Đề xuất sửa đổi các quy định về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa ô tô

- Thứ Hai, 10/01/2022, 19:35 - Chia sẻ
Trong Dự thảo tờ trình về việc ban hành Thông tư bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành quy định về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô và mức độ rời rạc của các linh kiện ô tô nhập khẩu, Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ đã đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô và mức độ rời rạc của các linh kiện ô tô nhập khẩu do các quy định được ban hành trước đây đã không còn phù hợp với thực tế hiện hành cũng như hết căn cứ pháp lý để áp dụng.
Khu công nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô của Thaco. Nguồn: ITN
Khu công nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô của Thaco
Nguồn: ITN

Theo đó, căn cứ ban hành quy định về tỷ lệ nội địa hóa với ô tô và mức độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu trước đây là dựa vào Quyết định 175/2002/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 và Quyết định 177/2004/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020. Tuy nhiên, hiện nay Quyết định số 1168/2014/QĐ-TTg đã thay thế toàn bộ Quyết định số 175/2002/QĐ-TTg. 

Bên cạnh đó, Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 26.8.2019 đã chấm dứt hiệu lực Quyết định số 1211/2014/QĐ-TTg ngày 24.7.2014 phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 1211/2014/QĐ-TTg thay thế Quyết định số 177/2002/QĐ-TTg). Mặt khác, Quyết định số 1168/2014/QĐ-TTg cũng sử dụng khái niệm “tỷ lệ giá trị sản xuất chế tạo trong nước đối với sản xuất ô tô” thay thế cho khái niệm “tỷ lệ nội hóa ô tô” tại Quyết định 175/2002/QĐ-TTg.

Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, khi Quyết định 175/2002/QĐ-TTg và Quyết định 177/2004/QĐ-TTg hết hiệu lực, các văn bản pháp luật của Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành dựa trên các căn cứ này là Quyết định 28/2004/QĐ-BKHCN, Quyết định số 05/2005/QĐ-BKHCN và Thông tư 05/2012/TT-BKHCN quy định về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hoá đối với ô tô và mức độ rời rạc của linh kiện cũng hết hiệu lực.

Trả lời Công văn của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc xin ý kiến đối với dự thảo Thông tư bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành quy định về phương  xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô và mức độ manh mún của linh kiện ô tô nhập khẩu, theo Bộ Tư pháp cho rằng, Khoản 1 Điều 12 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: “Văn bản quy phạm pháp luật chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ bằng văn bản quy phạm pháp luật của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó ”. Vì vậy, sau khi Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền, trường hợp xác định thông tư do Bộ trưởng ban hành không còn hiệu lực, không còn phù hợp với pháp luật và không còn phù hợp với  điều kiện kinh tế - xã hội, thì Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành văn bản bãi bỏ văn bản đó là phù hợp thẩm quyền và cần thiết. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, nêu đầy đủ, rõ ràng lý do bãi bỏ. 

Đồng thời, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát lại toàn bộ dự thảo Thông tư với các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;  Nghị định số 116/2017/NĐ-CP ngày 17.10.2017 của Chính phủ quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô;  Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25.5.2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 1.9.2016 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ưu đãi Biểu thuế nhập khẩu, Danh mục hàng hóa và thuế suất tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16.11.2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định Nghị định số 122/2016/NĐ-CP và các văn bản có liên quan để bảo đảm tính hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật hệ thống.

Chủ tịch Hội Cơ khí Đào Phan Long cho hay, việc chấm dứt hiệu lực của Quyết định 28/2004/QĐ-BKHCN, Quyết định số 05/2005/QĐ-BKHCN và Thông tư 05/2012/TT-BKHCN đều do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành trước đây là hoàn toàn phù hợp với chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Điều này cũng gỡ cho các doanh nghiệp sản xuất ô tô tại Việt Nam khỏi những quy định đã không còn căn cứ pháp lý để chuyển sang giai đoạn phát triển mới, phù hợp với thực tiễn phát triển của khoa học, công nghệ và hiện đại hơn.

Luật sư Phạm Xuân Sang, đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh cũng nhận xét, hiện sản xuất lắp ráp ô tô là ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 116/2017/NĐ-CP và tiếp đó là Nghị định 17/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2017/NĐ-CP, theo đó, mọi doanh nghiệp trong và ngoài nước muốn sản xuất lắp, ráp ô tô tại Việt Nam đều phải chấp hành. Do đó, theo quy định tại Điều 5 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Khoa học và Công nghệ cần bãi bỏ các quy định không còn cơ sở pháp lý là Quyết định 28/2004/QĐ-BKHCN, Quyết định số 05/2005/QĐ-BKHCN và Thông tư 05/2012/TT-BKHCN để bảo đảm sự thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật.

Về vấn đề này, đại diện Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ cho biết, có những doanh nghiệp nói vẫn cần phải duy trì quy định này hay cũng có chính sách của Bộ Tài chính dẫn chiếu đến mức độ rời rạc của bộ linh kiện theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ nên Bộ đang xem xét, trao đổi. 

Vân Phi