Kỷ niệm 90 năm thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26.3.1931 - 26.3.2021)

“Đẹp như hoa hồng, cứng hơn sắt thép”(*)

- Thứ Sáu, 19/03/2021, 05:33 - Chia sẻ
Với bầu máu nóng và trái tim rực lửa, bao thế hệ thanh niên đã dũng cảm xông pha nơi chiến trường ác liệt; rèn luyện bản lĩnh trong các nhà tù thực dân, đế quốc để bảo vệ và xây dựng Tổ quốc thân yêu.
Bà Đỗ Hồng Phấn kể lại những năm tháng chiến đấu hào hùng

Theo tiếng gọi non sông, khi tiếng súng Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, bao lớp thanh niên nô nức tòng quân với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Những câu chuyện như cựu chiến binh Nguyễn Xuân Mai giấu thêm mấy cục sắt vào người cho đủ cân nặng để được nhập ngũ; hay anh hùng Cao Xuân Thọ vừa chỉ huy, vừa trực tiếp phá hơn 100 quả bom các loại, được đơn vị 4 lần làm lễ truy điệu sống trước khi ông ra trận… trong trưng bày "Một thời sôi nổi" khai mạc sáng 18.3, tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội, đã làm sống lại một thời sôi nổi của lớp lớp thanh niên “đẹp như hoa hồng, cứng hơn sắt thép”.

Có mặt tại lễ khai mạc trưng bày, bà Đỗ Hồng Phấn (sinh năm 1933), cựu tù Hỏa Lò, nhớ lại những kỷ niệm về quãng đời học sinh, thời bà và các bạn mình tham gia hoạt động kháng chiến và bị bắt nhốt tại nơi này. Đó là những ngày bà tham gia cuộc bãi khóa 12 ngày của hơn 4.000 học sinh, sinh viên và lễ truy điệu anh Trần Văn Ơn tại Hà Nội, mở đầu cao trào học sinh kháng chiến năm 1949 - 1950 trên khắp cả nước. “Khi đó, tôi còn ít tuổi nhưng đã hăng hái tham gia các phong trào đưa thư vận động bãi khóa, in truyền đơn, ném truyền đơn và hoạt động tích cực trong Đoàn học sinh kháng chiến”.

Tích cực tham gia nhiều phong trào nên tuy là học sinh Trường Chu Văn An, bà Phấn được Thành Đoàn phân công làm Bí thư Chi đoàn học sinh kháng chiến Trường nữ sinh Trưng Vương. Bà đã cùng Ban Chấp hành Chi đoàn vận động treo cờ đỏ sao vàng to bằng vải trong khuôn viên trường Trưng Vương, kết hợp ném truyền đơn và đốt pháo ăn mừng nhân sự kiện Chiến dịch Biên giới thắng lợi.

“Thực dân Pháp đã ra tay khủng bố, bắt hàng loạt nữ sinh tại trường. Tôi bị chúng bắt khi đang trao đổi thông tin và chuyển tài liệu. Tại xà lim đế quốc, tôi đã viết lên tường bốn khẩu hiệu: Cách mạng vô sản thế giới thành công muôn năm! Kháng chiến thành công muôn năm! Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!…”, bà Phấn nhớ lại.

Những học sinh, sinh viên chưa đủ 18 tuổi như bà Phấn đã ở lại trong lòng thành phố nơi địch tạm chiếm, tổ chức các hoạt động bãi khóa, biểu diễn văn nghệ, xuất bản báo… khiến Hà Nội thời tạm chiếm luôn biến động, kẻ thù luôn nhức nhối, tìm mọi cách đàn áp. Báo Nhựa sống được Đoàn học sinh Kháng chiến Thủ đô xuất bản, phát hành bí mật trong các trường học, có một sức sống mãnh liệt, tràn trề “nhựa sống” của tầng lớp học sinh, sinh viên kháng chiến Hà Nội những năm đầu thập niên 1950.

Góp phần vào việc tổ chức in và phát Báo Nhựa sống khi ấy, ông Dương Tự Minh đã tích cực tổ chức phân phát báo cho các bạn học. Ông kể, khi đi học thường cho báo vào cặp, đến khi ra chơi thì lén đặt vào ngăn bàn các bạn trong lớp. Sức tuyên truyền của tờ Báo Nhựa sống có sự lôi cuốn mạnh trong tầng lớp thanh niên, học sinh, sinh viên khiến kẻ địch rất hoang mang nên chúng tổ chức triệt phá tờ báo. Tháng 10.1952, ông bị bắt và giam tại Hỏa Lò khi mới 17 tuổi.

 “Lớp học sinh chúng tôi ngày ấy mặc dù không được vinh dự trực tiếp cầm súng chiến đấu với quân thù, nhưng đã đấu tranh trong vùng tạm chiếm đầy hiểm nguy. Chúng tôi không sợ tù đày, bắt bớ, Đảng, Đoàn giao cho việc gì là làm, việc gì khó cũng không ngại. Tham gia chuyển, phát báo, chúng tôi vận động thanh niên chống văn hóa trụy lạc, chống đàn áp bắt bớ. Sau này, tổng kết lại, tất cả học sinh kháng chiến chúng tôi, cả trường công, trường tư, trường kỹ nghệ, người nào bị bắt cũng chịu đòn, không khai, đảm bảo được bí mật”, ông Nguyễn Gia Thể kể.

_________

(*) Câu thơ trong bài “Chúng con chiến đấu” của tác giả Nam Hà

Hương Sen