Đi tìm sự cân bằng

- Thứ Năm, 04/03/2021, 06:27 - Chia sẻ
Khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh gặp nhau vào hôm nay (4.3), dư luận quan tâm nhất là liệu họ có quyết định rằng nhu cầu dầu đã phục hồi đủ để nới lỏng sản xuất một lần nữa hay không, khi mà đại dịch Covid-19, vốn từng khiến lượng cung dầu phải siết chặt do lượng cầu giảm mạnh, vẫn chưa kết thúc.

Quyết định khó khăn

Theo Al Jazeera, OPEC và các đồng minh sẽ có một quyết định khó khăn trong cuộc họp hôm nay: Đó là thận trọng và giữ chặt nguồn cung hay coi đà tăng giá dầu thô hiện tại như dấu hiệu cho thấy nhu cầu dầu thế giới đã trở lại và đủ lành mạnh để nới lỏng việc sản xuất dầu. Giám đốc Sáng kiến An ninh năng lượng và khí hậu tại Viện Brookings Samantha Gross cho biết, “bạn gần như phải là nhà dịch tễ học để có thể hiểu được thị trường dầu ngày nay”.

Nguồn: Economics Times

Trong khi nguồn cung thắt chặt lẫn sự lạc quan về vaccine ngừa Covid-19 giúp đẩy giá dầu thô lên ở mức trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra trong những tuần gần đây, thì các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tiếp tục đe dọa sự phục hồi kinh tế toàn cầu đã khiến một số nhà cung cấp cảnh giác với việc dầu tràn ngập thị trường nhiều hơn những gì OPEC có thể xử lý.

OPEC và các đồng minh do Nga dẫn đầu, còn gọi là OPEC+, có thể thảo luận về khả năng cho phép quay trở lại thị trường toàn cầu 1,5 triệu thùng/ngày. Theo thỏa thuận hiện hành, OPEC+ sẽ tăng sản lượng thêm 500.000 thùng/ngày. Hiện tại, 7 triệu thùng vẫn còn ngoại tuyến.

Hôm 2.3, dầu Brent chuẩn toàn cầu đạt 63,71 USD/thùng trong khi dầu đạt 60,71 USD. Điều đó khác xa so với mùa xuân năm ngoái, khi đại dịch Covid-19 làm giảm mạnh nhu cầu dầu, thậm chí lần đầu tiên khiến giá dầu thô kỳ hạn rơi vào vùng âm và buộc OPEC+ phải kiềm chế sản lượng. Nhưng kể từ đó, nhiều nhà máy bị đóng cửa, đặc biệt là ở Trung Quốc và Ấn Độ, đã mở cửa trở lại, trong khi nhiều chuyến bay hơn đã được nối lại. Không ít lệnh đóng cửa và hạn chế đi lại đã được dỡ bỏ.

Nguồn cung dư thừa chưa từng có đã khiến giá dầu giảm trong năm ngoái. Nhưng nhờ việc OPEC+ cắt giảm sản lượng, thắt chặt nguồn cung đáng kể và phục hồi nhu cầu, thị trường dầu đã ổn định trở lại. Bên cạnh đó, các chiến dịch tiêm chủng đại trà đã thúc đẩy tâm lý lạc quan về khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, một số nhà phân tích vẫn còn một chút hoài nghi về đợt tăng giá dầu thô gần đây. Bà Gross đặt câu hỏi, “Liệu có phải nhu cầu đã thực sự quay trở lại? Và việc dỡ bỏ các biện pháp đóng cửa, phong tỏa có kéo dài được lâu? Ai biết được chúng ta sẽ ở trong tình trạng đó bao lâu?”

Câu hỏi về triệu thùng dầu

Sản lượng dầu đã tiếp tục giảm tháng trước sau khi nhà sản xuất lớn Ảrập Xêút quyết định tự nguyện hạn chế sản lượng nhiều hơn mức yêu cầu theo thỏa thuận OPEC+ cho tháng 2 và tháng 3.

Theo khảo sát của Bloomberg, sản lượng tháng 2 của OPEC giảm nhiều nhất trong 8 tháng sau khi Riyadh cắt giảm sản lượng gần 1 triệu thùng/ngày, tương đương 11%.

Ông Louise Dickson, nhà phân tích tại Rystad Energy, cho rằng: “Việc cắt giảm của Ảrập Xêút diễn ra vào thời điểm phù hợp cùng với sự lạc quan về vaccine ngừa Covid-19, đó là lý do tại sao chúng ta đang chứng kiến ​​đợt tăng giá nhẹ của dầu mỏ”.

Nhưng thị trường, dù vẫn cảnh giác với giá biến động tiêu cực của năm ngoái, đang háo hức xem kế hoạch của OPEC+ để thúc đẩy Ảrập Xêút tăng trở lại sản lượng 1 triệu thùng dầu của họ. “Chúng ta đến được đây sau 10 tháng Ảrập Xêút cắt giảm rất sâu sản lượng”. Theo ông Dickson, rất ít khả năng OPEC+ sẽ chuyển hướng sang chiến dịch đưa giá dầu lên mức 65 USD/thùng.

Nhưng các nhà quan sát vẫn lo ngại khả năng hai trong số các nhà sản xuất lớn nhất thế giới không có chung quan điểm về việc tăng sản lượng. Trong khi Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak phát biểu trên truyền hình nước này vào tháng trước rằng, thị trường dầu mỏ đang được tái cân bằng, báo hiệu khả năng sẽ thúc đẩy sản xuất, thì Ảrập Xêút vẫn tỏ ra thận trọng. Riyadh và Moscow từng có quan điểm khác biệt trong quá khứ và lý do giải thích điều này chính là ngân sách nhà nước. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ảrập Xêút cần dầu tăng lên 67,90 USD/thùng để cân đối sổ sách trong năm nay. Ngược lại, giá dầu hòa vốn của Nga thấp hơn nhiều.

Một số nhà phân tích cho rằng, thị trường hoàn toàn có thể tiêu thụ thêm nhiều thùng dầu vào thời điểm hiện tại. Ông Dickson cho biết: “Hiện tại nhu cầu tăng cao đến mức ngay cả khi OPEC+ tăng thêm 1,3 triệu thùng/ngày cho thị trường thế giới thì số đó vẫn được tiêu thụ hết”.

Trong khi đại dịch là nguyên nhân khiến các nước phải cắt giảm sản lượng dầu trong năm ngoái, thì thời tiết năm 2021 lại tỏ ra không phù hợp cho việc tăng sản lượng. Nga, ngay cả khi được bật đèn xanh để thúc đẩy sản xuất, đã không thể khai thác đủ dầu do thời tiết băng giá. Những trận bão lớn trong mùa đông năm nay cũng khiến các nhà máy lọc dầu ở Mỹ phải đóng cửa tạm thời. Bà Gross cho biết, tình trạng đóng băng sâu ở Texas làm sụt giảm một số lượng dầu đáng kể trên thị trường, và sản lượng mất đi đã khiến giá dầu Brent tăng ít nhất trong ngắn hạn. Tuy nhiên, bà cho rằng dầu đá phiến của Mỹ không còn là mối đe dọa đối với dầu Brent như trước đây.

Bà Gross nhận định: "Rõ ràng là tất cả các bên đều muốn tăng sản lượng, nhưng câu hỏi lớn nhất là tình hình dịch Covid-19 đang diễn biễn như thế nào và điều đó thật khó nói”. “Chúng ta vẫn chưa thoát khỏi dịch bệnh”, bà cảnh báo.

Linh Anh