại biểu Y Ly Sa (Tổ đại biểu huyện Ngọc Hồi) với Giám đốc Sở Công thương tỉnh về trách nhiệm quản lý.

Giám đốc Sở Công thương Lê Như Nhất cho biết: Thời gian qua, Công ty Cổ phần Tấn Phát tự ý tích nước vận hành thử nghiệm thiết bị công trình khi chưa được UBND tỉnh cho phép, quy trình vận hành hồ chứa không bảo đảm. Việc tích nước diễn ra trùng với thời điểm xảy ra các cơn bão số 5, 6, 9 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài sản, hoa màu của người dân vùng lòng hồ. Sau khi kiểm tra, ngành công thương và các cơ quan chức năng đã yêu cầu chủ đầu tư dừng ngay việc tích nước trái phép.

Giám đốc Sở Công thương cho biết thêm, việc tự ý tích nước của Công ty cổ phần Tấn Phát dẫn đến mực nước dềnh ở cao trình 611,5m, cao hơn mực nước dâng bình thường 0,5m, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài sản, hoa màu của người dân vùng lòng hồ. Hiện tại, Công ty cổ phần Tấn Phát thực hiện việc chi trả đền bù, Sở Công thương sẽ theo dõi, giám sát chặt, đồng thời đôn đốc Công ty này khẩn trương làm đường đi khu sản xuất của Nhân dân xã Đăk Rơ Nga (huyện Đăk Tô)… Đối với thủy điện vừa và nhỏ, nếu không chọn được phương án khai thác hiệu quả sẽ báo cáo, tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét, loại khỏi quy hoạch.

Nhấn mạnh việc: Thủy điện đã gióng lên hồi chuông về quản lý, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến sản xuất và đời sống của Nhân dân, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các cơ quan chức năng phải giám sát thường xuyên và yêu cầu các chủ đầu tư phải bồi thường thỏa đáng, đáp ứng các nhu cầu phục vụ dân sinh của người dân.

Chủ động rà soát, điều chỉnh quy hoạch

Từ đầu cho đến gần hết nhiệm kỳ 2016 - 2021, câu chuyện quy hoạch luôn hâm “nóng” các phiên chất vấn tại nhiều kỳ họp HĐND tỉnh Kon Tum. Đại biểu Y Tiên (Tổ đại biểu thành phố Kon Tum) cho rằng, việc chậm thực hiện quy hoạch hoặc kéo dài thời gian thực hiện đã gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của các hộ dân ở những khu vực này. Theo Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Quang Hải, do địa phương thiếu vốn giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng; sức hút, thu hút đầu tư phát triển đô thị của tỉnh chưa hấp dẫn các nhà đầu tư… dẫn đến việc triển khai thực hiện quy hoạch tại một số khu vực còn chậm chứ không có “quy hoạch treo”. Riêng trên địa bàn thành phố Kon Tum, giai đoạn 2016 - 2020, có 186 nội dung được xem xét, điều chỉnh quy hoạch.

Khắc phục những bất cập trong công tác quy hoạch, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết sẽ thực hiện nghiêm việc rà soát quy hoạch, thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc UBND các huyện, thành phố tiến hành rà soát quy hoạch để kịp thời điều chỉnh quy hoạch hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh quy hoạch theo thẩm quyền. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất, thu hút đầu tư, đặc biệt là các dự án phát triển đô thị để đẩy nhanh việc thực hiện quy hoạch; nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách phát triển các khu tái định cư nhằm giải quyết nhu cầu đất ở tái định cư cho các hộ ảnh hưởng bởi quy hoạch xây dựng, có nhu cầu sử dụng đất, xây dựng nhà ở ổn định.

Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh việc chậm thực hiện hoặc điều chỉnh không kịp thời quy hoạch đã làm cho cử tri và người dân bức xúc. Vì vậy, nếu thấy quy hoạch không còn phù hợp phải điều chỉnh kịp thời.

HẢI HIỂN