Đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô từ ngày 15.11

- Thứ Năm, 28/10/2021, 09:25 - Chia sẻ
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan về việc giảm lệ phí trước bạ đối với xe ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước. Theo Dự thảo Nghị định mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô, rơmoóc hoặc sơmi rơmoóc được kéo bởi ôtô và các loại xe tương tự xe ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước đang lấy ý kiến thì dự kiến lệ phí trước bạ cho ôtô sản xuất lắp ráp trong nước sẽ giảm 50%, áp dụng từ ngày 15.11 năm nay đến hết 15.5 năm sau.
Bộ Tài chính đề xuất giảm lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (Nguồn ITN)

 Nhiều chuyên gia cho rằng, chính sách này không chỉ nhằm kích thích tiêu dùng, thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước nối lại chuỗi cung ứng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 mà quan trọng hơn còn tăng nguồn thu cho ngân sách từ ngành công nghiệp quan trọng này. Bởi khi giảm phí trước bạ thì số lượng xe bán ra sẽ tăng, thúc đẩy sản xuất của doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Cùng với đó, tỷ lệ thuận với số xe ôtô bán ra tăng thì tổng thu ngân sách nhà nước sẽ tăng theo. Từ đó, đóng góp thêm một nguồn thu ngân sách quan trọng cho đất nước, vốn đang gặp rất nhiều khó khăn khi phải chi quá nhiều cho công tác phòng chống dịch, an sinh xã hội...

Minh chứng là năm ngoái, khi áp dụng chính sách giảm 50% vào nửa cuối năm, số lượng xe ôtô đăng ký đã tăng gấp đôi nên dù số thu lệ phí trước bạ giảm 7.314 tỷ nhưng tổng số thu ngân sách nhà nước lại tăng gần gấp đôi với 14.110 tỷ đồng.

Thực tế nhiều nước trên thế giới như Malaysia, Indonesia... cũng đang áp dụng các chính sách này để ưu đãi, hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước trước tác động của Covid-19, trong đó có chính sách về giảm lệ phí trước bạ. Việc giảm lệ phí trước bạ nếu được triển khai 'sớm ngày nào tốt ngày đó', mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp và cả đất nước ngày đó, nhất là góp phần thực hiện thành công "mục tiêu kép" mà Chính phủ đề ra.

Thành công từ việc thực hiện chính sách giảm lệ phí trước bạ 6 tháng cuối năm 2020 là kinh nghiệm, bài học quý để cơ quan chức năng sử dụng để sớm tiếp tục triển khai chính sách này trong năm nay. Bởi dịch bệnh Covid-19 được dự báo không chỉ ảnh hưởng trong năm nay mà còn có thể gây ra hệ lụy tiêu cực, kéo dài vài năm tới đối với ngành nghiệp công sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước.

Năm 2021 chỉ còn lại hơn 2 tháng nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội có nguy cơ không đạt, đặc biệt là thu ngân sách, chỉ số tăng trưởng kinh tế, cải thiện cuộc sống của người dân... Do đó, cần tận dụng tối đa các cơ hội để có thể vừa duy trì chuỗi sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động, vừa góp phần tăng trưởng kinh tế là rất cần thiết, cấp bách.

Vĩnh Linh