Theo Wikipedia, Tanah Lot có nghĩa là “Đất trong biển” trong tiếng Bali. Nằm ở vùng Tabanan, cách thành phố Denpasar khoảng 20 cây số, Tanah Lot tọa lạc trên một khối đá lớn rộng khoảng 3 mẫu Anh ở ngoài khơi, vốn được sóng thủy triều “tạo hình” thường xuyên, năm này qua năm khác. Ngôi đền được cho là “tác phẩm” của nhà tu Nirartha từ thế kỷ thứ XV. Trong suốt chuyến đi của mình dọc bờ biển phía nam, ông đã phát hiện ra một hòn đảo đá tuyệt đẹp và quyết định dừng chân nghỉ ở đó. Một vài ngư dân đã trông thấy và mua quà tặng ông. Đêm đó, Nirartha đã ngủ lại trên hòn đảo nhỏ và rồi ông khuyên ngư dân địa phương xây một ngôi đền tại đây vì ông cảm thấy chốn này là nơi linh thiêng để thờ phụng các vị thần biển của người Bali.
Như vậy là, đền Tanah đã được xây dựng và trở thành một phần trong thần thoại Bali trong nhiều thế kỷ qua. Nó là một trong bảy ngôi đền biển quanh bờ biển Bali. Mỗi đền được xây dựng hướng mặt tới ngôi đền khác để tạo thành một chuỗi dọc theo bờ biển phía tây nam.
Dưới thềm đảo, người ta nuôi những con rắn biển có nọc độc để bảo vệ ngôi đền khỏi những vong hồn đen tối hay những kẻ đột nhập. Tương truyền, một con rắn khổng lồ bảo vệ đền được tạo ra từ chiếc khăn quàng của tu sĩ Nirartha khi ông bắt đầu xây dựng hòn đảo. Vào năm 1980, nền đá của Tanah Lot bắt đầu rạn vỡ khiến khu vực trong và xung quanh đền trở nên nguy hiểm. Chính phủ Nhật Bản đã trợ giúp cho Indonesia một khoản vay trị giá khoảng 130 triệu USD để bảo tồn ngôi đền lịch sử này cũng như nhiều địa danh quan trọng khác quanh Bali. Kết quả là một phần ba số đá trên đảo chỉ là đá nhân tạo được cài khéo léo vào đá thiên nhiên mà con người không dễ nhận ra.
Khách du lịch muốn tới được ngôi đền từ bãi biển phải đi qua một hành lang dài 50m tạo nên bởi đá và cát đen. Vì ngôi đền chỉ chấp nhận người có đức tin nên những ai muốn cầu nguyện hay thực hiện các hoạt động tín ngưỡng mới được phép vào bên trong.