Đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp

- Thứ Năm, 29/09/2022, 05:33 - Chia sẻ

Với những nỗ lực không ngừng, chất lượng công tác đào tạo của tỉnh Long An đã được nâng lên, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, thị trường lao động. Vì vậy, trên 90% học sinh, sinh viên sau đào tạo có việc làm, đặc biệt các nghề thuộc lĩnh vực công nghệ kỹ thuật. Kết quả trên đã nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đến tháng 6.2022 đạt 72,49% (trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 31,41%). Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt 75%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35%.

Trên 90% học sinh, sinh viên sau đào tạo có việc làm

Phát triển giáo dục nghề nghiệp để nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thích ứng với những biến đổi nhanh chóng của thị trường lao động, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, hội nhập quốc tế và phát triển bền vững của tỉnh. Thời gian qua, Trung ương và tỉnh Long An đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư phát triển giáo dục nghề nghiệp; Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (Khóa XI) ban hành Chương trình đột phá đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp tỉnh.

Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Đại Tánh (áo tím) giới thiệu thế mạnh đào tạo nghề của Trường Cao đẳng Long An cho các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng
Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Đại Tánh giới thiệu thế mạnh đào tạo nghề của Trường Cao đẳng Long An cho các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng

Đến nay, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp được rà soát, sắp xếp, sáp nhập, giải thể để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt; việc đẩy mạnh xã hội hóa đem lại kết quả bước đầu, huy động được tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Cơ sở vật chất, thiết bị được đầu tư tăng cường; đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn theo quy định. Cùng với đó, chương trình, giáo trình thường xuyên được rà soát, cập nhật, bổ sung phù hợp với tiến bộ khoa học và công nghệ sản xuất nên chất lượng đào tạo được nâng lên, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, thị trường lao động.

Vì vậy, có trên 90% học sinh, sinh viên sau đào tạo có việc làm, đặc biệt các nghề thuộc lĩnh vực công nghệ kỹ thuật. Kết quả trên đã nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đến tháng 6.2022 đạt 72,49% (trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 31,41%), góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Phấn đấu 75% lao động qua đào tạo

Bên cạnh những kết quả đạt được, quy mô tuyển sinh đào tạo trình độ trung cấp và cao đẳng của tỉnh chiếm tỷ lệ thấp so với tổng số tuyển sinh đào tạo; đội ngũ nhà giáo thiếu so với quy mô đào tạo; thiết bị đào tạo một số ngành nghề chưa được đầu tư đầy đủ nên một số lao động sau đào tạo chưa đáp ứng đủ nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và thị trường lao động, nhất là đối với các ngành, lĩnh vực đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật cao.

Từ thực tế trên, để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực thời gian tới, theo Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Đại Tánh, tỉnh Long An sẽ tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình đột phá đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp tỉnh; Chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết của HĐND tỉnh sau giám sát chuyên đề về công tác cải cách giáo dục, trong đó có đề cập đến việc nâng cao chất lượng công tác dạy nghề.

Cùng với đó, tỉnh sẽ tập trung nâng cao hiệu quả thông tin, tuyên truyền về công tác phân luồng và đào tạo nguồn nhân lực; cung cấp thông tin, dữ liệu về tuyển sinh đào tạo nghề của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, về nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp cho các phương tiện truyền thông, các ứng dụng số, chú trọng triển khai trực tiếp đến các trường THPT, THCS trên địa bàn tỉnh. Nâng cao năng lực, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đầu tư Trường Cao đẳng Long An thành Trường Cao đẳng chất lượng cao. Triển khai chính sách thu hút để tuyển dụng nhà giáo; chọn cử nhà giáo viên định kỳ đi thực tập ở doanh nghiệp để tiếp cận công nghệ mới, nâng cao kỹ năng giảng dạy. Rà soát cập nhật, đổi mới chương trình, giáo trình để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực…

Tỉnh sẽ triển khai các hoạt động phân luồng học sinh. Đẩy mạnh xã hội hóa đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường liên kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh với doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các trường đại học trong nước và ngoài nước để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, thị trường lao động của tỉnh. Đồng thời, tiếp tục khảo sát nắm bắt nhu cầu đào tạo, sử dụng lao động của doanh nghiệp để xây dựng kế hoạch phát triển và quản lý nguồn nhân lực phù hợp với định hướng đầu tư, ưu tiên các ngành nghề có sử dụng công nghệ cao, tạo sự hợp lý giữa cung - cầu lao động, đáp ứng cho thị trường lao động.

Với những nhiệm vụ, giải pháp đang được triển khai và nỗ lực của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt 75%; trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35%, hoàn thành chỉ tiêu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghiệp và nông nghiệp của tỉnh trong lĩnh vực đào tạo lao động.

Bài và ảnh: BẢO QUYÊN