Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Điểm trúng vấn đề doanh nghiệp quan tâm

- Thứ Sáu, 12/11/2021, 06:42 - Chia sẻ
Trên quan điểm muốn khôi phục nền kinh tế thì trước tiên phải khôi phục hoạt động của doanh nghiệp thông qua chính sách hỗ trợ, thúc đẩy đầu tư công, đại diện doanh nghiệp cho rằng, các đại biểu Quốc hội đã “điểm trúng vấn đề” được doanh nghiệp, người dân quan tâm. Việc cần làm tiếp theo là phải có các giải pháp thiết thực, trong đó không đặt thêm điều kiện gây khó khăn trong tiếp cận hỗ trợ.

Ông MẠC QUỐC ANH, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội: Đừng đặt thêm điều kiện

Muốn nền kinh tế phục hồi thì trước tiên doanh nghiệp phải được trở về trạng thái hoạt động bình thường, tức là cần có các giải pháp hỗ trợ. Nhìn lại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chiều qua có thể thấy, các đại biểu đã điểm trúng vấn đề được doanh nghiệp đặc biệt quan tâm.

Thực tế, chính sách hỗ trợ thời gian qua đã phần nào giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch Covid-19. Tuy vậy, để nền kinh tế được phục hồi, cần có chương trình tổng thể, trong đó thiết kế gói hỗ trợ lớn hơn nhiều so với trước đó.

Cùng với chính sách tài khóa, tiền tệ, Bộ trưởng có đề cập đến việc cải thiện môi trường kinh doanh để hỗ trợ doanh nghiệp. Tôi hoàn toàn đồng tình với chủ trương này. Các cơ quan quản lý cần nhanh chóng xử lý, giải quyết những đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, tiến tới rà soát, đánh giá lại các quy định về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh để bãi bỏ hoặc nhân rộng.

Việc hỗ trợ doanh nghiệp tới đây cần mở rộng đối tượng nhưng đừng đặt thêm điều kiện. Bên cạnh đó, trong bối cảnh trường học chưa mở cửa, rất nhiều lao động phải thuê người trông giữ con em mình làm phát sinh chi phí. Để họ yên tâm làm việc, thiết nghĩ nên có chính sách hỗ trợ họ như giảm 50% tiền điện, nước cho họ…

Bà NGUYỄN THỊ THÀNH THỰC, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam: Xem xét không chuyển nhóm nợ xấu

Tôi cơ bản đồng tình với những định hướng giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, phục hồi kinh tế mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra, trong đó có việc hỗ trợ trọng tâm, trọng điểm và lựa chọn đối tượng ưu tiên. Theo tôi, các chính sách đưa ra phải thiết thực và phù hợp với từng ngành nghề. Đặc biệt, nên gia hạn vốn vay ngân hàng, không chuyển nhóm nợ xấu (có thể tới 12 tháng) cho những món nợ đã đến hạn trong giai đoạn phải đóng cửa vì dịch Covid-19, bởi đây là tình huống bất khả kháng.

Thực tế, với những doanh nghiệp nhỏ vay số tiền không lớn thì việc giảm lãi sẽ không mang nhiều ý nghĩa, nhưng nợ xấu và thu hồi vốn thông qua thu hồi tài sản bảo đảm, xét điểm tín dụng sau này… sẽ ảnh hưởng nặng nề tới cả doanh nghiệp và ngân hàng. Doanh nghiệp có thể đi vay nặng lãi để đáo hạn, sinh ra nhiều hệ lụy cho xã hội, về phía ngân hàng sẽ tốn thời gian và chi phí khi thanh lý tài sản. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ doanh nghiệp tiêm vaccine cho toàn thể người lao động; lập các trạm y tế lưu động ở các khu vực có nhiều doanh nghiệp và khu ở tập trung đông lao động; duy trì lưu thông hàng hóa thông suốt.

TS. NGUYỄN PHƯƠNG BẮC, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Bắc Ninh: Chu trình hóa các bước để đẩy nhanh đầu tư công

Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chiều qua là về đầu tư công - yếu tố rất quan trọng giúp nền kinh tế phục hồi.

Thực tế cho thấy, cùng một hệ thống pháp luật nhưng có bộ, ngành, địa phương làm tốt, có nơi lại rất chậm. Tôi hoàn toàn nhất trí với nhận định của các đại biểu cho rằng đó là do khâu thực thi. Đáng chú ý, như Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, có tình trạng lập kế hoạch không sát; thờ ơ, chưa làm hết trách nhiệm của một bộ phận cán bộ liên quan; ngay bản thân Bộ cũng có sự nể nang. Hy vọng rằng, tới đây những bất cập, hạn chế này sẽ được giải quyết dứt điểm.

Nhìn từ kinh nghiệm của tỉnh Bắc Ninh - một trong những địa phương nằm trong nhóm đầu về giải ngân đầu tư công của cả nước, tôi cho rằng để đẩy mạnh lĩnh vực này, cần tập trung vào các giải pháp sau:

Thứ nhất, do đầu tư công liên quan tới hơn 10 luật khác nhau nên cần tổng hợp các luật này để chu trình hóa các bước và phải có sự phối hợp thực hiện giữa các cơ quan, đơn vị. Thứ hai, phải cắt giảm thủ tục hành chính (tối thiểu 30% ở từng bước như Bắc Ninh đã và đang làm). Thứ ba, phải làm tốt giải phóng mặt bằng. Thứ tư, thường xuyên đôn đốc kiểm tra, gắn trách nhiệm của người đứng đầu, đưa vào chỉ tiêu đánh giá thi đua của đơn vị và rõ chế tài xử lý nếu không thực hiện đúng.

TS. NGUYỄN VĂN SÁNH, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long: Mong sớm thông qua Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long

Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để định hướng đầu tư phát triển nhanh và bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Quy hoạch tuân thủ theo 5 giá trị cốt lõi của vùng, đó là: Theo quan điểm thuận thiên (nước mặn hay nước ngọt cũng đều là tài nguyên); chuyển dịch kinh tế nông nghiệp theo hướng lần lượt là thủy sản, rau quả, lúa gạo thay vì đặt lúa gạo lên hàng đầu; lấy con người làm trung tâm của sự phát triển; quy hoạch không gian tích hợp; liên kết 13 tỉnh, thành phố trong khu vực với nhau và với TP. Hồ Chí Minh, với quốc tế để phát triển bền vững.

Tuy vậy, quy hoạch vẫn chưa được thông qua sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các địa phương trong vùng, bởi phải tích hợp quy hoạch tỉnh vào quy hoạch vùng. Việc chậm thông qua quy hoạch này có nhiều lý do khách quan. Dù vậy, sớm thông qua quy hoạch này chừng nào sẽ tốt cho sự phát triển của vùng ngày đó, tạo ra sự liên kết vùng.

Vì thế, tôi rất ủng hộ việc các đại biểu Quốc hội, đặc biệt là Chủ tịch Quốc hội đã “truy” Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về thời gian có thể phê duyệt quy hoạch này. Với vai trò, tầm quan trọng của quy hoạch này, hy vọng Chính phủ sẽ sớm phê duyệt trong cuối năm nay như Bộ trưởng hứa trước Quốc hội để nhanh chóng triển khai trên thực tế, qua đó phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long tương xứng tiềm năng cũng như nâng cao đời sống nhân dân trong vùng.

Đan Thanh ghi