Đưa Nghệ An trở thành trung tâm kết nối phát triển khu vực Bắc Trung Bộ

- Thứ Hai, 02/11/2020, 06:47 - Chia sẻ
Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước với hơn 3,2 triệu dân, nằm ở vị trí trung tâm vùng Bắc Trung Bộ trong hành lang kinh tế Đông - Tây nối liền Myanmar - Thái Lan - Lào - Việt Nam theo Quốc lộ 7 thông ra biển Đông qua cảng Cửa Lò. Hệ thống cơ sở hạ tầng của Nghệ An được quy hoạch xây dựng cảng hàng không, cảng biển quốc tế và Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy; có thành phố Vinh là đô thị loại 1 với bề dày truyền thống lịch sử văn hóa. Những điều kiện thuận lợi đó tạo điều kiện để Nghệ An trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, kết nối phát triển của cả khu vực Bắc Trung Bộ.

Xây dựng nền kinh tế đa nghành

Nghệ An có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế tổng hợp. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX xác định: Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, sinh thái, hữu cơ, gắn với chế biến và thị trường, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông - lâm, thủy sản giai đoạn 2021 - 2025 đạt 4 - 4,5%.

Nhà máy TH True Milk tại huyện Nghĩa Đàn

Để đạt được mục tiêu đề ra, giải pháp chuyển diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang sản xuất các loại cây, con có hiệu quả kinh tế cao, ứng dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ được quan tâm tâm thực hiện. Một số cây trồng chủ lực, như: chè, cao su, mía, cam, chanh leo, cây dược liệu... được ưu tiên nhằm mở rộng diện tích và nâng cao chất lượng nông sản.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi cả về số lượng và chất lượng đối với các loại con nuôi chủ lực, như: bò thịt, bò sữa, lợn và gia cầm; chuyển đổi mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển tập trung, quy mô công nghiệp, thân thiện với môi trường; quan tâm phát triển các giống đặc sản, chăn nuôi hữu cơ nhằm tạo ra sản phẩm có lợi thế cạnh tranh; phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp chiếm 48 - 48,5%.

Cùng với nông nghiệp, phát triển kinh tế biển cũng được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của Nghệ An. Với chiều dài bờ biển khoảng hơn 80km, Nghệ An có 5 địa phương ven biển là huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, thị xã Cửa Lò và thị xã Hoàng Mai. Những năm gần đây, kinh tế biển ngày càng khẳng định vai trò, vị thế trong cơ cấu kinh tế, đóng góp khoảng 50% GRDP của tỉnh; trong đó, giá trị tăng thêm bình quân đầu người vùng biển và ven biển cao gấp 1,27 lần so với bình quân toàn tỉnh.

Mục tiêu của Nghệ An trong thời gian tới là thực hiện cơ cấu lại ngành kinh tế biển trên cơ sở tiếp cận dựa vào hệ sinh thái, bao gồm: phát triển du lịch, dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, nuôi trồng, khai thác hải sản (phát triển hạ tầng kỹ thuật, hậu cần nghề cá), công nghiệp ven biển. Cùng với đó, đẩy nhanh xây dựng, phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị ven biển theo hướng tiếp cận mô hình sinh thái, có sức hấp dẫn các nhà đầu tư gắn với thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực; giải quyết tốt vấn đề môi trường, xã hội.

Đối với ngành công nghiệp - xây dựng, Nghệ An phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị tăng thêm lĩnh vực công nghiệp - xây dựng giai đoạn 2021 - 2025 đạt 13 - 14%/năm; tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 đạt 16,5%. Bên cạnh các sản phẩm đã có thương hiệu trên thị trường như: xi măng, tôn, bia, sữa, hàng dệt may, gỗ MDF, gạch xây dựng các loại, điện, phân bón, mía đường...

Nghệ An tập trung phát triển các ngành công nghiệp, xây dựng có lợi thế so sánh của tỉnh; trong đó chú trọng phát triển một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có hàm lượng khoa học - công nghệ, ứng dụng công nghệ cao. Phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp xanh, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường. Hình thành cơ sở sản xuất công nghiệp có quy mô lớn, chế biến sâu gắn với chuỗi giá trị trong khu kinh tế, khu công nghiệp. 

Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, đa dạng, trọng tâm là du lịch biển đảo, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch sinh thái gắn với cộng đồng. Hình thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc trưng và chủ lực của địa phương gắn với đa dạng hóa các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch và phát triển các dịch vụ chất lượng cao nhằm thu hút du khách và kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu của khách du lịch. Tập trung phát triển và khai thác thế mạnh du lịch tại các địa bàn trọng điểm gồm: Thị xã Cửa Lò và vùng ven biển, Nam Đàn và vùng phụ cận, thành phố Vinh, miền Tây Nghệ An. Phấn đấu đến năm 2025 đạt 6 - 6,3 triệu lượt khách tới Nghệ An; doanh thu đạt trên 11.000 tỷ đồng.

Thành phố Vinh được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch để trở thành đô thị trung tâm vùng Bắc Trung Bộ
Thành phố Vinh được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch để trở thành đô thị trung tâm vùng Bắc Trung Bộ

Phát triển các vùng kinh tế trọng điểm

Trong chiến lược phát triển, cùng với xây dựng nền kinh tế tổng hợp, Nghệ An tập trung phát triển 3 vùng kinh tế trọng điểm gồm: vùng thành phố Vinh - thị xã Cửa Lò - các huyện Đông Nam của tỉnh gắn với vùng Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh; vùng Hoàng Mai - Quỳnh Lưu gắn với vùng Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An và vùng miền Tây Nghệ An, trọng điểm vùng là Tân Kỳ - Con Cuông - Nghĩa Đàn - thị xã Thái Hòa - Quỳ Hợp.

Phát triển thành phố Vinh - thị xã Cửa Lò, các huyện Đông Nam của tỉnh gắn với vùng Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh: Tập trung chỉ đạo thực hiện Quyết định số 52/QĐ-TTg, ngày 14.01.2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Vinh đến năm 2030, tầm nhìn 2050; Quyết định số 2468/QĐ-TTg, ngày 29.7.2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thành phố Vinh thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung Bộ; phát triển thành phố Vinh trở thành đô thị biển, phát triển nhanh, toàn diện, bền vững, sớm trở thành đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, có tính kết nối cao, cùng với Cửa Lò phát triển thành cực tăng trưởng và mũi nhọn tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Xây dựng Khu kinh tế Đông Nam thành khu kinh tế trọng điểm, đa ngành, đa chức năng. Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng Khu kinh tế Đông Nam, nhất là hệ thống cảng biển bảo đảm tiền đề thu hút những dự án lớn làm đầu tàu phát triển các ngành kinh tế khác. Tiếp tục tạo cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư phát triển các khu công nghiệp trong Khu kinh tế Đông Nam. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ doanh nghiệp đi vào hoạt động và lấp đầy 90% trong các khu công nghiệp VSIP, WHA, Hoàng Mai.

Đới với vùng Hoàng Mai - Quỳnh Lưu gắn với vùng Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An: Phát triển các khu công nghiệp Hoàng Mai, Đông Hồi với các ngành công nghiệp động lực như xi măng, nhiệt điện, chế biến thép, cơ khí, vật liệu xây dựng, cảng biển, công nghiệp điện tử và một số ngành công nghiệp hỗ trợ. Phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ cho các dự án lớn tại Khu kinh tế Nghi Sơn. Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, đầu tư xây dựng cảng Đông Hồi thành cảng tổng hợp công suất 30 triệu tấn. Tập trung thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp Hoàng Mai I, Hoàng Mai II, Khu công nghiệp Đông Hồi. Khai thác, nuôi trồng thủy hải sản gắn với công nghiệp chế biến; phát triển các vùng chuyên canh rau theo hướng sản xuất an toàn, hữu cơ.

Phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An: Triển khai thực hiện hiệu quả Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa IX và Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực trong những ngành, lĩnh vực có lợi thế của vùng, như: kinh tế rừng, cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, cây dược liệu, chăn nuôi gia súc, các sản phẩm đặc sản.

Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản theo hướng hình thành một số sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, có thương hiệu như: Sữa, chè, các sản phẩm gỗ, cây ăn quả, dược liệu... Đẩy mạnh phát triển các cơ sở khai thác gắn với chế biến sâu các loại khoáng sản; tăng cường quảng bá, kêu gọi đầu tư phát triển du lịch sinh thái, lịch sử, đời sống văn hóa cộng đồng các dân tộc thiểu số, làng nghề truyền thống gắn với bảo vệ môi trường.

Với các chủ trương, giải pháp đồng bộ và hiệu quả, thời gian tới Nghệ An sẽ phân bổ nguồn lực về kinh tế - xã hội, nguồn lực về con người, quyết tâm hoàn thành các mục tiêu nghị quyết Đại hội đã đề ra, đưa Nghệ An phát triển nhanh, bền vững trở thành trung tâm kết nối phát triển của khu vực Bắc Trung Bộ.

Việt Anh