Xem - Nghe - Đọc

"Đẹp là một nỗi đau"

- Chủ Nhật, 04/04/2021, 08:07 - Chia sẻ
Thế nào một cuốn sách hay? Với tôi thì đó là thứ văn chương thiết tha với những thứ tưởng chừng như vô nghĩa và vô ích; và nó nhận thức được rõ sự vô ích và vô nghĩa của mình, cũng như nhận thức được rõ ràng “viết là một đam mê bất hợp lý”, nhưng mặc kệ tất cả, nó vẫn kiên định theo đuổi sự bất hợp lý ấy.

Và đây là 5 cuốn sách gần đây tôi yêu thích.

1. 2666 - Roberto Bolaño

Trong tiểu luận “Di sản bị mất giá của Cervantes”, Milan Kundera viết: “Tinh thần tiểu thuyết là tinh thần của sự phức tạp. Mỗi cuốn tiểu thuyết nói với độc giả: Sự vật ở đời phức tạp hơn ta tưởng. Ðó là chân lý vĩnh cửu của tiểu thuyết (…).” Chiếu theo tinh thần ấy thì  "2666" quả đáng được nhận một tràng pháo tay.

Tôi buộc phải rào trước rằng, cuốn sách này là một bản thảo không thể phân tích hay bình giải. Không chỉ vì nó đồ sộ, mà vì 2666 quá phức tạp, quá rắc rối, thiếu vắng một trọng tâm nhất định, và bất chấp có một đầu mối liên kết chung xuyên suốt qua các phần, nó không thể ngăn cản việc câu chuyện phun trào theo mọi hướng, không thể khoanh vùng hay giới hạn, và tất cả các tình tiết luôn ở trạng thái ly tâm, văng ra khỏi xương sống ban đầu.

2666 nói về mọi thứ. Mặc dù đó không phải là cách hay nhất để tóm gọn một cuốn tiểu thuyết, nhưng với riêng cuốn sách này, chỉ có thể mô tả như vậy. Những người làm sách không thích điều đó, nên buộc lòng, họ phải tìm ra một cách diễn giải cụ thể và dễ mường tượng hơn, kiểu như, câu chuyện kể về một nhà văn Đức mất tích và những vụ án mạng liên hoàn tại thành phố hư cấu Santa Maria - lấy cảm hứng từ loạt tội ác có thật ở vùng biên giới Mỹ và Mexico, nơi vốn là cái ổ của tội ác, nơi mà Orson Welles từ 1958 đã từng lột tả trong bộ phim kinh điển Touch of evil (Cái chạm của quỷ dữ), nơi phủ bóng của lũ tội phạm bạo ác. Nhưng một mô tả như thế cũng chẳng khác nào nói rằng Once upon a time in… Hollywood của Quentin Tarantino nói về cái chết kinh hoàng của nữ diễn viên Sharon Tate mà gia đình Manson điên loạn gây ra. Ta đơn giản là không thể giản lược vụng về và thô sơ theo cách đó.

Và rồi sau khi dẫn ta đi một vòng khắp từ châu Âu đến Nam Mỹ, từ thời Hitler đến hậu 11.9, 2666 kết thúc một cách đột ngột như một bản thảo dở dang. Không một nút thắt nào được gỡ bỏ, không một câu chuyện nào đi đến một chung cuộc nào. Thậm chí không thể nói 2666 có một cái kết mở, nó đơn giản là bị bỏ ngỏ, một vụ án mà tất thảy mọi người cùng đeo mang, tất cả mọi người cùng liên đới, không có một thủ phạm nào cả bởi có vẻ như cả thế giới đó là thủ phạm, thậm chí, tất cả mọi người đã thông đồng để lờ nó đi hoặc để nhúng tay vào tội ác đó.

Tội ác trải rộng và tội ác hồi quy. Ở một đoạn văn, nhân vật nhà văn Archimboldi, một cựu binh Quốc Xã cảm thấy như vũ trụ đang đổ ụp lên người mình. Nhưng sao nữa? Ông vẫn tiếp tục sống. Tận thế luôn mấp mé, nhưng nó chưa bao giờ đến và có lẽ không bao giờ đến, không có dấu hiệu nào rằng rồi nó sẽ có một kết thúc. Điều đáng nguyền rủa nhất là ở đó. Thế giới không bao giờ kết thúc và luôn luôn, nó sống trong năm 2666, bên bờ địa ngục và diệt vong, nhưng sẽ không bao giờ thực sự diệt vong...

Nguồn: ITN

2. Căn phòng của Giovanni (Giovanni’s room) - James Baldwin

James Baldwin ra đời năm 1924. Tình cờ hay định mệnh, đó cũng là năm phong trào Phục Hưng Harlem chính thức khởi điểm. Năm 13 tuổi, Baldwin có bài báo đầu tiên đăng trên tạp chí trường trung học, với tựa đề: “Harlem, ngày đó và bây giờ”. Harlem, khu phố của người Mỹ gốc Phi, nơi những Langston Hughes, Martin Luther King, Malcolm X, Ralph Ellison, George và Ira Gershwin, Oscar Hammerstein, anh em nhà Marx, Louis Armstrong, Billie Holiday, Fats Waller, Nina Simone đều từng một thời lưu trú, là mối quan tâm suốt đời của James Baldwin.

Sau tiểu thuyết đầu tay Go tell it on the mountain lấy bối cảnh Harlem, độc giả chờ đợi tác phẩm thứ hai của James Baldwin cũng là một tiểu cảnh Harlem nữa, nhưng không, đến Căn phòng của Giovanni, Baldwin thoát ly khỏi Harlem, thậm chí, khỏi nước Mỹ, đẩy nhân vật của ông đến Paris và Cựu lục địa, và nhân vật của ông, lần này, thậm chí còn không phải một người da đen, mà là một người đàn ông da trắng: “Tổ tiên tôi từng chinh phục một lục địa, băng qua những bình nguyên đầy chết chóc, cho tới khi họ đến một đại dương quay lưng lại châu Âu nhìn vào một quá khứ tăm tối hơn” - không phải một chủng tộc Caucasian thượng đẳng và kiêu hãnh, mà là những kẻ chinh phục đã vượt qua địa ngục để chỉ đành đoạt lấy một miền đất buồn.

Giờ đây, David, một người đàn ông Mỹ da trắng quay lại nơi bắt đầu, để, như trong cuốn tiểu luận Một câu hỏi về danh tính mà Baldwin từng viết, “chịu đựng những ống nước tồi tàn của Paris, những nhà tắm công cộng, tuổi đời của Paris, và sự bẩn thỉu - để theo đuổi một điều kỳ cùng nào đó, bí ẩn và đa phần là không thể diễn giải rõ, mà có thể gói gọn lại một cách tùy tiện trong một động từ là học”. Dĩ nhiên, sự học mà ông nhắc đến ở tiểu luận này là làm một sinh viên, còn trong Căn phòng của Giovanni, nhân vật chính đã học về những cặn lắng trong bản ngã của mình, anh thả mình vào một dung môi mới, để những cặn lắng cũ xưa nổi lên - anh bị kéo vào một cuộc tình không thể cưỡng bách với một chàng trai tên Giovanni.

Khi James Baldwin quyết định di cư sang Paris vào năm 24 tuổi, ông nói không muốn mình được đọc “chỉ như một người da đen; hay, thậm chí, chỉ như một cây bút da đen”. Có lẽ đó là một phần nguyên nhân khiến Căn phòng của Giovanni là một cuốn sách toàn-tập-trắng. Nhưng chính qua sự phản tư của một người đàn ông da trắng bỗng thấy mình bị dạt ra vùng biên và lâm vào tình thế “đồng tính”, anh ta sẽ chiêm ngưỡng thế giới bị màu đen chiếm lấp ra sao. Màu đen không chỉ là một màu da, mà ở đây, nó hiện diện trong bóng tối, trong những ngày nhập nhoạng Paris, trong một cuộc sống lấp liếm bên dưới bề mặt đời sống thường nhật, trong nỗi âu lo ngột ngạt bị phát giác, trong chính căn hầm mục rữa của tâm hồn anh, nó là tất cả những gì đối lập với ánh sáng lóa mắt của một người đàn ông da trắng dị tính.

Vậy là, sẽ có lúc, ngay cả một người da trắng cũng sẽ sa vào bóng đen, ngay cả một kẻ ở trung tâm cũng sẽ thấy mình đã mất phương hướng và kẹt ở phía ngoại vi. Đen - trắng, đồng tính - dị tính, chúng chỉ là ẩn dụ của những xung đột giữa sự thật về con người và những kỳ vọng không tưởng mà ngoại cảnh áp đặt lên con người. Nhưng để làm gì? Đằng nào thì con người dù đội lốt ra sao, đen hay trắng, cũng không qua mặt được những nỗi đau tham lam đã rình sẵn để ngốn ngấu lấy họ.

3. Đẹp là một nỗi đau (Cantik Itu Luka) - Era Kurniawan

Điều kinh ngạc nhất của cuốn sách này là khi viết nó, tác giả người Indonesia mới chỉ 27 tuổi, và thật khó tưởng tượng, ở vào độ tuổi ấy, người ta có thể viết được một thiên tiểu thuyết công phu và tham vọng và hay từ đầu chí cuối như vậy.

Đẹp là một nỗi đau bắt đầu bằng khúc dạo xứng đáng được xếp trong những câu văn mở đầu ám ảnh và bí ẩn bậc nhất của văn chương đương đại: "Một buổi chiều cuối tuần tháng Ba, Dewi Ayu bước ra khỏi ngôi mộ của bà sau khi đã chết hai mươi mốt năm". Từng là cô gái điếm đẹp huyền thoại của Halimunda, Dewi Ayu trở về căn nhà nơi bà đã sống và chết, bàng hoàng nhận ra đứa con gái thứ tư thoát thai từ tử cung của bà có một gương mặt gớm ghiếc dị hợm.

Cũng như García Márquez đã trần thuật về thời kỳ thuộc địa và giành độc lập của Colombia từ điểm nhìn đầy hoang đường và truyền kỳ về dòng họ nghiệp chướng Buendía trong Trăm năm cô đơn, Eka Kurniawan phơi bày tấn kịch của đất nước Indonesia bằng cách buộc mọi dòng chảy lịch sử đổ dồn tại giao điểm thứ nhất, thành phố duyên hải tưởng tượng Halimunda với thủy tổ là cuộc hôn phối của nàng công chúa xinh đẹp nhất cùng một con chó đực, và giao điểm thứ hai, nòi giống của cô điếm Dewi Ayu - một nòi giống nảy sinh từ tội lỗi. Và cũng như García Márquez, Kurniawan thổi phồng căng lịch sử bằng một chiếc máy bơm, cùng một lúc phóng đại những sự thật - biến hiện thực thành huyền ảo, cùng một lúc tẩy trần sự thật...

Và để kết lại, tôi xin dành một phút quảng cáo cho Eka Kurniawan: ông không chỉ đầy tính sử thi, lộng ngôn như Gabriel García Márquez, ông còn hài hước như Nikolai Gogol, hoành tráng như Hermann Melville, giàu trí tưởng tượng như Salman Rushdie, khéo léo kể những chuyện hấp dẫn một cách vô nghĩa (hay một từ khác gần với “vô nghĩa”: “hư vô”) như Haruki Murakami).

4. Những cậu bé kẽm (Tsinkovye malchiki) - Svetlana Alexievich

Gọi Những cậu bé kẽm là tư liệu cũng được, nhưng gọi là một câu chuyện về sự vỡ lẽ của tuổi trưởng thành cũng được, theo nghĩa hắc ám nhất: khi ra đi, những người lính ấy là những cậu trai mê khiêu vũ; còn khi trở về từ chiến trường, họ trở thành kẻ máu lạnh; khi ra đi, họ chẳng sợ gì chỉ sợ lũ nhện thôi, còn khi trở về, nhưng họ đâu trở về nữa.

Svetlana Alexievich đã kể lại tất cả những câu chuyện bằng một thứ ngôn ngữ như bước thẳng ra từ cơn ác mộng, cuốn đi những giấc mơ bồng bột của một chủ nghĩa anh hùng vấy bẩn. Những tiếng nói của các nhân vật được bà sắp xếp và đẽo gọt vừa lộn xộn, vừa nhịp nhàng, vừa vô thức như một lời nói mớ, như một lời kêu cứu từ cõi ký ức hỗn mang họ đã cố gắng dìm xuống đáy nhưng bằng cách nào đó chúng vẫn lộ ra.

Cuốn sách cho thấy tính văn chương không bị giới hạn trong thể loại hư cấu, và các cây bút phi hư cấu không hề là những cây bút hạng hai. Vấn đề không phải bạn viết gì, vấn đề bạn viết hay hay dở. Như Alexievich, bà không phải một Beethoven hay Mozart trong văn học, đúng, vai trò của bà không phải một nhà soạn nhạc. Bà có lẽ giống như Claudio Abbado hay Herbert von Karajan - một nhạc trưởng dẫn dắt và điều phối trên sân khấu. Có ba lớp giọng chính trong Những cậu bé kẽm: những người đàn ông ra trận - những người đàn bà bị đẩy ra tiền tuyến - những bà mẹ mất con; ba bè nhạc khi thì thào, khi dữ dội, khi nức nở, khi bất cần, khi nguyền rủa, ngân nga và hiệp đồng và vang vọng lẫn nhau. Mỗi tiếng nói là một nhạc cụ kể một câu chuyện riêng, nhưng nhập lại, chúng cùng hát một bản giao hưởng mang tên Mất mát.

Và một người nhạc trưởng có tạo ra âm thanh nào đâu, một người nhạc trưởng tưởng như chỉ vung vẩy cây đũa cho đẹp mắt, nhưng không có nhạc trưởng, bản nhạc sẽ câm.

5. Vận mệnh người lính tốt Švejk trong đại chiến thế giới - Jaroslav Hašek

Michael Palin, cựu thành viên của Monty Python, gánh hài vẫn được coi là The Beatles trong hài kịch Anh, sau khi nghỉ hưu từng làm chuyến chu du thế giới và khi được hỏi những người nào là người hóm nhất thế giới, ông đáp: “Ngài Dalai Lama hết sức vui tính. Ồ, vâng. Ngài ấy chẳng bao giờ ngưng cười được. Nhưng, trên tư cách một quốc gia thì tôi nghĩ dân Séc rất là hóm đấy”.

Dân Séc hóm thật, các nhà văn của họ có thể rất khác nhau nhưng tựu trung đều ít nhiều vui tính. Jan Neruda hài hước một cách vô thưởng vô phạt và bình dân học vụ. Karel Čapek châm biếm sự suy đồi của xã hội người một cách đầy quái quỷ và giàu trí tưởng tượng. Milan Kundera thì khỏi cần dông dài, không ai tâm huyết với tiếng cười như Kundera, nâng nó lên thành một thứ lý thuyết và là cốt lõi của nghệ thuật tiểu thuyết. Và đừng nói Franz Kafka không buồn cười, bất cứ ai khi đọc đến đoạn anh chàng đạc điền K trong lâu đài nằm ngủ ở quán trọ và cứ một lúc những người giúp việc lại vào lôi đống đồ đạc mà K nằm đè lên cứ như thể anh ta cũng chả hơn gì cái ga trải giường hẳn cũng cười rúc rích. Nhưng nói về tiếng cười đặc trưng cho người Séc, chắc khó ai qua được Jaroslav Hašek và anh lính Švejk của ông. Cái sự hài của anh lính Svejk không hề ý nhị tí nào mà nó khiến người ta cười thành tiếng, ôm bụng cười, bò lăn ra mà cười.

"Thế là họ giết mất Ferdinand của chúng ta rồi”, bà giúp việc nói với Švejk, người lính đã giải ngũ những năm trước đây, sau khi bị ban quân y ra tuyên bố kết luận rằng anh là một kẻ ngu độn.

Trên đây là phần mở đầu rất nổi tiếng của cuốn tiểu thuyết Vận mệnh người lính tốt Švejk trong đại chiến thế giới của nhà văn Séc Jaroslav Hašek. Với những người không ngu độn thì Ferdinand chính là vị thái tử của Đế quốc Áo - Hung (sự kiện này sẽ thổi phồng thành Chiến Tranh Thế Giới thứ nhất), nhưng vì Švejk là người ngu độn nên anh ta liền hỏi bà giúp việc của mình rằng cái ông Ferdinand ấy có phải là thằng hầu của ông bán hàng vệ sinh từng uống nhầm lọ dầu gội đầu hay cái thằng Ferdinand chuyên đi hốt phân chó.

Từ đây, cuộc phiêu lưu của Švejk bắt đầu, từ trong đồn cảnh sát đến nhà thương điên, từ bệnh viện đến trên đường, từ lúc đi bán chó cho đến khi làm người hầu của tuyên úy rồi bị sang nhượng cho trung úy Lukáš, đi đến đâu thì tính nực cười cũng diễn ra một cách đồng đẳng với nơi trước đó. Đồn cảnh sát cũng là sân khấu hài kịch hệt như nhà thương điên cho Švejk “diễn trò”.

Tuy nhiên, sự hài hước có thể là tài sản lớn nhất của Švejk thì cũng là vũ khí lớn nhất chống lại sự diễn giải về anh. Vì anh quá buồn cười, nên anh chỉ có thể buồn cười. Cơn cười quặn thắt mà Jaroslav Hašek cù lét vào người đọc khiến ta quên mất thật ra mình đang cười vì cái gì.

Švejk luôn thoát hết kiếp nạn này tới kiếp nạn khác không phải nhờ trí khôn dân gian của anh ta, mà nhờ sự ngu độn. Nhưng chính điều đó khiến ta tự hỏi, vậy thì anh ta có ngu độn thật hay không? Khi bị bắt làm tù binh, người hạ sĩ trông coi Švejk bảo anh có thể phóng uế ra ngoài cửa sổ, nhưng Švejk bảo theo quy định thì tù nhân không được tới gần cửa sổ, rồi nhắc thêm rằng đối với tù binh thì cái gì cũng phải đem đến tận nơi vì tù binh thì đâu được tự lo mọi chuyện! Švejk đảo lộn bản chất của tất cả mọi việc bằng cách tin tưởng sâu sắc vào bản chất đó, anh ta đi vào sơ hở của những định nghĩa và luật lệ, và như một con chuột lách vào những khe hẹp để gặm mòn cả cái thế giới này. Khi bị hỏi “Anh có phải người ngu độn không?”, Švejk đáp dõng dạc là có. Sự biết chắc mình ngu cho phép anh ta nhiều lần trở thành “bình vôi” vô hại. Thú vị ở chỗ người đọc không ai có cảm giác Švejk là nạn nhân của cha tuyên úy suy đồi, của chế độ chính trị suy vong, của quân đội suy kiệt, anh ta bị trói buộc nhưng anh ta lại có vẻ tự do tung tẩy và vô chính phủ hơn bất cứ ai. Ai đó có thể trở thành một nạn nhân khi anh ta tươi tỉnh đón nhận những thứ như thế không? Anh ta là tù nhân hay không phải tù nhân – nếu là tù nhân, tại sao anh ta luôn biết cách len lách qua những “chấn song” để làm người khác tức phát điên, nếu không là tù nhân, tại sao anh ta lại phải răm rắp theo sự sắp đặt của người khác? Švejk cheo leo giữa ngu ngốc và khôn lanh, giữa điên rồ và minh mẫn, giữa tự do và giam cầm, giữa phản nghịch và trung thành, giữa vô hại và nguy hiểm.

Nhiều người nuối tiếc vì Švejk chưa bao giờ trở thành một đề tài được diễn giải kỹ lưỡng như Josef K của Franz Kafka, dù họ cùng rơi vào một mê cung của hệ thống quyền lực lắt léo và không thể nào hiểu được. Nhưng có thật cần thiết không? Một khi cuốn sách này biến thành một bản mật ngữ của triết học hiện sinh hay triết học phi lý hay bất kể học thuyết nào, e rằng người ta sẽ quên mất phải cười vì nó. Nhìn Josef K mà xem, Kafka có thể đã cười ngã ngửa đoạn anh ta bị bắt mà chả biết mình mắc tội gì, nhưng ngày nay còn bao nhiêu người cười vì chi tiết ấy? Họ đều nghĩ đó là một bi kịch kinh hoàng. Và, theo cái cách Kundera từng nói sẽ rất đáng buồn nếu có ngày Panurge không còn khiến người ta cười nữa, sẽ rất đáng buồn nếu có ngày Švejk khiến ta thôi không cười nữa. Hãy để Švejk là một anh ngốc mua vui như anh ta vẫn là, rồi một lúc nào đó trong đời, ta sẽ nhận ra mình cũng đã “mắc lỡm” như trung úy Lukáš.

Hiền Trang