Di sản tư tưởng F. Engels: Giá trị và sức sống thời đại

- Thứ Bảy, 28/11/2020, 00:52 - Chia sẻ
Nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh F.Engels (28.11.1820 - 28.11.2020), sáng 27.11, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương và Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia: “Di sản tư tưởng Ph.Ăng-ghen: Giá trị và sức sống thời đại”.

Hội thảo nhằm khẳng định những đóng góp, cống hiến quan trọng của F.Engels đối với quá trình hình thành, phát triển chủ nghĩa Marx; khẳng định giá trị và sức sống thời đại của Chủ nghĩa Marx - Lenin đối với cách mạng thế giới và cách mạng Việt Nam, nhất là trong bối cảnh hiện nay.

Phát biểu đề dẫn và khai mạc Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh, Hội thảo là dịp các chuyên gia, học giả, nhà nghiên cứu nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn về cuộc đời, sự nghiệp, nhân cách vĩ đại của F.Engels cùng với những đóng góp to lớn của ông đối với học thuyết Marx. Trên cơ sở đó, tiếp tục vận dụng, bổ sung và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Marx trong quá trình tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN hiện nay.

Xuất phát từ thực tiễn và luôn gắn với thực tiễn, học thuyết Marx là học thuyết mở, mang tính lịch sử - cụ thể, luôn đòi hỏi phải sáng tạo và đổi mới trong vận dụng. Bản thân K.Marx và F.Engels đã thường xuyên bổ sung, hoàn thiện lý luận của mình bằng thực tiễn hoạt động cách mạng phong phú. Chính F.Engels đã từng lưu ý: “Lý luận của chúng tôi là lý luận của sự phát triển, chứ không phải là một giáo điều mà người ta phải học thuộc lòng và lặp lại một cách máy móc”. Đó chính là nguyên tắc và là phương pháp luận vững chắc, sắc bén để bảo vệ, đồng thời tiếp tục vận dụng, bổ sung và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Marx trong bối cảnh mới.

Hơn 170 năm qua, kể từ khi "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản" ra đời, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử nhân loại và chịu sự công kích, chống phá từ nhiều kẻ thù tư tưởng khác nhau, Chủ nghĩa Marx vẫn tồn tại, đứng vững và có sức sống mãnh liệt bởi đó là một học thuyết khoa học, nhân văn, phát triển và giải phóng con người, học thuyết luôn được bổ sung, hoàn thiện bởi những người mác-xít chân chính. Do đó, học thuyết Marx-Lenin tiếp tục là nền tảng tư tưởng cốt lõi để tư duy và định hình đường lối phát triển thích ứng với sự thay đổi, phù hợp với bối cảnh và điều kiện mới.

90 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam lấy Chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đã lãnh đạo đưa con thuyền cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của gần 35 năm qua, một lần nữa, khẳng định sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lênin của Đảng ta trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội của Việt Nam và do chính con người Việt Nam thực hiện.
“Kỷ niệm 200 năm ngày sinh F.Engels, bằng luận giải sâu sắc những đóng góp, cống hiến to lớn của ông đối với sự nghiệp giải phóng nhân loại, giải phóng con người, chúng ta càng kiên định, vững vàng trên nền tảng Chủ nghĩa Marx - Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh mà Đảng ta đã lựa chọn; nâng cao trách nhiệm khoa học, tình cảm và sự ngưỡng mộ của những người đi theo lý tưởng XHCN và cộng sản chủ nghĩa, kiên quyết đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, lệch lạc, chỉ ra những cách hiểu sai, hiểu chưa đúng để bảo vệ giá trị khoa học và cách mạng của học thuyết Marx - Lenin”, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.

Cùng với 60 bài tham luận được gửi đến Hội thảo, các đại biểu dự Hội thảo đã đóng góp nhiều nội dung sâu sắc khẳng định vai trò to lớn của F.Engels, người đã cùng với K.Marx sáng lập học thuyết Marx. Bằng những cách tiếp cận và nghiên cứu những vấn đề, chủ đề độc lập khác nhau nhưng sự kỳ diệu là các ông đều đạt đến sự nhất quán về quan điểm, lý luận và phương pháp giải quyết những mâu thuẫn của xã hội đương thời. Thông qua những công trình lý luận đồ sộ, F.Engels đã cùng với K.Marx từng bước xây dựng một học thuyết khoa học mới. Tháng 2.1948, được sự ủy nhiệm của Liên đoàn những người cộng sản, F.Engels đã cùng với K.Marx soạn thảo và công bố tác phẩm bất hủ “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”. Đây là tác phẩm đánh dấu sự chín muồi của chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa xã hội phát triển từ không tưởng trở thành khoa học. Từ đây Chủ nghĩa Marx chính thức trở thành vũ khí lý luận khoa học sắc bén để giai cấp công nhân thực hiện sứ mệnh lịch sử giải phóng bản thân mình và giải phóng toàn nhân loại.

Theo TTXVN