Đến chợ Thụt mua may bán rủi

- Thứ Hai, 06/12/2021, 13:00 - Chia sẻ
Ở phiên chợ Thụt, người mua không mặc cả, người bán không nói thách, và ai đến chợ cũng mua một món gì đó, là cân măng, cân nấm, hay chiếc bánh nẳng, bánh con dê… mang về làm quà hoặc kỷ niệm.
Chợ Thụt họp vào ngày 2 tháng 2 Âm lịch hàng năm - Nguồn: tuyenquang.gov.vn
Chợ Thụt họp vào ngày 2 tháng 2 Âm lịch hàng năm
Nguồn: tuyenquang.gov.vn

Nhiều người từng đi chợ tình Khâu Vai (Hà Giang) hay chợ Viềng (Nam Định), nhưng vẫn ngờ ngợ khi nghe nói đến chợ Thụt (xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang). Chợ Thụt cũng chỉ họp mỗi năm một lần, vào dịp đầu năm, và cũng là phiên chợ mua may, bán rủi như chợ Viềng. Một vài người, đi chợ Thụt chỉ bởi muốn gặp lại người mình từng thương; có những đôi vợ chồng, đi chợ là để đến đúng góc chợ từng hò hẹn buổi đầu.

Độc đáo nhất của phiên chợ này có lẽ là chẳng thấy ai vội vã ngược xuôi, người bán, kẻ mua đều thong dong, cười nói. Chợ cứ đông đúc, nhộn nhịp như thế từ lúc họp đến lúc tan. Và có cả những khi câu chuyện còn dang dở nên đến khi trời tối, vẫn còn những tốp thanh niên nấn ná ở lại một lúc lâu nữa.

Ở phiên chợ Thụt, người mua không mặc cả, người bán không nói thách - Ảnh: Quang Hòa
Ở phiên chợ Thụt, người mua không mặc cả, người bán không nói thách 
Ảnh: Quang Hòa

Chợ Thụt họp vào ngày 2 tháng 2 Âm lịch. Du khách đến Tuyên Quang, nhiều người chỉ canh đúng dịp này để được đi phiên chợ Thụt một lần cho biết. Ở chợ Thụt, cái gì cũng có, từ quần áo, dày dép đến đồ ăn thức uống, cả chín, cả sống, nên không ai chạy ù đến rồi về, mà dành thời gian thăm thú, trải nghiệm mọi không gian, hoạt động ở đây.

Nhiều nhất ở phiên chợ Thụt là bánh, bánh chưng, bánh dày, bánh nẳng, bánh sừng bò, bánh gai, bánh dợm… nhưng đông nhất vẫn là hàng bánh dê. Một phần vì chỉ có chợ Thụt mới có bánh dê, một phần vì đồng bào ở đây quan niệm, đầu năm mà ăn bánh dê thì cả năm sẽ may mắn, sung túc. Bánh dê làm từ bột sắn, nặn hình con dê ngộ nghĩnh rồi cho vào chảo rán vàng. Người vào mua thường ngồi lại ăn, xong mua một ít về làm quà cho con cháu.

Chợ Thụt nằm ở thôn Thụt, xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên. Theo lời kể của người dân địa phương, từ xa xưa nơi này là đoạn hõm của sông Lô, thuyền bè khó neo đậu do dòng nước xoáy đẩy lên thụt xuống và cũng chính từ đó địa danh thôn Thụt và chợ Thụt ra đời. Xưa, chợ Thụt hoạt động không giống bây giờ. Hồi bến nước ở thôn Thụt còn sâu, nhiều nước (lấy từ đỉnh dãy Chạm Chu), mỗi dịp chợ phiên đầu năm, lái buôn từ khắp nơi đổ về, những lúc ấy, thuyền ở bến Thụt kín đặc, không một khoảng trống. Lái buôn sẽ mang muối, đường, thuốc Tây... từ dưới xuôi lên đây bán; đồng thời mua lại nông sản của đồng bào về bán dưới xuôi.

Sau này đường sá được mở, đi lại dễ dàng, bến Thụt không còn là cửa ngõ vào thôn Thụt nữa, phiên chợ đầu năm ấy cũng không còn nhộn nhịp kéo dài. Nhưng vẫn có những người già 60 - 70 tuổi chưa năm nào quên đến chợ Thụt. Cứ ăn Tết xong, công việc gieo trồng vụ Xuân tươm tất, các bà, các mẹ lại dệt, may các sản phẩm từ vải thổ cẩm truyền thống, để kịp mang đến chợ Thụt đúng ngày phiên.

Gần chục năm trở lại đây, chính quyền địa phương đã khôi phục và duy trì phiên chợ Thụt nên đông vui hơn rất nhiều. Quy mô tổ chức lớn hơn và phiên chợ không chỉ dành cho đồng bào nơi đây mà còn thu hút đông đảo du khách từ Yên Bái, Hà Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc… Trong phiên chợ Thụt bây giờ còn có một số trò chơi dân gian của đồng bào Dao, Tày, Mông, Nùng, Pà Thẻn như đua ngựa, chọi ngựa, ném còn…

Ở phiên chợ Thụt, đắt khách nhất là hàng bánh dê - Nguồn ITN
Ở phiên chợ Thụt, đắt khách nhất là hàng bánh dê
Nguồn ITN

Dù có khác một chút về quy trình tổ chức hay hàng hóa bày bán trong phiên chợ…, nhưng cái háo hức của người già, con trẻ trong bản chờ đến ngày được đi chợ phiên; những cặp mắt tình tứ của trai gái đến tuổi yêu đương, chỉ chờ dịp này để tìm người hò hẹn… thì vẫn thế. Dường như, cái cớ của phiên chợ này xưa nay vẫn vậy, không chỉ là bán buôn.

Nét độc đáo nhất của chợ phiên Thụt là, dù người Dao, hay người Tày, Mông, Nùng, Pà Thẻn, ngày thường có lúc mặc váy áo truyền thống, lúc không, thậm chí có người cất những bộ đồ ấy trong hòm cả năm, nhưng đến phiên chợ Thụt, nhất định phải mang bộ đẹp nhất ra phơi hong từ cả tuần trước ngày phiên.

Ngọc Lan