Quỳnh Nhai, Sơn La: Triển vọng du lịch Hồ thủy điện Sơn La

- Thứ Tư, 22/03/2023, 19:55 - Chia sẻ

Với chiều dài lên tới gần 200km từ chân đập thủy điện Sơn La đến thị xã Mường Lay (Lai Châu), toàn bộ vùng nước mặt này đang trở thành lợi thế so sánh nổi trội với các địa bàn hồ thủy điện đi qua. Trong đó, du lịch sinh thái lòng hồ đang dần vươn lên như một lĩnh vực trụ cột của Quỳnh Nhai - huyện cực Bắc, từng là một trong những địa bàn nghèo nhất tỉnh Sơn La trước năm 2015…

Điểm đến hấp dẫn du khách

Quỳnh Nhai là huyện có diện tích nước mặt hồ thủy điện lớn nhất so với những địa bàn còn lại. Xuất phát điểm từ mô hình nuôi cá lồng, sự đa dạng về thủy đặc sản đã thu hút du khách đến thưởng thức trong lúc tham quan các điểm đến hấp dẫn trên hàng chục hòn đảo. Nhu cầu ngày càng lớn là gợi ý để những hợp tác xã đầu tiên về du lịch dịch vụ đầu tiên trong huyện được hình thành…

Cách trung tâm thành phố Sơn La khoảng 60km, chỉ mất một giờ theo QL279 là du khách có thể tiếp cận huyện Quỳnh Nhai. Khám phá khu du lịch sinh thái nơi đây, du khách sẽ được tham quan lòng hồ thủy điện Sơn La, chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp với mặt nước trong xanh, hai bên là núi đá vôi và những hòn đảo nhỏ. Có lẽ vì thế mà dân du lịch ví nơi đây giống như "Vịnh Hạ Long" của Tây Bắc.

Quỳnh Nhai, Sơn La: Triển vọng du lịch Hồ thủy điện Sơn La -0
Phong cảnh sơn thủy hữu tình mênh mông của hồ thủy điện Sơn La đoạn qua huyện Quỳnh Nhai

Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP du lịch Quỳnh Nhai Travel Là Văn Phong nhớ lại thời điểm hồ thủy điện chính thức tích nước tháng 5.2010, gia đình anh cũng là một trong những hộ đầu tiên được hưởng chính sách hỗ trợ nuôi cá lồng. Lúc đó, chàng thanh niên người đồng bào Thái trắng mới xong học phổ thông, hàng ngày giúp gia đình nuôi thả các loại trắm đen, cá lăng nha, lăng đen, tôm sông...

“Địa hình sơn thủy hữu tình của hồ thủy điện, cùng những loại thủy đặc sản đã thu hút những khách du lịch đầu tiên – đó chính các cơ quan, đơn vị, đoàn thể của huyện Quỳnh Nhai và Thuận Châu đến trải nghiệm,” anh Phong nhớ lại.

Trở lại câu chuyện của Là Văn Phong, sau khi tốt nghiệp Đại học Tây Bắc năm 2016, Phong cùng 3 người bạn đã góp tiền mua chiếc thuyền du lịch, chính thức phục vụ du khách tham quan lòng hồ thủy điện. Một năm sau, vào năm 2017, 4 xã viên thành lập hợp tác xã dịch vụ du lịch… đầu tiên của huyện Quỳnh Nhai. Đến 2020, hợp tác xã chuyển đổi mô hình thành Công ty CP du lịch Quỳnh Nhai Travel để đáp ứng được sự phát triển của doanh nghiệp cũng như nắm bắt nhiều cơ hội hơn từ chính sách vĩ mô.

Công ty CP du lịch Quỳnh Nhai Travel đã được Chi hội Doanh nghiệp huyện Quỳnh Nhai hỗ trợ liên kết với các đơn vị lữ hành trong và ngoài tỉnh quảng bá, xúc tiến, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm. Hiện nay, Công ty đang quản lý và khai thác vịnh Uy Phong, với 3 tàu du lịch 2 tầng, với sức chứa 40-120 khách/tàu; trung bình mỗi năm Công ty đón khoảng 20.000 lượt khách du lịch, doanh thu 2,5 tỷ đồng/năm. “Để quảng bá cũng như khai thác tiềm năng lòng hồ sông Đà, Công ty được Chi hội hỗ trợ xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương; quan tâm xây dựng bến thuyền đón trả khách…”

Quỳnh Nhai, Sơn La: Triển vọng du lịch Hồ thủy điện Sơn La -0
Múa xòe Thái phục vụ du khách ngay trên thuyền du lịch

Theo Chi hội trưởng Chi hội Doanh nghiệp huyện Quỳnh Nhai Phạm Văn Doanh, từ khi thành lập cách đây 5 năm, Chi hội đã tích cực đóng góp ý kiến và đề xuất các cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, góp phần thúc đẩy, tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, thông thoáng cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động cho lĩnh vực du lịch dịch vụ.

Đặc biệt trong thời điểm trước và dịch bệnh Covid-19, Chi hội đã hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều để các hạng mục thi công công trình hạ tầng du lịch dịch vụ được tỉnh, huyện cấp phép nhanh, tranh thủ thời gian giãn cách cải tạo và nâng cấp.

Tham vọng liên kết tour du lịch 3 tỉnh

Sau giãn cách xã hội vì Covid-19, khá nhiều đoàn khách từ miền Nam và miền Trung đã đặt tour Thị xã Mường Lay – Tủa Chùa – Sìn Hồ - Quỳnh Nhai dọc theo sông Đà và lòng hồ thủy điện. Văn hóa đặc sắc của đồng bào Thái trắng, ẩm thực độc đáo và phong cảnh sơn thủy hữu tình, thời tiết mát mẻ… đang là những điểm cộng tuyệt đối của khu vực này.

Hiện các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai vẫn là trụ cột của tỉnh Sơn La trong khai thác mặt nước hồ thủy điện làm du lịch, dịch vụ. Mục tiêu của tỉnh là liên kết bằng các khu nghỉ dưỡng, tham quan du lịch trên lòng hồ sông Đà với Điện Biên và Lai Châu. Nhiều điểm, sản phẩm du lịch trên vùng lòng hồ thủy điện huyện Quỳnh Nhai được đưa vào khai thác, như: Vịnh Uy Phong, đảo Trái tim, khu du lịch Pá Uôn EcoLake... với nhiều dịch vụ đa dạng, gồm: Nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ cộng đồng, du thuyền ngắm cảnh, khu sân bóng chuyền hơi dưới nước, khu đua thuyền, khu nuôi cá lồng… thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm.

Quỳnh Nhai, Sơn La: Triển vọng du lịch Hồ thủy điện Sơn La -0
Một khu du lịch sinh thái trên Vịnh Uy Phong của Quỳnh Nhai Travel

Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai Cầm Văn Huy cho biết, với trụ cột là Chi hội Doanh nghiệp huyện, địa phương hy vọng sức mạnh của tập thể cộng đồng doanh nghiệp luôn đoàn kết, gắn bó để tham mưu, đề xuất với huyện về các chương trình phát triển của thành viên. Thông qua đó, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh; nắm bắt tâm tư, cũng như tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp, HTX, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Được biết, UBND huyện vừa có văn bản đề nghị UBND tỉnh Sơn La xem xét, cho phép doanh nghiệp nghiên cứu và lập dự án đầu tư phát triển du lịch lòng hồ thủy điện trên địa bàn huyện. Phạm vi dự án đề xuất đầu tư gồm diện tích 3.000 ha mặt nước (trên tổng số 10.520 ha mặt nước trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai) và 500 ha mặt đất là khu vực đất bao quanh lòng hồ, gồm các đảo, bán đảo từ xã Pá Ma Pha Khinh đến xã Mường Chiên.

"Dự kiến tại khu vực hồ thủy điện Quỳnh Nhai sẽ phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, chú trọng khai thác không gian đặc trưng, giá trị văn hóa lịch sử lâu đời với các hạng mục như công viên giải trí, dịch vụ nghỉ dưỡng, phim trường, khu tắm nước khoáng nóng...", ông Huy chia sẻ.

Lê Tùng
#