TP. Hồ Chí Minh đẩy mạnh mạng lưới y tế cơ sở

- Thứ Tư, 30/11/2022, 15:43 - Chia sẻ

Năm 2022, ngành Y tế TP. Hổ Chí Minh phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng toàn ngành đã có nhiều nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ, hướng đến chăm sóc sức khỏe cho người dân thành phố và khu vực phía Nam.

Nhiều khó khăn sau đại dịch

Tháng 10.2021, TP. Hồ Chí Minh bắt đầu mở cửa trở lại, các hoạt động kinh tế, xã hội dần hồi sinh. Nhưng đối với ngành Y tế, những ngày tháng chống dịch vẫn chưa kết thúc. Toàn bộ nhân lực, vật lực tiếp tục dồn sức cho hoạt động này. Mãi đến tháng 12.2021, tình hình dịch đi xuống, những bộ đồ bảo hộ dần được cởi bỏ, các bệnh viện lần lượt đón người dân đến khám, chữa bệnh, nhịp sống thường ngày lại bắt đầu.

Tuy nhiên, lúc này, nhiều vấn đề bất cập “hậu Covid-19” nảy sinh khiến ngành Y tế đối diện với nhiều khó khăn, khách thức. Một thời gian dài dồn tổng lực chống dịch, hầu như toàn hệ thống y tế thành phố rơi vào kiệt quệ về cả tài chính lẫn nhân lực, vật lực. Những vấn đề “hậu Covid-19” nảy sinh khiến tâm lý của nhân viên y tế vốn đã bất an với dịch bệnh càng trở nên lo lắng kéo dài. Làn sóng nhân viên y tế nghỉ việc hàng loạt ở cả bệnh viện lẫn các đơn vị y tế dự phòng.

TP.Hồ Chí Minh đẩy mạnh mạng lưới y tế cơ sở -0
Khám BHYT tại Bệnh viện Quận 1 - TP.Hồ Chí Minh

Thống kê của Sở Y tế, trong 6 tháng năm 2022 đã có 874 nhân viên y tế nghỉ việc; trong đó có 199 bác sỹ và 391 điều dưỡng. Tính chung từ năm 2022 đến nay, địa bàn đã có 2.028 nhân viên y tế nghỉ việc, chiếm khoảng 5% tổng số nguồn nhân lực y tế. So sánh số liệu, năm 2022, số lượng nhân viên y tế của thành phố giảm 306 người so với năm 2021.

Theo nhiều chuyên gia, qua đại dịch vừa rồi có thể thấy, y tế cơ sở của thành phố còn nhiều lỗ hổng phải củng cố, khắc phục. Đó là thiếu nhân lực, thiếu nhân viên y tế trong khi ở cấp xã, quy mô dân số rất cao, tỷ lệ người dân đăng ký khám chữa bệnh ban đầu bằng bảo hiểm y tế tại trạm y tế còn rất thấp (chiếm 0,11%)...

Trên thế giới 70% - 80% nhu cầu về chăm sóc sức khỏe tổng quát và 20% - 30% là nhu cầu chăm sóc chuyên khoa. Vì vậy, hầu hết các trường đại học trên thế giới đào tạo bác sĩ tổng quát (bác sĩ đa khoa). Sau khi ra trường hành nghề có những chính sách để bác sĩ đa khoa tổng quát có cơ hội phát triển lên để có người làm việc chăm sóc sức khỏe tổng quát. Tuy nhiên, nghịch lý của y tế TP  hiện nay là nhu cầu chăm sóc sức khỏe tổng quát lớn, đào tạo bác sĩ tổng quát nhưng trong quá trình hành nghề hầu hết là bác sĩ chuyên khoa. Phân tích cặn kẽ nhân lực y tế, số lượng bác sĩ làm tổng quát của Việt Nam cực thấp.

Theo GS.TS Lê Hoàng Ninh, chúng ta không có nguồn lực cần thiết để chăm sóc sức khỏe tổng quát (việc chăm sóc sức khỏe tổng quát sẽ không cần chăm sóc trong bệnh viện) dẫn đến quá tải bệnh viện tuyến trên. Trong khi nếu chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt sẽ không quá tải cho tuyến trên. Quốc gia nào làm chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt thì chi phí y tế cực thấp, hiệu quả chăm sóc sức khỏe cực cao. Nếu làm tốt y tế cơ sở thì sẽ có hiệu quả trong y tế cộng đồng.

Tăng cường nhân lực cho y tế cơ sở

Từ đầu năm đến nay, Sở Y tế thành phố đã đưa hơn 300 bác sĩ mới ra trường về thực tập, làm việc tại cơ sở, kết hợp thí điểm đào tạo bác sĩ mới tốt nghiệp thực hành tổng quát tại các bệnh viện gắn liền với trạm y tế. Đây là đề án “đột phá” nhằm giúp bác sĩ trẻ có điều kiện củng cố năng lực chuyên môn. Ngoài ra, thành phố còn cho phép trạm y tế được ký hợp đồng lao động với bác sĩ về hưu đến làm việc tại trạm.

Để các bác sĩ trẻ yên tâm công tác tại cơ sở, thành phố hỗ trợ 60 triệu đồng/18 tháng/bác sĩ; 30 triệu đồng cho điều dưỡng, hộ sinh trong 9 tháng. Người có chuyên môn y tế khác, trình độ từ cao đẳng trở lên hoặc trung cấp y sĩ nhận mức lương 7 triệu đồng/tháng. “Trực tiếp làm công tác chuyên môn tại cơ sở, tôi học và trải nghiệm được nhiều điều, từ đó trau dồi kỹ năng nghề nghiệp ngày một tốt hơn”, một bác sỹ trẻ mới điều động về quận 8 tâm sự.

Về tăng cường năng lực thiết bị, công nghệ, ngoài việc đầu tư một số thiết bị cơ bản, Sở Y tế thành phố còn “đặt hàng” Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ đọc kết quả X-quang ngực, sử dụng tại các trạm y tế. Thành phố hiện có 310 trạm y tế, mỗi trạm trung bình chịu trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cho 100.000 người dân. Ngành Y tế thành phố kỳ vọng sớm xây dựng được hệ thống y tế cơ sở vững mạnh, chất lượng”, Giám đốc Sở Y tế TP Tăng Chí Thượng chia sẻ.

Mới đây, GS.BS Trần Diệp Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y dược TP cũng đề nghị muốn có được tuyến y tế cơ sở mạnh thì hệ thống chăm sóc y tế phải đặt hàng nhu cầu nguồn nhân lực. Khi đó, hệ thống đào tạo cùng tham gia thực hiện đào tạo nguồn lực cho hệ thống chăm sóc y tế. Ông cho rằng, lâu nay chúng ta thiếu đi sự giao tiếp, trao đổi giữa bên sử dụng nhân viên y tế và bên đào tạo nhân viên y tế. Hiện nay, trong hệ đào tạo có thể đào tạo bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa sâu, vì vậy, phải có con số đặt hàng, để ngoài việc đào tạo bác sĩ nội trú, đào tạo chuyên khoa sâu, phần còn lại (số đông) sẽ đào tạo y học gia đình. Như vậy TP sẽ có số đông lực lượng phục vụ y tế cơ sở.

Ngay sau đại dịch Covid-19, lần đầu tiên, Hội đồng Nhân dân TP đã thông qua các chính sách đặc thù giúp củng cố, nâng cao năng lực các trạm y tế phường, xã, thị trấn trên địa bàn như đưa bác sỹ mới ra trường về thực hành tại các trạm y tế; thu hút lực lượng bác sĩ đã nghỉ hưu tham gia cộng tác với trạm y tế; ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, các trang thiết bị thích hợp để các trạm y tế sẽ chuyển đổi hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Từ đó, công tác bảo vệ sức khỏe người dân được tổ chức một cách quy củ, chuyên nghiệp hơn.

Dù khó khăn, thách thức vẫn còn đó nhưng toàn bộ hệ thống y tế của TP. Hồ Chí Minh vẫn đang nỗ lực hoàn thiện mỗi ngày, hướng đến mục tiêu vừa dự phòng, bảo vệ tốt sức khỏe vừa chăm sóc, điều trị cho không chỉ hơn 10 triệu dân của thành phố mà còn phục vụ người dân các tỉnh, thành khu vực phía Nam.

Hoàng Anh
#