Hướng đến cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp

Để tỷ lệ nữ trúng cử đạt mục tiêu như kỳ vọng

- Thứ Hai, 08/03/2021, 06:35 - Chia sẻ
Để tỷ lệ nữ trúng cử đạt mục tiêu như kỳ vọng, trước hết trong quá trình hiệp thương, không nên để nữ ứng cử viên “gánh quá nhiều cơ cấu” mà nên phân bổ các cơ cấu kết hợp ra nhiều thành phần, nhiều đối tượng khác nhau. Cần đặc biệt quan tâm đến việc phân bổ địa bàn ứng cử để bảo đảm nữ và nam ứng viên đều có cơ hội bình đẳng và ngang nhau. Sẽ là bất hợp lý nếu số lượng nữ ứng cử viên chỉ chiếm 35% tổng số người trong danh sách chính thức nhưng lại có đơn vị bầu cử chiếm hầu hết là nữ ứng cử viên...

Những năm qua, mục tiêu bình đẳng giới luôn được Đảng, nhà nước ta quan tâm thực hiện bằng nhiều giải pháp và đã đạt được những kết quả khả quan trên mọi mặt. Trong đó, việc bảo đảm, phấn đấu tỷ lệ nữ tham gia ứng cử và trúng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp là một giải pháp, yêu cầu quan trọng. Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND 2015 đặt ra yêu cầu: Bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND là phụ nữ. Nghị quyết số 1187/NQ-UBTVQH14 ngày 11.1.2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đặt yêu cầu: “Bảo đảm có ít nhất là 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu HĐND là phụ nữ; phấn đấu tỷ lệ phụ nữ trúng cử là khoảng 30% tổng số đại biểu HĐND”.

Đại biểu tham dự một hội thảo tham vấn về dự thảo tài liệu bồi dưỡng nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 Ảnh: THANH PHÚC
Đại biểu tham dự một hội thảo tham vấn về dự thảo tài liệu bồi dưỡng nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026
Ảnh: THANH PHÚC

Không nên để phụ nữ “gánh quá nhiều cơ cấu”

Những ngày này, việc triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp - đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý, dân chủ sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân đang được tiến hành khẩn trương, theo các mốc thời gian quy định. Quá trình cơ cấu, phân bổ, hiệp thương giới thiệu đại biểu để bảo đảm tỷ lệ phụ nữ trong danh sách chính thức ứng cử viên chắc không khó. Tuy nhiên, kết quả bầu cử để đạt được mục tiêu đề ra mới là điều đáng quan tâm.

Thông thường khi lướt qua danh sách ứng cử viên những nhiệm kỳ qua cho thấy: Cơ cấu, thành phần rất hợp lý, tốt đẹp hơn những quy định. Nhưng nhìn kỹ, suy nghĩ thêm đã thấy rõ bộc lộ hạn chế chất lượng ứng cử viên nữ; thấp thoáng những người ở cơ sở, nhất là phụ nữ phải chịu làm “quân xanh” quá nhiều. Vì vậy, điều hết sức quan trọng mà thiết nghĩ các cơ quan liên quan cần quan tâm trong cơ cấu, giới thiệu ứng cử viên. Đó là: Không nên để phụ nữ “gánh quá nhiều cơ cấu” mà nên phân bổ các cơ cấu kết hợp ra nhiều thành phần, nhiều đối tượng khác nhau. Nam giới ứng cử viên bao giờ cũng nhiều hơn phụ nữ, nên trong cơ cấu kết hợp: trẻ tuổi, ngoài Đảng, dân tộc cần phân bổ cho nam ứng cử viên mới thể hiện được quan điểm bình đẳng giới trong bầu cử.

Cùng với đó, đại biểu cấp trên đã hiệp thương, thống nhất giới thiệu về cần kết hợp nhiều yếu tố, tránh tình trạng chỉ chú ý đến vị trí lãnh đạo, nguyện vọng của ứng cử viên và đề nghị của địa phương. Cần quan tâm thêm việc hợp lý về cơ cấu, nên phải có tỷ lệ phụ nữ tương ứng với quy định chung. Nếu trên giới thiệu về 3 - 4 ứng cử viên thì nên có 1 phụ nữ; nếu giới thiệu về 5 - 6 người thì nên có 2 nữ ứng cử viên, thế mới công bằng, bình đẳng. Còn ở địa phương, các cấp, các cơ quan khi cơ cấu, phân bổ đại biểu cần chú ý quan tâm đến những đơn vị có phụ nữ giữ các chức vụ lãnh đạo ở địa phương mình để giới thiệu ứng cử. Như vậy, vừa bảo đảm tỷ lệ phụ nữ, vừa nâng được chất lượng ứng cử viên. Giải quyết được hai vấn đề đó thì số lượng phụ nữ đắc cử do chất lượng sẽ nhiều lên đáng kể.

Đặc biệt quan tâm đến việc phân bổ địa bàn ứng cử

Sau các vòng hiệp thương để thống nhất cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử là thời điểm để các ứng cử viên chuẩn bị TXCT tại địa bàn ứng cử để vận động bầu cử. Giai đoạn này, cần đặc biệt quan tâm đến việc phân bổ địa bàn ứng cử như thế nào để bảo đảm nữ ứng viên và nam ứng viên đều có cơ hội bình đẳng và ngang nhau. Trong quá trình tổ chức bầu cử, việc phân bổ cơ cấu, thành phần bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu là phụ nữ; cùng với việc phân bổ địa bàn ứng cử hợp lý cho cả nam và nữ đều là những cách thức tạo cơ hội bình đẳng cho phụ nữ và nam giới tham gia vào lĩnh vực chính trị, là tiền đề quan trọng để thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, thúc đẩy sự phát triển bền vững về mặt xã hội.

Vì vậy, sẽ là bất hợp lý nếu số lượng nữ ứng cử viên chỉ chiếm 35% tổng số người trong danh sách chính thức nhưng lại có đơn vị bầu cử chiếm hầu hết là nữ ứng cử viên, và nam ứng viên lại là duy nhất, như vậy, chắc chắn cơ hội trúng cử sẽ được dành cho nam nhiều hơn. Chưa kể đến những định kiến xã hội đối với nữ ứng cử viên không phải là hiếm: Xem phụ nữ là người đảm nhiệm việc nội trợ, chăm sóc gia đình, còn chuyện “quốc gia đại sự” là của nam giới…

Vì vậy, cần quan tâm đặc biệt đến công tác tuyên truyền, vận động bầu cử để từng bước xóa mờ định kiến về giới, tạo những điều kiện thuận lợi nhất để tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan dân cử, nâng cao và phát huy trình độ, năng lực và vai trò của phụ nữ, bảo đảm để phụ nữ thực hiện tốt chức năng của mình và được tham gia đầy đủ, bình đẳng vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Mặt khác, các cơ quan liên quan, nhất là Hội Liên hiệp phụ nữ nên bố trí thời gian bồi dưỡng kỹ năng tiếp xúc cử tri vận động bầu cử cho ứng cử viên nữ, tạo cho chị em vững tin, chững chạc khi tiếp cận trước công chúng.

NGUYÊN PHƯƠNG