Đốc thúc các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai

- Thứ Sáu, 12/08/2022, 06:44 - Chia sẻ

Tại buổi họp Ban Chỉ đạo về việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh yêu cầu, đến hết tháng 10.2022 cần có các kết quả cụ thể, phương án xử lý của từng dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai để tổng hợp báo cáo HĐND thành phố.

712 dự án sử dụng đất chậm triển khai được phân loại, xử lý

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Bùi Duy Cường cho biết, trong quý II.2022 và tháng đầu quý III.2022, Tổ công tác liên ngành thành phố đã tổ chức làm việc với UBND các quận, huyện, thị xã để kiểm tra, rà soát, hậu kiểm và phân loại các dự án.

Đối với 135 dự án chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, sau Nghị quyết số 04/NQ-HĐND ngày 8.4.2022, Tổ công tác tiếp tục báo cáo UBND thành phố chấm dứt hoạt động dự án theo quy định đối với 7 dự án trong số 68 dự án đã xử lý xong; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ kiểm tra, rà soát, đề xuất xử lý đối với 67 dự án.

Đối với 404 dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đến nay đã xử lý xong 213 dự án, trong đó 105 dự án với tổng diện tích 299ha đất; sau thanh tra, kiểm tra, chủ đầu tư đã chủ động khắc phục các tồn tại, đề nghị đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm triển khai. 37 dự án với tổng diện tích 1.878,7ha đất được kiến nghị trình UBND thành phố thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất, chấm dứt hoạt động dự án.

71 dự án với tổng diện tích 12,3ha đất chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng, UBND thành phố quyết định gia hạn sử dụng đất 24 tháng và chủ đầu tư phải nộp thêm cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian gia hạn; xác định bổ sung số tiền nộp thêm tương ứng với thời gian gia hạn 24 tháng là 371,115 tỷ đồng. Với 191 dự án còn lại, tổ công tác liên ngành thành phố đã tổ chức làm việc trực tiếp với từng quận, huyện, thị xã để phân loại thành 9 nhóm dự án và phân công các sở, ngành thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã tập trung thực hiện.

Đối với 173 dự án còn lại đang được UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục đề xuất xử lý, Tổ công tác liên ngành thành phố đã làm việc trực tiếp với UBND các quận, huyện, thị xã để rà soát cụ thể từng dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai, vi phạm pháp luật theo giai đoạn. Sở Tài nguyên và Môi trường đã phân loại, phân công thực hiện xử lý 173 dự án thành 7 nhóm cụ thể. Trên cơ sở đó, UBND thành phố phân công các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã xử lý đối với từng nhóm.

Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát các dự án chậm triển khai để xử lý đưa đất và sử dụng
Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát các dự án chậm triển khai để xử lý đưa đất và sử dụng

Phân loại rõ dự án, rõ trách nhiệm xử lý

Nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý, tập trung thực hiện nghiêm túc các nội dung bảo đảm kết quả, xử lý dứt điểm, tổng hợp báo cáo kết quả theo tháng, quý và lũy kế báo cáo chung kết quả trong quý IV.2022, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị giám đốc các sở, ngành và chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã cử cán bộ có năng lực, trách nhiệm tham gia Đoàn kiểm tra, thanh tra liên ngành và chịu trách nhiệm cập nhật, cung cấp đầy đủ thông tin chuyên ngành và thời gian giải quyết thủ tục hành chính theo chức năng, nhiệm vụ được giao; bố trí đủ lực lượng, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ đầu mối giải quyết và rõ kết quả thực hiện.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 700 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai với diện tích hơn 5.000ha nằm tại các địa bàn quận, huyện, là nguồn lực lớn trong phát triển kinh tế - xã hội. Việc xử lý các dự án này đã được HĐND thành phố giám sát qua nhiều nhiệm kỳ. Quá trình xử lý về cơ bản tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để các dự án đi vào hoạt động, giải phóng nguồn lực về tài chính, đất đai, tạo không gian phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương. Với các dự án chủ đầu tư cố tình không triển khai, sẽ phải xử lý, thu hồi.

“Danh sách các dự án chậm triển khai từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục biến động nên các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục rà soát, coi đây là công việc thường xuyên để hậu kiểm, trên cơ sở đó có thể sớm xử lý, đưa đất vào sử dụng”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn đề nghị tiếp tục kiểm tra, rà soát, tổng hợp các dự án thuộc đối tượng chậm triển khai, chậm đưa đất vào sử dụng. Việc phân loại, xử lý các dự án căn cứ pháp luật về đầu tư, đất đai. Sở Quy hoạch - Kiến trúc cần tiếp tục rà soát những dự án đầu tư bị ảnh hưởng từ việc chưa điều chỉnh được quy hoạch để có hướng xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm tra, rà soát các dự án, việc này phải được thực hiện thường xuyên, định kỳ hằng năm. Kết quả thống kê, phân loại với từng loại dự án là cơ sở để phân rõ trách nhiệm xử lý đối với từng đơn vị, sở, ngành. Việc xử lý cần thực hiện theo nguyên tắc là dự án lớn làm trước, nhỏ làm sau, tuân thủ tối thượng các quy định về gia hạn của Luật Đất đai và Luật Đầu tư; xử lý một số dự án, đặc biệt là một số dự án lớn, tạo đà xử lý các dự án khác.

Việt Anh