Điểm sáng lập pháp thời Covid-19

- Thứ Năm, 28/01/2021, 08:35 - Chia sẻ
Năm vừa qua, Quốc hội trên khắp thế giới đều nằm trong guồng quay khắc nghiệt chống chọi với đại dịch Covid-19. Trong nhiều giai đoạn căng thẳng, dù phải làm việc trực tuyến hay trực tiếp, các nghị sĩ vẫn nỗ lực tối đa để hoàn thành nhiệm vụ, thông qua một loạt các gói cứu trợ khẩn cấp, các dự luật bảo vệ người dân từ sinh kế đến sức khỏe cùng các vấn đề quan trọng khác… Nhiều đạo luật thực sự đáng chú ý, tạo điểm nhấn “lịch sử” cho bức tranh lập pháp toàn cầu cho dù một số có thể gây tranh cãi.

Nghị viện Anh và Brexit

Ngày 22.1.2020, Nghị viện Anh đã chính thức thông qua Thỏa thuận Brexit, mở đường cho xứ sở sương mù rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) sau 3 năm tranh cãi gay gắt. Đây là chiến thắng của Thủ tướng Boris Johnson bởi cơ quan lập pháp từng ba lần bác bỏ thỏa thuận được cựu Thủ tướng Theresa May thương thảo với châu Âu.

Như vậy, sau 47 năm gắn bó, “mối tình” giữa Anh và EU đã chính thức tan vỡ ngày 31.1.2020. Trong thời kỳ chuyển tiếp kéo dài đến cuối năm 2020, hai bên tiến hành nhiều vòng đàm phán phức tạp, căng thẳng đến “nghẹt thở” nhằm đạt được thỏa thuận thương mại hậu Brexit mà không bên nào chịu nhượng bộ, nhất là những vấn đề liên quan đến lĩnh vực đánh bắt cá và sân chơi bình đẳng.

Những tưởng Anh sẽ phải ra đi “tay trắng” không thỏa thuận, nhưng món quà cuối cùng đã đến đúng dịp Giáng sinh. Cả Anh và EU đều hài lòng với thỏa thuận đạt được và cùng tuyên bố mình chiến thắng. Nghị viện Anh sau đó đã nhanh chóng “chạy đua với thời gian” để thông qua thỏa thuận này ngay trước thềm năm mới 2021. Thỏa thuận thương mại bảo đảm rằng Anh và EU có thể tiếp tục trao đổi hàng hóa mà không có thuế quan hoặc hạn ngạch. Điều đó sẽ giúp bảo vệ 894 tỷ USD thương mại hàng năm giữa Anh và EU và hàng trăm nghìn việc làm phụ thuộc vào nó.

Quốc hội Nga thông qua dự luật sửa đổi Hiến pháp

Trong Thông điệp Liên bang đọc vào giữa tháng 1.2020, Tổng thống Vladimir Putin đã đưa ra ý tưởng sửa đổi Hiến pháp vì sự phát triển hơn nữa của nước Nga. Sau đó, ngày 11.3.2020, Dự luật sửa đổi Hiến pháp đã được Duma Quốc gia Nga (Hạ viện) và Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện) thông qua trước khi được đưa ra trưng cầu dân ý ngày 1.7.2020 với gần 80% số cử tri ủng hộ.

Nghị viện Anh thông qua thỏa thuận Brexit  

Hiến pháp sửa đổi của Nga tổng cộng 206 điểm mới. Đáng chú ý là quy định tăng thêm quyền hạn cho cả Hạ viện và Thượng viện, bãi bỏ hạn chế về số lượng nhiệm kỳ tổng thống. Tháng 12.2020, Quốc hội Nga cũng thông qua dự luật về việc quyền miễn truy tố suốt đời đối với các tổng thống, kể cả khi họ đã rời khỏi Điện Kremlin. 

Quốc hội Argentina thông qua Dự luật “thuế triệu phú”

Ngày 9.12.2020, Quốc hội Argentina đã thông qua Dự luật Thuế tài sản mới nhằm giúp Chính phủ chi trả cho vật tư y tế và các chương trình cứu trợ kinh tế trong đại dịch Covid-19. Luật còn được gọi là Luật “thuế triệu phú” này quy định, những cá nhân có tài sản trên 200 triệu Peso (2,4 triệu USD) sẽ phải nộp thuế một lần ít nhất 2% giá trị tài sản. Hiện có khoảng 12.000 công dân Argentina thuộc đối tượng chịu thuế.

Luật thuế tài sản mới có thể giúp nền kinh tế lớn thứ ba tại Mỹ Latin thu về 3,7 tỷ USD dùng để mua thiết bị, vật tư y tế, hỗ trợ tài chính các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời hỗ trợ người dân nghèo. Hồi tháng 10, Argentina từng trở thành quốc gia thứ 5 trên thế giới vượt mốc 1 triệu ca nhiễm và hiện nay con số này đã vượt quá 1,6 triệu.

Quốc hội Mỹ và nhiều dự luật quan trọng

Ngày 9.12, Hạ viện Mỹ đã thông qua Luật Trách nhiệm giải trình của công ty nước ngoài, cấm các công ty nước ngoài được niêm yết cổ phiếu trên bất kỳ sàn giao dịch chứng khoán nào của Mỹ nếu họ không tuân theo yêu cầu kiểm toán của Ban Giám sát Kế toán công Mỹ trong ba năm liên tiếp. Ngoài ra, đạo luật này cũng yêu cầu các công ty đã niêm yết công khai việc liệu họ có thuộc sở hữu hoặc kiểm soát của Chính phủ nước ngoài. Trước đó, Thượng viện đã thông qua dự luật trên vào tháng 5. Luật mới có thể ngăn một số công ty Trung Quốc niêm yết cổ phiếu trên các sàn giao dịch tại Mỹ nếu không tuân thủ. 

Cũng trong năm 2020, Hạ viện Mỹ còn thông qua một dự luật được đánh giá “bước ngoặt lịch sử” vào ngày 26.6, trong đó thủ đô Washington được đề xuất là bang thứ 51 của Mỹ và sẽ có một đại diện có quyền bỏ phiếu tại Hạ viện và hai đại diện bỏ phiếu tại Thượng viện. Theo luật hiện hành, cả khu vực Washington D.C. chỉ có duy nhất một đại diện tại Hạ viện, song đại diện này chỉ có quyền bỏ phiếu ở các ủy ban chứ không có quyền biểu quyết trong những phiên họp kín của Nghị viện.

Tuy  nhiên, dự luật trên không thể vượt qua được cửa ải Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát. Các nhà lập pháp đảng Cộng hòa chỉ trích dự luật, cho rằng đảng Dân chủ (kiểm soát Hạ viện) muốn có thêm quyền lực và việc đưa thủ đô Washington trở thành một bang của Mỹ sẽ là vi Hiến.

Hạ viện Pháp thông qua dự thảo Luật An ninh toàn cầu

Ngày 24.11, Hạ viện Pháp thông qua dự thảo Luật An ninh toàn cầu mới đầy tranh cãi, thổi bùng làn sóng biểu tình phản đối gay gắt trên khắp nước Pháp với ít nhất 22.000 người xuống đường tuần hành. Phần gây tranh cãi nhất trong dự luật mới là Điều 24, cấm hành vi công khai những hình ảnh mà từ đó có thể nhận dạng một nhân viên thực thi pháp luật và khiến họ bị tổn hại về thể chất hoặc tinh thần. Người vi phạm sẽ đối mặt với án tù 1 năm và mức phạt lên đến 45.000 euro (hơn 1,2 tỷ đồng).

Tuy nhiên, giới phân tích lại lo ngại đạo luật này có thể cản trở quyền tự do báo chí cũng như tạo điều kiện để cảnh sát lộng quyền. Dự luật đã được trình lên Thượng viện để xem xét từ tháng 12. Nếu được thông qua, nó còn phải vượt cả “cửa ải” của Hội đồng Hiến pháp trước khi có hiệu lực.

EP thông qua mục tiêu cắt giảm 60% lượng phát thải

Nghị viện châu Âu (EP) biểu quyết thông qua mục tiêu đầy tham vọng là giảm ít nhất 60% lượng phát thải khí nhà kính ở Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2030, lớn hơn mức cắt giảm khí thải ròng ít nhất 55% vào năm 2030 do Ủy ban châu Âu (EC) từng đề xuất và mong muốn hoàn thành vào cuối năm 2020. Lúc đó, các chuyên gia cho rằng, việc cắt giảm 55% khí thải vào năm 2030 là nỗ lực tối thiểu cần thiết để đưa EU đi đúng kế hoạch về khí thải carbon vào năm 2050 và giúp kiềm chế tình trạng nóng lên trên toàn cầu ở mức an toàn.

Mặc dù vậy, EP sẽ cần phải thống nhất mục tiêu mới với các nước thành viên EU, vốn đang chia rẽ về đề xuất này. Mục tiêu trước đó của EU là cắt giảm 40% lượng khí thải vào năm 2030.

Trung Quốc khởi động quy trình lập pháp đối với đồng nội tệ kỹ thuật số

Ngày 23.10.2020, Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa đã công bố dự luật sửa đổi Luật Ngân hàng lần đầu tiên sau 17 năm, trong đó quy định rõ đồng Nhân dân tệ (NDT) tồn tại ở cả hai dạng vật chất và kỹ thuật số. Trung Quốc hy vọng sẽ bắt đầu chính thức phát hành đồng NDT kỹ thuật số trước Thế vận hội mùa đông tại Bắc Kinh vào tháng 2.2022.

Dự luật cũng cấm các tổ chức và cá nhân sản xuất hoặc phát hành tiền kỹ thuật số do lo ngại việc quản lý nguồn cung tiền sẽ trở nên khó khăn nếu các loại tiền ảo do khu vực tư nhân phát hành lưu thông trên thị trường. Như vậy, các loại tiền điện tử như Libra do Facebook đề xuất có thể không được phép lưu hành ở Trung Quốc.

Theo các nhà phân tích, nếu được thông qua, dự luật sẽ giúp giảm bớt rủi ro tài chính bằng cách trao thêm vai trò cho Ngân hàng Trung ương trong sử dụng đồng tiền kỹ thuật số. Nó cũng giải quyết vấn đề rửa tiền, giảm chi phí và trao thêm cho Trung Quốc vị thế tài chính trên thế giới.

Nhật Bản thông qua Dự luật Hưu trí sửa đổi

Theo luật sửa đổi được cả Hạ viện và Thượng viện thông qua hồi tháng 5.2020, người lao động Nhật Bản có thể lựa chọn bắt đầu nhận lương hưu từ 75 tuổi, thay vì 70 tuổi như quy định trước đây. Luật khuyến khích người dân trì hoãn nghỉ hưu, vì họ sẽ nhận tiền lương hưu cao hơn nếu ở lại làm việc lâu hơn. Ngoài ra, luật cũng cho phép người làm bán thời gian và những người lao động làm việc không thường xuyên khác tham gia vào chương trình lương hưu của chính phủ. Trước đây, nhân viên làm bán thời gian chỉ được tham gia chương trình khi họ làm việc trên 20 giờ/tuần tại các công ty có trên 500 nhân viên.

Thái Anh